PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO: TÌM KIẾM CON ĐƯỜNG TỪ VIỆN, TRƯỜNG RA CÁC TỔ CHỨC KHUYẾN NÔNG ĐỂ CHUYỂN GIAO CHO NGƯỜI DÂN
Đến nay đã có trên 10 văn bản luật liên quan đến phát triển ngành kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã mở ra chân trời mới cho việc phát triển nông nghiệp của nước ta; đồng thời đó là quan điểm phát triển mang tầm nhìn thời đại để chuyển kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh, chuyển nông nghiệp thâm canh hóa học sang nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương”.
Nông nghiệp, nông thôn, nông dân, trong đó nông nghiệp công nghệ cao là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, vì vậy đến nay đã có trên 10 văn bản luật liên quan đến phát triển ngành kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, như: Luật Hợp tác xã (2012), Luật Đất đai (2013), Luật Công nghệ cao (2008), Luật Sở hữu trí tuệ (2009), Luật Chăn nuôi,…
Bên cạnh đó có hàng trăm văn bản dưới luật, như: Quyết định 69/2010/QĐ-TTg ngày 03/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Quyết định 66/2015/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Thông tư 50/2011/TT- BNNPTNN ngày 15/7/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện quyết định số 69/2010/QĐ-TTG ngày 03 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;… đã được ban hành.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn đánh giá, chính sách, pháp luật liên quan đến ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đã được ban hành trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực, làm cơ sở lý luận và thực tiễn. Tuy vậy, để nâng cao năng suất, lao động từ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp cần phải sửa luật, đặc biệt là tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ để nông nghiệp công nghệ cao phát triển.
Cùng với đó, cần đầu tư mạnh hơn nữa cho khoa học và công nghệ, bởi thực tế đầu tư cho khoa học công nghệ chỉ chiếm chưa được 1% trong khi đó trong luật quy định mức tối thiểu 2% ngân sách chi cho khoa học công nghệ. Như vậy, việc chi ngân sách của các địa phương cho khoa học công nghệ chưa đạt mục tiêu đề ra nên việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng khó đáp ứng kỳ vọng.
Mặc dù, Chính phủ đang tập trung đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đã được ứng dụng trong thực tế nhưng nguồn lực vẫn còn hạn chế, mới chỉ dừng lại ở việc định hình, xây dựng các khu công nghệ cao mà chưa mang lại nhiều giá trị thiết thực, chưa có đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, trong tương lai, việc ứng dụng công nghệ cao cần thực hiện tốt hơn khi chính sách, pháp luật được hoàn thiện, có giải pháp cụ thể trong việc triển khai thực hiện, để các hộ nông dân cảm nhận được khi tham gia vào chuỗi công nghệ cao, sẽ tạo ra giá trị tốt hơn.
Hiện nay, các địa phương cũng đã xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng cũng cần có quy hoạch phù hợp, tránh xảy ra những hệ lụy như tại Lâm Đồng xây dựng hệ thống nhà kính dẫn đến tình trạng gây sụt sụt lún, sụt lở. “Khi muốn ứng dụng công nghệ cao, chúng ta phải đánh giá một cách toàn diện thể về cơ sở pháp lý và thực tiễn, như vậy mới có giá trị gia tăng tốt nhất”, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nêu quan điểm.
Trên thực tế hiện nay người nông dân ở nhiều nơi đã ứng dụng công nghệ cao vào trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp, mang lại giá trị lớn, đặc biệt việc mà chuyển đổi giống cây trồng cũng mang lại kết quả rõ rệt, cần được quan tâm. Bởi muốn tăng năng suất lao động, ngoài việc ứng dụng công nghệ cao, chúng ta cũng phải cần có các giải pháp và cách làm phù hợp. Tuy vậy, thực tế có một số nơi đã chuyển đổi giống cây trồng mang lại hiệu quả tốt nhưng người dân bị vướng các điều kiện khác, như tiếp cận nguồn vốn, đầu ra sản phẩm.
“Đơn cử như Thanh long, cả cả làng, cả xóm, cả xã, cả huyện trồng thanh long nhưng đến khi giá giảm xuống, không có đầu ra sản phẩm, người dân phải chuyển đổi sang giống cây trồng khác, như vậy người dân mất niềm tin vào thị trường. Do vậy, tôi cho rằng cần có sự kết hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Công thương trong quá trình tiêu thụ nông sản sẽ là động lực để cho người nông dân ứng dụng công nghệ cao, cũng như thu hút người dân vay vốn đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp”, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị.
GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Chia sẻ với vai trò là nhà nghiên cứu, GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần xác định điểm ưu tiên cho ứng dụng công nghệ cao phục vụ cho chuyển đổi số trong nông nghiệp ở các khâu then chốt có thể làm ngay như truy xuất nguồn gốc; giao dịch và tiêu thụ nông sản.
Về cơ bản, chúng ta phải chuyển từ tái cơ cấu sản xuất chỉ dựa trên thay đổi kết cấu ngành hàng và sản phẩm hiện nay sang tái cơ cấu thực sự theo chiều sâu về ba lĩnh vực: một là giải quyết vấn đề thị trường cho nông sản; hai là áp dụng được khoa học và công nghệ; ba là đổi mới thể chế tổ chức sản xuất nông nghiệp, cụ thể là phát triển kinh tế hợp tác và xây dựng chuỗi giá trị. Đây mới chính là các điểm đột phá để thay đổi về cơ bản khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
GS.TS Trần Đức Viên nêu dẫn chứng, trong nông nghiệp, khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp nói chung; 38% sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm các nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, trong đó có trên 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu “tỷ đô”.
Tuy vậy, năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ xếp thứ 56, chỉ số sẵn sàng công nghệ đứng thứ 92/140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vị trí này thể hiện sự tụt hậu của khoa học và côn nghệ của nước nhà. Sự tụt hậu này chủ yếu do cơ chế và chính sách của nhà nước còn chưa thực sự phù hợp.
“Khoa học Nông nghiệp là một bộ phận của khoa học và công nghệ quốc gia, muốn đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ trong xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng ta rất cần nền khoa học và công nghệ quốc gia phát triển mạnh, ngang tầm nhiệm vụ và ngang tầm thời đại, trong đó có khoa học và công nghệ nông nghiệp”, GS.TS Trần Đức Viên nêu quan điểm.