BẮC GIANG: NHỮNG MỤC TIÊU ĐỀ RA ĐỀU ĐẠT KẾT QUẢ TÍCH CỰC SAU 02 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 43/2022/QH15

19/04/2024

Kết quả giám sát cho thấy, sau 02 năm thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15, những mục tiêu mà Nghị quyết đề ra, tỉnh Bắc Giang đều đạt kết quả tích cực. Trong đó, mặc dù trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, tốc độ tăng trưởng GRDP của Bắc Giang luôn ở mức cao: Năm 2022 đạt 20,1%, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ hai cả nước; năm 2023 đạt 13,45%, đứng đầu cả nước...

ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC GIANG ĐỀ RA 4 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG NĂM 2024

ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC GIANG THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC NHẬN VÀ XỬ LÝ ĐƠN THƯ, PHẢN ÁNH CỦA CÔNG DÂN

Thực hiện Nghị quyết số 94/2023/QH15 (Nghị quyết số 94), ngày 22/6/2023 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Nghị quyết số 43) ngày 11/01/2022 về “chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển  kinh tế - xã hội đến hết năm 2023”, Kế hoạch số 544/KH-ĐGS ngày 06/10/2023 của Đoàn giám sát về triển khai thực hiện Nghị quyết số 94, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Thường trực HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Đoàn giám sát đã tiến hành giám sát trực tiếp kết hợp với việc xem xét báo cáo đối với UBND tỉnh và một số sở, ngành: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ; Kế hoạch và Đầu tư; Cục Thuế tỉnh; Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang; Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Bắc Giang.

 Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đến hết năm 2023 tại Ngân hành nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang.

Qua giám sát cho thấy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành trong tỉnh đã rất nỗ lực, chủ động, ban hành các văn bản triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tài khoá, tiền tệ theo tinh thần Nghị quyết số 43, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về triển khai Nghị quyết.

Thực hiện kịp thời các chính sách miễn, giảm thuế đã giúp tỉnh Bắc Giang ổn định đời sống và trật tự an toàn xã hội

Đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn khẳng định: Nghị quyết số 43 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, với một số chính sách cụ thể rất đúng, rất trúng và kịp thời, góp phần quan trọng trong việc khắc phục, vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là khó khăn, thách thức bởi đại dịch Covid 19, để phục hồi và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Từ thực tế Bắc Giang cho thấy, sau 02 năm thực hiện, những mục tiêu mà Nghị quyết đề ra đều đạt kết quả tích cực, đó là: (1) Phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; (2) Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân; (3) Phòng, chống dịch Covid 19 hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong đó, mặc dù trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, tốc độ tăng trưởng GRDP của Bắc Giang luôn ở mức cao: Năm 2022 đạt 20,1%, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ hai cả nước; năm 2023 đạt 13,45%, đứng đầu cả nước.

Đánh giá chung về việc thực hiện Nghị quyết 43, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn cho biết, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao, hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra, đã ban hành các văn bản theo thẩm quyền nhằm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết số 43 và các văn bản chỉ đạo có liên quan khác.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn phát biểu tại cuộc giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 tại Cục Thuế của tỉnh.

Việc khẩn trương triển khai thực hiện kịp thời các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã giúp giảm các nghĩa vụ tài chính, giảm chi phí sản xuất, góp phần quan trọng giúp cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định, khôi phục và mở rộng sản xuất, ổn định đời sống và trật tự an toàn xã hội, tạo nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó, chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng trong năm 2022 và nửa cuối năm 2023 và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó làm tăng sức mua, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời vừa góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện lạm phát, giá cả và chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao.

Qua thực hiện các chính sách, đã tạo thuận lợi, giúp cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, người dân trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức; phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; đẩy lùi dịch Covid 19, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Vẫn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc

Tuy nhiên, theo Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc. Đó là việc thực hiện giải pháp giảm thuế suất thuế GTGT không áp dụng chung cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thuế suất 10% mà loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, dẫn đến quá trình thực hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Cách xác định hàng hóa, dịch vụ giảm thuế GTGT; Lập hóa đơn riêng đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT; Mô tả hàng hóa tại Phụ lục kèm Nghị định số 15/2022/NĐ-CP dựa trên Danh mục Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam hiện nay không tương ứng với mô tả hàng hóa tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam dẫn đến khó khăn khi xác định mã HS đối với hàng hóa nhập khẩu tại các Phụ lục, đặc biệt là các dòng hàng có mô tả “hàng hóa... chưa được phân vào đâu”.

