TỔ CÔNG TÁC SỐ 2 KHẢO SÁT TUYẾN XE BUS BRT BẾN XE KIM MÃ - YÊN NGHĨA VÀ TUYẾN ĐƯỜNG SẮT TRÊN CAO CÁT LINH – HÀ ĐÔNG
ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHẢO SÁT TẠI HUYỆN THƯỜNG TÍN, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Quang cảnh buổi làm việc
Cùng dự có đại diện: Thường trực Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Kinh tế; đại diện lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội: Trong giai đoạn 2009 đến 2023, sau nhiều năm nỗ lực, đặc biệt từ khi mở rộng địa giới hành chính, Thành phố Hà Nội đã đổi thay mạnh mẽ nhờ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xứng đáng là hạt nhân trung tâm của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước.
Đặc biệt, Vành đai 4 với vai trò chiến lược đối với toàn bộ Vùng Thủ đô đã được khởi công vào tháng 6/2023; 04 trục kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh gồm: Hồ Tây - Ba Vì; Tây Thăng Long; Ngọc Hồi - Phú Xuyên; Hà Đông - Xuân Mai cũng đang được khẩn trương đầu tư. Việc đầu tư hình thành các tuyến cao tốc trên góp phần kết nối giao thông, phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho 04 hành lang kinh tế quan trọng khu vực phía Bắc gồm: Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Thái Nguyên. …Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông vào vận hành, khởi đầu cho kỷ nguyên mới của vận tải công cộng nhanh - khối lớn, hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc
Mặc dù tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố mặc dù giảm dần trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), tuy nhiên vẫn diễn biến phức tạp khi giai đoạn từ ngày 01/7/2009 đến 31/12/2023, trên địa bàn Thành phố xảy ra 22.236 vụ làm 9.172 người chết, 17.699 người bị thương. Nguyên nhân, mạng lưới các tuyến đường giao thông thuộc hệ thống hạ tầng khung vẫn chưa hình thành đồng bộ theo quy hoạch; Hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị vẫn đang trong giai đoạn đầu tư và mới chỉ có 1 tuyến được đưa vào khai thác sử dụng (tuyến 2A); Việc triển khai áp dụng khoa học công nghệ cũng như đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS) trong quản lý điều hành giao thông vận tải mới chỉ trong giai đoạn đầu; các tuyến đường sắt chạy xuyên tâm qua khu vực trung tâm thành phố, đi qua các khu vực đông dân cư, giao cắt với nhiều tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông xảy ra…
Thành phố Hà Nội kiến nghị Quốc hội sớm thông qua dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó rà soát kỹ các nội dung còn trùng lặp, chưa phân rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chức năng trong thực hiện nhiệm vụ giữa 2 bộ Luật. Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện phần mềm ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để thuận tiện trong công tác quản lý và sử dụng. Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với các đơn vị có liên quan của thành phố, UBND các quận, huyện có đường sắt đi qua tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt theo văn bản số 1312/UBND-ĐT của UBND Tp. Hà Nội…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong phát biểu.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của thành phố Hà Nội; cho rằng, sự nỗ lực, cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền và sự ủng hộ của Nhân dân đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội.
Trước tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, tình trạng phá hoại thiết bị, cắt phá hàng rào hộ lan đường sắt vẫn còn xảy ra thì TP. Hà Nội đã triển khai những giải pháp nào và kết quả hiện nay ra sao? Trong công tác rà soát, thống kê, phân loại các công trình vi phạm, các công trình gây ảnh hưởng mất an toàn giao thông đường sắt được các quận, huyện triển khai thực hiện thì có vướng mắc, khó khăn gì?
Về giao thông đường thủy, có ý kiến nêu rõ, tại sao thành phố Hà Nội chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định về giá, trong khi đó, có tình trạng cơ sở vận chuyển lại tự ý nâng giá thu. Như vậy, công tác nắm bắt tình hình, quản lý của địa phương như thế nào? Liệu có làm thất thoát ngân sách nhà nước hay không? Bên cạnh đó thành viên đoàn giám sát cũng đề nghị thành phố Hà Nội quan tâm đến công tác quy hoạch, đầu tư và quản lý, khai thác bến xe, bãi đỗ xe, điểm trông giữ xe tạm thời trên địa bàn thành phố.
Chỉ rõ, hiện nay trên địa bàn Thành phố HN quản lý hơn 36.700 xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng tuy nhiên chỉ có 45 vị trí điểm dừng đỗ xe. Vận tải hành khách bằng xe taxi hơn 15.400 phương tiện nhưng cũng đang thí điểm 06 điểm dừng, đỗ đón trả khách, tỉ lệ đất giành cho giao thông còn hạn chế, khoảng hơn 10%, trong đó diện tích đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1%, chưa kể nhiều công trình trọng điểm chưa hoàn thành …Một số thành viên đoàn giám sát cho rằng đây chính là nguyên nhân gây ùn tắc “ cố hữu” ở Hà Nội trong thời gian qua. Do đó đề nghị Hà Nội có phương án xử lý những tồn tại này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng phát biểu.
Kết luận buổi làm việc Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Hải Hưng đề nghị, UBND thành phố Hà Nội cần chủ động yêu cầu các chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách trên đường thủy thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện nhằm bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông; không cho xuất bến đối với các phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn…Ngoài ra cần tăng cường tuần tra kiểm soát, xử phạt giao thông gắn với chuyển đổi số, hình ảnh để xử lý nghiêm minh gắn những trường hợp vi phạm an toàn giao thông. Đồng thời quan tâm hơn nữa đến phát triển giao thông công cộng, nhất là kết nối, liên kết giữa các phương tiện nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân. Đối với những kiến nghị của Thành phố, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp các ý kiến đề xuất để tiếp tục làm việc với các Bộ ngành nhằm nâng cao hiệu quả bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.