ĐOÀN ĐBQH TỈNH NGHỆ AN LẤY Ý KIẾN GÓP Ý LẦN 2 ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI)

10/04/2024

Chiều 10/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý lần 2 đối với Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

SỬA ĐỔI LUẬT LƯU TRỮ: CẦN LÀM RÕ NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG PHÁP LUẬT

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã xem xét cho ý kiến lần đầu và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (vào tháng 5/2024).

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TL

Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm 9 chương, 68 điều, tăng cả số chương và số điều so với Luật Lưu trữ năm 2011 (gồm 7 chương, 42 điều). Dự thảo Luật đã bổ sung 4 chính sách lớn về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, hoàn thiện quy định về quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, hoàn thiện quy định về quản lý lưu trữ, hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), các ý kiến phát biểu của các đại biểu đều thống nhất việc sửa đổi luật là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay.

Đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ góp ý nội dung Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: TL

Tuy nhiên, một số ý kiến còn băn khoăn với quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu 70 năm và dưới 70 năm là khá dài, vì thời hạn bảo quản của các ngành, các lĩnh vực không giống nhau.

Một số ý kiến cũng đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung quy định về khen thưởng, xử phạt và các điều khoản của Luật tại chương 7 cũng như quy định về bảo đảm an toàn thông tin đối với tài liệu lưu trữ điện tử, để từ đó số hóa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử.

Từ thực tiễn của ngành Lưu trữ trong thời gian qua, việc tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực lưu trữ nói chung và Luật Lưu trữ năm 2011 nói riêng chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Nhận thức về tầm quan trọng của việc lưu trữ tài liệu của một bộ phận lãnh đạo công chức, viên chức, người lao động hiện đang công tác tại các cơ quan, tổ chức rất thấp.

Các đại biểu đại diện các sở, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: TL

Do vậy, lĩnh vực lưu trữ cần có chế tài để đảm bảo các quy phạm pháp luật trong ngành Lưu trữ đi vào cuộc sống một cách rõ nét hơn. Nếu không quy định rõ điều này, tình trạng vi phạm hoặc không thực hiện những quy định của pháp luật về lưu trữ vẫn tiếp tục diễn ra như: Cán bộ, công chức không lập hồ sơ, các đơn vị không nộp hồ sơ vào lưu trữ cơ quan, các cơ quan không nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ, lịch sử, hoặc có trường hợp làm mất mát, hư hỏng, thất lạc hồ sơ lưu trữ,... không có chế tài để xử lý.

TS Đinh Văn Liêm - Trường Đại học Vinh góp ý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: TL

Ngoài ra, tại Điều 53 dự thảo Luật quy định các hoạt động dịch vụ lưu trữ chỉ nên để 2 hoạt động tại điểm a,b Điều 53 thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện đó là: Kinh doanh hạ tầng kỹ thuật để bảo quản tài liệu lưu trữ giấy, tài liệu trên các vật mang tin khác và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật để lưu trữ tài liệu lưu trữ số và cơ sở dữ liệu lưu trữ vì tính kỹ thuật cao và phức tạp.

Các góp ý khác, đề nghị dự thảo Luật quy định chính sách cho người làm công tác lưu trữ, phát huy toàn xã hội vào công tác lưu trữ. Nhà nước cần giải pháp cho người làm công tác lưu trữ tuyên truyền, phổ biến cho người dân về mục đích, ý nghĩa của tài liệu; vận động họ kê khai, tự nguyện giao nộp, hiến tặng, chuyển nhượng, ký gửi tài liệu quý vào trung tâm lưu trữ.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: TL

Cần có chính sách khuyến khích, ghi nhận đối với các cá nhân, gia đình, tổ chức hiến tặng, giao nộp tài liệu vào cơ quan lưu trữ, góp phần làm giàu có và phát huy tốt hơn giá trị kho tài liệu lưu trữ vô giá của đất nước.

Các ý kiến đóng góp sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp nghiên cứu và có ý kiến tại Kỳ họp Quốc hội sắp tới.

(Theo Báo điện tử Nghệ An)

Các bài viết khác