SỬA ĐỔI LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẦN GẮN VỚI ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
GÓP Ý MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH SÁCH TRONG VIỆC SỬA ĐỔI LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) 2013 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 18/6/2013 (Luật số 29/2013/QH13) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 bao gồm 11 Chương, 81 Điều và được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 28/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, Luật số 07/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Với vai trò là đạo luật gốc trong lĩnh vực KH&CN, Luật KH&CN 2013 đã góp phần thể chế hoá kịp thời và tương đối toàn diện những chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Toàn cảnh cuộc họp Tổng quan về phương án sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ.
Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thi hành Luật KH&CN 2013, bối cảnh trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Luật được ban hành từ năm 2013 nên không thể tránh khỏi việc chưa cập nhật được những vấn đề mới khi KH&CN trong nước và thế giới phát triển quá nhanh, nhất là trong khoảng 5 năm gần đây. Chính vì vậy, Bộ KH&CN cho rằng, việc sửa đổi Luật là hết sức nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại cuộc họp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về phương án sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, trên cơ sở tiếp thu các nội dung tại Thông báo số 48/TB-VPCP ngày 07/02/2024 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thường trực Chính phủ về Đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), Bộ Khoa học và Công nghệ đã rà soát, hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật với các vấn đề tổng thể cần giải quyết gồm:
Thứ nhất: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh của Luật: Kế thừa có chọn lọc các điểm tiến bộ và còn giá trị của Luật KH&CN 2013, đồng thời xác định các khoảng trống pháp luật và nút thắt cản trở sự phát triển của KH&CN nước nhà, từ đó có bổ sung, điều chỉnh phù hợp. Trong đó, mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật theo hướng: Bổ sung hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) và đối tượng tham gia hoạt động ĐMST (thực chất là các hoạt động thúc đẩy ứng dụng, thương mại hóa, biến kết quả KH&CN thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mới, mang lại giá trị gia tăng cho đời sống, xã hội, người dân). Đưa thêm các quy định liên quan đến hoạt động KH,CN&ĐMST của các cơ sở giáo dục đại học để thể hiện đúng vai trò là chủ thể chính của hệ thống ĐMST quốc gia trong hoạt động tạo ra tri thức và cung cấp dịch vụ tri thức cho xã hội, doanh nghiệp.
Chú trọng tới chủ thể thực sự của hoạt động ĐMST là các doanh nghiệp; phát huy vai trò then chốt của doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động từ nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa kết quả KH&CN cho tới sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là kết quả KH&CN; từ đó, có các giải pháp thúc đẩy phù hợp.
Thiết kế đầy đủ, toàn diện các giải pháp thúc đẩy không chỉ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ như Luật KH&CN 2013 để tạo ra tri thức, mà còn thực sự chú trọng hơn tới các giải pháp thúc đẩy ứng dụng và truyền bá tri thức trong thực tiễn. Không phân biệt đối xử công - tư, khuyến khích, thúc đẩy để huy động sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của khu vực ngoài công lập, khu vực tư nhân trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy.
Thứ hai: Chuyển dịch hệ thống ĐMST quốc gia theo hướng thực sự lấy doanh nghiệp là trung tâm, viện/trường là chủ thể nghiên cứu mạnh, đi đôi với việc tái cân đổi nguồn lực cả từ ngân sách nhà nước (NSNN) và nguồn lực xã hội đủ để thực hiện có hiệu quả định hướng chính sách này.
Thứ ba: Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thuận lợi, hấp dẫn hơn, cạnh tranh được với khu vực và quốc tế, có năng lực thúc đẩy kết nối, hợp tác đối tác mạnh hơn ở trong nước và với các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động khác trên thế giới, đạt mục tiêu khuyến khích sự ra đời và phát triển mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thế hệ mới, dựa trên công nghệ, có tiềm năng tăng trưởng nhanh, khẳng định được vị trí trên thị trường trong nước và vươn ra quốc tế, có thể trở thành các doanh nghiệp trưởng thành lớn mạnh trong tương lai.