Do có sự khác nhau giữa tên của các nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế tại Nghị quyết 43/2022/QH15 với mã ngành sản phẩm theo quy định tại Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 01/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam cũng như mã HS của hàng hóa nhập khẩu. Bên cạnh đó, một số quy định chưa có giải thích đầy đủ, có quy định về mục tiêu nhưng không có quy định về tiêu chí xác định, nên lúng túng trong thực hiện.

Việc tổng hợp chính sách tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid19 khó khăn. Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên một số lĩnh vực có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi còn thấp so với nhu cầu thực tế và so với quy mô nguồn lực được bố trí.

Nguyên nhân chủ yếu là do những bất cập trong các quy định, hướng dẫn xác định đối tượng khách hàng được hỗ trợ (nhất là khách hàng kinh doanh nhiều ngành nghề, có ngành nghề được hỗ trợ, có ngành nghề không được hỗ trợ); bất cập trong thẩm định hồ sơ, xác định khách hàng đủ điều kiện hỗ trợ, trong đó có điều kiện về hoá đơn, chứng từ, giấy chứng nhận kinh doanh và điều kiện khách hàng phải thuộc diện “doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng phục hồi”. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác, trong đó có tình trạng có tâm lý e ngại sẽ bị thanh tra, kiểm tra sau khi được hỗ trợ…

Việc triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân rất khó khăn, đến nay chưa có dự án nào trên địa bàn tỉnh phát sinh dư nợ vay từ Chương trình trên. Nguyên nhân chủ yếu là do có những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, sự đồng thuận của người dân, quy định dự án phải đáp ứng điều kiện “đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng” mới được vay là chưa phù hợp với thực tế (theo tinh thần Văn bản số 1551/BXD-QLN ngày 20/4/2023 của Bộ Xây dựng).

Một số đề nghị nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 43/2022/QH15

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 43/2022/QH15, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Trần Văn Tuấn đưa ra một số đề nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành và đơn vị liên quan.

Đối với Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương: Tiếp tục quan tâm, tháo gỡ khó khăn; bố trí nguồn vốn tín dụng chính sách trong giai đoạn 2024-2025 và những năm tiếp theo để thực hiện chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP và Luật Nhà ở năm 2023 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025).

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép thực hiện cho vay vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng Nhà ở xã hội để cho công nhân, người thu nhập thấp thuê (trước thời điểm Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2025). Nội dung này phù hợp với quy định tại khoản 3, Điều 53 Luật Nhà ở năm 2014: “Hộ gia đình, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên diện tích đất ở hợp pháp của mình để cho thuê, cho thuê mua, bán nhưng có sự ưu đãi của Nhà nước theo quy định tại Điều 58 của Luật này.”

Đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, bổ sung các nội dung Thông tư số 09/2021/TT-BXD, ngày 16/8/2023 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015 của Chính phủ  về quản lý và phát triển nhà ở xã hội và Nghị định số 49/2021 ngày 01/4/2021 của Chính  để phù hợp trước hết với quy định của Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP để thực hiện trong năm 2024, sau đó là phù hợp theo quy định của Luật Nhà ở (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025) và tình hình thực tiễn.

Đề nghị Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, pháp luật, nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tháo gỡ khó khăn, bất cập về tín dụng hỗ trợ người dân mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Đối với UBND tỉnh: Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai có hiệu quả một số chính sách của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có hiệu lực đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024 theo tinh thần Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV.

Đối với Cục Thuế tỉnh: Tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a, mục 1.1, khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024 theo tinh thần Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV.

Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang: Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá, tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn. Ngoài việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng, cần đánh giá đầy đủ và có  biện pháp tháo gỡ hiệu quả đối với những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động ngân hàng, bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư./.

Bích Lan