Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính tổ chức Phiên họp thứ ba.
Dự phiên họp có Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương; cùng các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật; đại diện các Bộ, ngành có liên quan; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.
Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 37) đã quy định “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Do vậy, việc xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính là cần thiết nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm và thực thi quyền con người; triển khai thực hiện quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật có liên quan về chuyển đổi giới tính, quyền nhân thân của người chuyển đổi giới tính; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về quyền chuyển đổi giới tính.
Một trong những dấu mốc quan trọng là việc Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự kiến cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, cho thấy sự quyết tâm, nhân văn và quan điểm: “lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân” của Đảng và Nhà nước ta.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính chủ trì phiên họp.
Theo dự kiến, Bố cục của dự thảo Luật gồm 7 chương, 31 điều: Chương I - Những quy định chung (Từ Điều 1 đến Điều 8); Chương II – Can thiệp y khoa và điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với người đề nghị can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính (Từ Điều 9 đến Điều 11); Chương III – Điều kiện, quy trình, thủ tục của bệnh viện trong việc can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính (Từ Điều 12 đến Điều 21); Chương IV – Công nhận giới tính đã can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính (Từ Điều 22 đến Điều 23); Chương V – Thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục công nhận giới tính đối với người đã can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính trước khi luật này có hiệu lực (Từ Điều 24 đến Điều 25); Chương VI – Trách nhiệm của cơ quan nhà nước về chuyển đổi giới tính (Từ Điều 26 đến Điều 29); Chương VII - Điều khoản thi hành (Điều 30 và Điều 31).
Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính, dự kiến đầu tháng 5/2024, Ban soạn thảo sẽ gửi Hồ sơ dự án Luật để xin ý kiến Chính phủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau khi tiếp nhận ý kiến của Chính phủ, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật, báo cáo Ủy ban Xã hội.
Tại phiên họp tháng 8 hoặc đầu tháng 9/2024, Ban soạn thảo sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Hồ sơ dự án Luật Chuyển đổi giới tính; tháng 9/2024, Ban soạn thảo sẽ gửi Hồ sơ dự án Luật đến các vị Đại biểu Quốc hội và tại kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024, Ban soạn thảo sẽ trình Hồ sơ dự án Luật Chuyển đổi giới tính đến Quốc hội theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển góp ý tại phiên họp.
Tại phiên họp, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tập trung làm rõ nội dung liên quan đến các quy định về giải thích từ ngữ, Chính sách của Nhà nước về chuyển đổi giới tính, các hành vi bị nghiêm cấm, nguyên tắc chuyển đổi giới tính; Các phương pháp thực hiện can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính cũng như điều kiện đối với người đề nghị can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính…
Về Thẩm quyền công nhận giới tính nam hoặc nữ cho người đã can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính, Điều 22 của dự thảo Luật quy định: Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi công dân đăng ký cư trú có thẩm quyền công nhận giới tính nam hoặc nữ cho người được cấp Giấy xác nhận đã can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính cũng như Hồ sơ, thủ tục công nhận giới tính nam hoặc nữ sau khi can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính. Đây là nội dung vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Các đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát các nội dung liên quan đến Luật Hộ tịch và các quy định có liên quan.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính kết luận phiên họp.
Kết luận phiên họp, ĐBQH Nguyễn Anh Trí, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính trân trọng cảm ơn và ghi nhận sự đóng góp ý kiến, đề xuất của các đại biểu và cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến trong quá trình biên soạn, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện dự án Luật và dự kiến gửi xin ý kiến Chính phủ vào đầu tháng 5 tới đây./.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Quang cảnh phiên họp.
Các biểu dự phiên họp.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại phiên họp.
Bà Đinh Thị Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, không nên quy định phải can thiệp y học toàn bộ khi chuyển đổi giới tính để đảm bảo nhân quyền cho người chuyển giới.
Đại diện các Bộ, ngành đánh giá cao việc xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính kết luận phiên họp.