ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG NAM GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN ĐỔI MỚI HỆ THỐNG TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Tâm Đan
Đề xuất “Tòa án hỗ trợ thu thập chứng cứ”
Điều 15 dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) quy định việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án. Đây là nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý thời gian qua.
Ông Nguyễn Công Min - Chánh án TAND huyện Thăng Bình thống nhất quy định tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Nếu quy định tòa án có “quyền” thu thập chứng cứ thì có thể dẫn đến việc các thẩm phán lợi dụng quy định này để thực hiện các hoạt động thu thập chứng cứ gây bất lợi đương sự. Do đó, không nên quy định “quyền và nghĩa vụ” thu thập chứng cứ của tòa án.
Tranh luận nội dung này, ông Phan Thái Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cho rằng, trong điều kiện nước ta hiện nay, không phải ai cũng tiếp cận được hỗ trợ tư pháp. Vậy, trong trường hợp đương sự không thể cung cấp chứng cứ thì tòa lấy gì để xử, cần giải quyết bài toán này thế nào?
Bà Võ Thị Khánh Vân - Phó Viện trưởng VKSND huyện Phú Ninh phát biểu. Ảnh: Tâm Đan
Trong khi đó, bà Võ Thị Khánh Vân - Phó Viện trưởng VKSND huyện Phú Ninh cho biết, bản thân đã làm công tác về án tranh chấp đất đai khoảng 6 năm. Với những dự án liên quan đến đất đai, người yếu thế rất khó để tiếp cận thu thập chứng cứ. Để bảo vệ quyền lợi người dân, cần bỏ “nghĩa vụ” nhưng nên đưa “quyền” thu thập chứng cứ của tòa án vào Luật”.
Về nội dung này, ông Đặng Quốc Lộc - Chánh án TAND tỉnh thống nhất với Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) tại phiên họp thứ 31 ngày 14/3/2024.
Theo đó, yêu cầu chỉnh lý Điều 15 trên cơ sở 5 khoản do TAND tối cao đề xuất, trong đó có quy định tòa án “hỗ trợ thu thập chứng cứ và trực tiếp thu thập chứng cứ”.
Kết cấu của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm 154 Điều được bố cục thành 9 chương; trong đó, bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 nội dung lớn về nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án; hoàn thiện tổ chức bộ máy của tòa án; đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tòa án; Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia và Đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử. |
Có nên thành lập tòa án chuyên biệt?
Đây cũng là một trong nhận được nhiều ý kiến góp ý tại hội nghị do Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tổ chức.
Phần lớn các ý kiến tán thành quy định trong tổ chức TAND có TAND sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết một số loại việc có tính chất đặc thù, đòi hỏi chuyên môn hóa cao, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của tòa án, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Ông Đặng Quốc Lộc - Chánh án TAND tỉnh phát biểu ý kiến. Ảnh: Tâm Đan
Ông Đặng Quốc Lộc - Chánh án TAND tỉnh cho rằng, nội dung này rất cần thiết, tuy nhiên thời gian và phương pháp thực hiện như thế nào phù hợp thì nên cân nhắc.
Theo ông Lộc, án hành chính, án đất đai... hiện rất nhiều, đòi hỏi thẩm phán phải chuyên sâu từng lĩnh vực thì mới nâng cao được chất lượng bản án. Như hiện nay, ở cấp huyện, án nào thẩm phán cũng xử được, rất đa năng!
Có ý kiến đề xuất thành lập tòa chuyên biệt theo khu vực. Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Hà Lai - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng cần cân nhắc vì quy định này có thể gây khó khăn, tốn thời gian, tiền của cho đương sự…
Đại tá Nguyễn Hà Lai - Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu ý kiến. Ảnh: Tâm Đan
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng tiếp thu và cảm ơn các ý kiến góp ý của đại diện các cơ quan, đơn vị. Đồng thời trao đổi lại một số nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý về việc thu thập chứng cứ, thành lập tòa án chuyên biệt, việc ghi âm, ghi hình tại tòa...
Đồng chí Lê Văn Dũng đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu dự thảo Luật để góp ý kiến đến Đoàn ĐBQH tỉnh bằng nhiều hình thức, nhằm góp phần xây dựng Luật có hiệu lực, hiệu quả, sát với đời sống.