CẦN QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ HƠN NỮA VỀ CÁC HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM TRONG ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

27/03/2024

Chiều 27/3, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu thảo luận cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận.

HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH LẦN THỨ 5, NHIỆM KỲ KHÓA XV CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

Phát biểu thảo luận tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, về việc hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá, hiện nay, theo quy định tại Điều 9 luật hiện hành, đấu giá viên bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây: Cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng Chứng chỉ hành nghề đấu giá của mình; Lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi; Thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản; Hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá không đúng quy định của pháp luật; Vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên; Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tham gia ý kiến

Cũng theo quy định tại Điều này, tổ chức đấu giá tài sản bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây: Cho tổ chức khác sử dụng tên, Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức mình để hành nghề đấu giá tài sản; Thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản; Cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá; Để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi; Nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ người có tài sản đấu giá ngoài thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật, chi phí dịch vụ khác liên quan đến tài sản đấu giá theo thỏa thuận; Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan.

Đại biểu cho rằng, thực tế trong thời gian qua, quy định này là chưa đủ rõ ràng để đảm bảo triển khai đấu giá minh bạch, dẫn đến có những trường hợp tài sản pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá như quyền sử dụng đất, thanh lý tài sản công… có thực hiện không đúng quy định, nhưng không thể xử lý. Đại biểu đề nghị sửa quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, quy định cụ thể hơn trong dự thảo luật để hạn chế những tồn tại, bất cập hiện có.

Bên cạnh đó, tại khoản 4, Điều 3 của dự thảo luật, có quy định về chuyển tiếp, theo đó, việc đấu giá thí điểm biển số xe ô tô tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 73 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô cho đến ngày Nghị quyết này hết hiệu lực. Đánh giá đây là quy định cần thiết, tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nội dung “hoặc cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật mới thay thế quy định về đấu giá biển số xe ô tô” là không cần thiết, không đúng với phạm vi điều chỉnh của luật, do luật này không áp dụng với việc đấu giá biển số xe ô tô theo Nghị quyết số 73.

Đại biểu nêu rõ, khi Chính phủ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 73, thấy cần thiết tiếp tục thực hiện đấu giá biển số xe ô tô, thì việc tiếp tục áp dụng pháp luật sẽ được Quốc hội quyết định thông qua việc ban hành văn bản mới hoặc sửa đổi pháp luật về giao thông đường bộ.

Cùng quan tâm đến nội dung về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề nghị bổ sung thêm hai hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản là: gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc cho tổ chức mình trong hành nghề đấu giá; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người đăng ký tham gia đấu giá ngoài tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước và chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người thứ ba để thực hiện, không thực hiện việc đấu giá tài sản hoặc thực hiện việc đấu giá tài sản không đúng quy định.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Luật Đấu giá tài sản hiện hành mới chỉ quy định cấm việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích nhằm mục đích làm sai lệch kết quả đấu giá mà chưa có quy định cấm đối với hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích để nhằm mục đích làm sai lệch kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Nêu thực tế này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 4, Điều 9 Luật Đấu giá tài sản theo hướng: “Nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản”.

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Hà Phước Thắng, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh nêu vấn đề, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành có quy định về cho thuê tài sản công, cho thuê quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản công là một trong các hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công. Trên thực tế hiện nay, việc đấu giá quyền khai thác, quyền sử dụng các mặt bằng như bãi gửi xe, căng-tin, ki-ốt tại đơn vị như trường học, bệnh viện… đã được thực hiện rất nhiều và nhu cầu cũng rất lớn.

Trong khi đó, dự thảo Luật chỉ quy định một hình thức là bán tài sản thông qua đấu giá mà không có hình thức cho thuê tài sản công, cho thuê quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản công thông qua hình thức đấu giá tài sản. Từ thực tế này, đại biểu Hà Phước Thắng đề nghị bổ sung hình thức đấu giá cho thuê tài sản công, quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản công thông qua đấu giá.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng trong thời gian qua, đã có tình trạng đấu giá viên có hành vi tiêu cực, vì vậy, việc tập huấn, đào tạo đối với những đấu giá viên và những đấu giá viên này phải có trình độ theo quy định của luật là rất cần thiết.

Ngoài ra, đối với những quy định, tiêu chuẩn đấu giá viên được miễn không phải qua đào tạo, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng. Bởi lẽ việc đào tạo đấu giá viên, ngoài việc nắm bắt chuyên môn về đấu giá thì còn phải đào tạo, bồi dưỡng nhận thức, ý thức của đấu giá viên về mặt đạo đức, về phẩm chất trung thành, thực hiện đấu giá khách quan, công tâm, vô tư.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu

Dự thảo Luật cần quy định cho phép những đấu giá viên được miễn tham gia đào tạo song phải tham gia tập huấn những nội dung cần thiết, chứ không thể miễn hoàn toàn. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đối với việc đấu giá trong những trường hợp mà chỉ có một người tham gia đăng ký đấu giá, đây là những trường hợp rất đặc thù; cần quy định rõ những loại hình nào, lĩnh vực nào thì một người tham gia đấu giá có thể trúng đấu giá.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng trong bối cảnh tình trạng lợi dụng tham gia đấu giá, sau đó thắng thầu bỏ cọc của nhà đầu tư để "thổi giá đất" thị trường lên cao thì việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất là cần thiết.

Tuy nhiên, bản chất quan hệ đấu giá tài sản là quan hệ dân sự, tôn trọng thỏa thuận giữa các bên, vì vậy, nên cân nhắc kỹ lưỡng các biện pháp xử lý được đưa ra, tránh sự can thiệp quá sâu vào quan hệ dân sự; nhất là khi đã có những quy định để xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc hình sự nếu có vi phạm trong hoạt động đấu giá.

Cùng với đó, Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025 cũng sẽ góp phần khắc phục một số những bất cập tồn tại trong lĩnh vực đất đai thời gian qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao các ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, toàn diện và sâu sắc của các đại biểu. Sau Hội nghị này, cơ quan chủ trì thẩm tra cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa, giải trình đầy đủ các ý kiến đã nêu, hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo chất lượng cao trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. 

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Toàn cảnh hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Đại biểu Hà Phước Thắng, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung hình thức đấu giá cho thuê tài sản công, quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản công thông qua đấu giá.

Các đại biểu tham gia phát biểu, đóng góp ý kiến tại hội nghị

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, sau Hội nghị này, cơ quan chủ trì thẩm tra cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa, giải trình đầy đủ các ý kiến đã nêu, hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo chất lượng cao./.

Minh Hùng - Nghĩa Đức