TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN TÍNH ƯU VIỆT CỦA CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN

29/03/2024

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 tới đây. Quan tâm đến nhiều vấn đề của Dự án Luật, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cần đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người lao động.

HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH LẦN THỨ 5, NHIỆM KỲ KHÓA XV CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và chuẩn bị được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Dự án Luật này được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều thay đổi tích cực, góp phần hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, hướng đến mục tiêu xây dựng một xã hội an toàn, văn minh và phát triển bền vững. Dự án luật cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu.

Các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Theo TS.Nguyễn Thị Thu Lan - Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện có giá trị nhân văn, ưu việt và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tham gia. Đó là khi người lao động tham gia BHXH tự nguyện sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng theo quy định và được lựa chọn phương thức đóng linh hoạt, phù họp với thu nhập của bàn thân như: Đóng định kỳ (hằng tháng; 3 tháng một lần; 6 tháng một lần; 12 tháng một lần; nhiều năm một lần (không quá 5 năm/lần); hoặc đóng 1 lần cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Với ý nghĩa trên, sau một thời gian thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đạt kết quả bước đầu, chưa tương xứng với tiềm năng. Chỉ đến khi Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH thì việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện có chuyển biến tích cực cả về lượng và chất.

TS.Nguyễn Thị Thu Lan chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian qua cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện của người dân còn thấp, chưa bền vững, nhất là người tham gia hộ nghèo, hộ gia đình cận nghèo; nhóm lao động phi chính thức làm việc theo chế độ linh hoạt là rất khó quản lý, họ hưởng lương, thu nhập khác từ nhiều nguồn khác nhau, không cố định về không gian, thời gian cụ thể.

Cần đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người lao động

Nhận thức, hiểu biết về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế của nhiều người lao động chưa đầy đủ, hiện nay họ chủ yếu chỉ quan tâm tới vấn đề tiền lương, thu nhập hằng tháng và lợi ích trước mắt, mà chưa quan tâm đến việc phòng xa cho bản thân về sau này khi hết tuổi lao động.

Ngoài ra, mức hỗ trợ kinh phí BHXH tự nguyện của Nhà nước từ ngày 01/01/2018 theo mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn còn thấp (hộ nghèo được hỗ trợ 30% mức đóng tương ứng 46.200 đồng/tháng; hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, tương ứng 38.500 đồng/tháng; các đối tượng còn lại được hỗ trợ 10%, tương ứng 15.400 đồng/tháng). Điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu còn dài, một bộ phận người dân ở tuổi trung niên không đủ khả năng để đáp ứng. Chính quyền một số phương còn chưa quan tâm đúng mức đến việc triển khai thực hiện chính sách BHXH tự nguyện...

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, cũng như phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người lao động, TS.Nguyễn Thị Thu Lan nhấn mạnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện theo hướng đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền để người lao động hiểu rõ về những lợi ích khi tham gia loại hình bảo hiểm này. Cơ quan BHXH cần tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan thông tấn, báo chí với nhiều hình thức tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện phong phú, đa dạng.

Hai là, tiếp tục lan tỏa, nhân rộng những mô hình, cách làm hay, sáng tạo về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở các địa phương trong phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế.

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện của cơ quan BHXH thông qua việc tăng cường phối hợp chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hỗ trợ nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện.

Bốn là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH để tăng tính hấp dẫn, tạo thuận lợi hơn nữa cho người tham gia BHXH; đề xuất sửa điều kiện, thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu, kết hợp với điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu; quy định điều chỉnh tăng và linh hoạt hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng người nông dân, người lao động phi chính thức không thuộc người thuộc hộ nghèo, cận nghèo để tăng mức độ hấp dẫn, khuyến khích tăng số người tham gia BHXH tự nguyện. Quy định điều kiện về tuổi để được hưởng lương hưu giữa nam và nữ cho phù hợp để khuyến khích người nông dân, người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.

Năm là, tăng cường tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng cho các đại lý để nắm bắt được nội dung của chính sách BHXH tự nguyện. Đồng thời, trao đổi, phổ biến kinh nghiệm khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH tư nguyện, nhất là triển khai các hoạt động tuyên truyền linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương.

Sáu là, tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho BHXH cấp huyện và từng đại lý thu. Thực hiện đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào Quỹ BHXH, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Hồ Hương