Thứ tư: Nâng cao tiềm lực KH,CN&ĐMST: hoàn thiện chính sách đối với nhân lực KH,CN&ĐMST, tổ chức KH,CN&ĐMST, tài chính cho KH,CN&ĐMST, hạ tầng kỹ thuật cho KH,CN&ĐMST, thông tin KH,CN&ĐMST; thúc đẩy phổ biến và lan tỏa tri thức trong cộng đồng.
Thứ năm: Hoàn thiện quy định về: các công cụ, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST; chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, dự án ĐMST; đánh giá chương trình, đề tài, dự án KH,CN&ĐMST; đánh giá tổ chức KH&CN và tổ chức thúc đẩy ĐMST.
Thứ sáu: Thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp; thúc đẩy thương mại hóa và phát triển thị trường công nghệ.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, sau khi tổng kết và phân tích hiện trạng, Bộ KH&CN đã xác định được 15 nội dung chính sách cần ưu tiên đánh giá theo một phương pháp có hệ thống. Mỗi nội dung sẽ có một phương án là Giải pháp giữ nguyên hiện trạng (tức là không thay đổi tình trạng hiện có của vấn đề). Giải pháp giữ nguyên hiện trạng luôn được sử dụng trong báo cáo đánh giá tác động chính sách, bởi phân tích này luôn tính tới các tác động của sự thay đổi, nghĩa là phải so sánh tác động của các giải pháp thay đổi với giải pháp giữ nguyên hiện trạng để tìm hiểu rõ hơn tác động của việc thay đổi và làm rõ Giải pháp được lựa chọn trong Đề nghị xây dựng Luật.
Hiện nay, Bộ KH&CN đang nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới. Dự kiến, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giữa cơ quan trung ương và chính quyền địa phương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cần có đánh giá về cơ chế chính sách, những vướng mắc trong việc xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi).
Thay mặt cơ quan thẩm tra, đóng góp vào việc xây dựng dự án Luật KH&CN (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn nêu quan điểm: Cần có đánh giá về cơ chế chính sách, những vướng mắc trong việc xây dựng Luật KH&CN (sửa đổi). Theo đó, việc sửa đổi luật cần gắn với việc ĐMST. Ngoài ra, Luật này cần đặt ra trong tổng thể hệ thống pháp luật liên quan đến KH&CN. Đây là luật khung, quy định các cơ sở pháp lý cho các mục tiêu phát triển KH&CN sau này. Với 15 chính sách đề ra trong dự án Luật thì nên gộp lại chỉ còn 5 đến 6 chính sách.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn.
Liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, qua các cuộc giám sát với các địa phương, doanh nghiệp cho thấy có một số vướng mắc liên quan đến Luật Viên chức, Luật Quản lý tài sản công… Do đó, Ban soạn thảo dự án Luật cần có sự rà soát kỹ lưỡng để dự án Luật KH&CN (sửa đổi) tương thích với các luật khác và có tính khả thi khi Luật được áp dụng vào cuộc sống. Ngoài ra, cần thiết kế những điều về áp dụng cơ chế, sự rủi ro trong nghiên cứu KH&CN.
Liên quan đến đầu tư tài chính cho KH&CN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho rằng, hiện nay, chúng ta chưa có có giải pháp về việc lập quỹ KHCN nhưng không thể chi tiêu được. Đối với các quỹ KHCN ở địa phương, cần có đánh giá tác động, giải pháp để quỹ có thể hoạt động được và nếu hoạt động được thì phải hiệu quả.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cũng cho rằng, việc đổi mới cơ chế quỹ KHCN cũng cần được nghiên cứu, xem xét phương án phù hợp nhất. Mô hình của Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo có sự trùng lắp với Quỹ được đề ra trong Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ hay không?
Giải pháp giải quyết những bất cập trong thực hiện nhiệm vụ khoa học cần tính tới giảm bớt các thủ tục hành chính đối với các nhà khoa học, chủ nhiệm đề tài khoa học. Ngoài ra, việc tổ chức xét duyệt đề tài không nên thực hiện theo cơ chế năm tài chính.
Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho rằng, phải có khung cơ bản cho từng cơ chế để dễ dàng thực hiện trong thực tiễn./.