ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UBTVQH VỀ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP LÀM VIỆC CƠ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH THÁI NGUYÊN
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HIỆU QUẢ CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
Tham dự cuộc làm việc có Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng Đoàn giám sát; các thành viên Đoàn giám sát; đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan.
Tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong Báo cáo của 03 Bộ chưa thể hiện rõ việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật của ngành, lĩnh vực đã đầy đủ chưa. Vì vậy, đề nghị các Bộ báo cáo cụ thể về nội dung này; khó khăn, vướng mắc; đề xuất, kiến nghị.
Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn Giám sát với 03 Bộ.
Theo Báo cáo, tỷ lệ giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập của từng Bộ trong giai đoạn 2015 - 2021 chưa đạt mục tiêu giảm tối thiểu 10% đặt ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, cụ thể là: Bộ Tài nguyên và Môi trường giảm được 7 đơn vị (90/97 đơn vị), tương ứng gần 7,22%; Bộ Công Thương giảm được 3 đơn vị (66/69 đơn vị), tương ứng gần 4,35%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm được (106/114 đơn vị), tương ứng gần 7,02%. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; đề xuất, kiến nghị; kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ trong thời gian tới để đạt được mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025.
Báo cáo bổ sung của Bộ Công Thương đã nêu các khó khăn trong thực hiện sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn hiện nay; Bộ có đề xuất những giải pháp cụ thể gì để khắc phục khó khăn này?; kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ trong thời gian tới để đạt được mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025 trong đó có việc thực hiện Kế hoạch năm 2024 - 2025 giảm 14,5% đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ, giảm 11% đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Cục so với năm 2021.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại cuộc làm việc
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường có nêu số lượng đơn vị sự nghiệp công lập Bộ đã giảm được của năm 2023 so với năm 2021 là 10 đơn vị (80/90 đơn vị), tương ứng 11,1%, cao hơn nhiều so với mức 7,22% của giai đoạn 2015-2021. Đề nghị Bộ cung cấp thông tin về những giải pháp đã áp dụng để đạt được kết quả này.
Theo Báo cáo của 03 Bộ thì việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần và loại hình doanh nghiệp khác đạt được kết quả rất thấp. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị các Bộ nêu rõ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện và nguyên nhân (bao gồm nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân do cơ chế, chính sách chưa kịp thời, đầy đủ, cụ thể); nêu giải pháp, kiến nghị cụ thể để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW là đến năm 2025 có 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Báo cáo của 03 Bộ chưa nêu rõ kết quả cụ thể của việc xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Do đó, đề nghị các Bộ báo cáo cụ thể hơn nội dung này. Đề nghị các Bộ cho ý kiến về sự cần thiết ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng điều chỉnh về đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập theo định hướng được ghi tại Kết luận số 62-KL/TW ngày 02/10/2023 của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Một số mô hình thí điểm về tinh gọn tổ chức bộ máy trong các đơn vị triển khai còn chậm
Theo Báo cáo của Bộ Công thương, số lượng đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ năm 2023 không thay đổi so với năm 2021, giảm 3% so với năm 2017 và giảm 5% so với năm 2015. Đến thời điểm hiện tại, số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của Bộ Công thương giảm tối thiếu 10% so với biên chế sự nghiệp năm 2015.
Giai đoạn 2015 – 2021, Bộ Công thương đã thực hiện việc cắt giảm số lượng người làm việc là 7.007 người, đạt tỷ lệ 44,52%. Năm 2022 và 2023, số lượng người làm việc được giao là 6.126 người so với năm 2021, giảm 2.515 người, đạt 28,81%. Như vậy, giai đoạn 2022 – 2025, Bộ thực hiện vượt chỉ tiêu cắt giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Các đại biểu tham dự cuộc làm việc
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tính đến hết ngày 31/12/2023, số đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ là 80 đơn vị; giảm 17,53% so với năm 2015; giảm 18,37% so với năm 2017; giảm 11,1% so với năm 2021. Đến năm 2023, Bộ đã giảm hơn 18 đơn vị chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước sang đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên so với năm 2015. Số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp chưa tự bảo đảm chi thường xuyên đã giảm mạnh, đặc biệt là số người làm việc hưởng lương ngân sách so với năm 2021 giảm 4,6%, so với năm 2017 giảm 55,8%, so với năm 2015 giảm 77,5%.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2023, Bộ đã thực hiện việc tổ chức, sắp xếp giảm được 8 đơn vị trực thuộc Bộ trong tổng số 75 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ (đạt 10,6%); giảm 146 đầu mối tổ chức (phòng, khoa, bộ môn, trung tâm,…) trực thuộc các cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ.
Số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính đến năm 2021 đã giảm 27% so với năm 2015, đạt và vượt tiêu chí theo quy định của Nghị quyết 19-NQ/TW. Trong giai đoạn 2022 – 2026, tính đến năm 2023 biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ đã giảm 6,8% so với năm 2021.
Lãnh đạo các Bộ tham dự cuộc làm việc
Tuy nhiên, qua Báo cáo của các Bộ cũng chỉ rõ những nguyên nhân, hạn chế còn tồn tại. Các văn bản hướng dẫn về tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập còn chưa kịp thời và đầy đủ, thủ tục hành chính còn rườm rà. Nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp của một số đơn vị sự nghiệp còn thấp, vì vậy khó khăn trong bố trí kinh phí để thực hiện tinh giản biên chế đối với viên chức.
Bên cạnh đó, các đơn vị chưa chủ động trong việc tập trung đầu tư nâng cao tiềm lực, nâng cao năng lực thực hiện, đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp. Nhiều đơn vị còn trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động kém hiệu quả; còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, chưa chủ động trong việc thu hút các nguồn tài chính từ doanh nghiệp, từ xã hội hóa. Một số đơn vị còn lúng túng khi xác định, xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy; một số mô hình thí điểm về tinh gọn tổ chức bộ máy trong các đơn vị triển khai còn chậm.
Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn Giám sát đã yêu cầu 3 Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường làm rõ hơn về các nội dung do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã đề cập ở trên cũng như đưa ra giải pháp để triển khai tốt hơn việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới.
Các thành viên Đoàn Giám sát
Với những yêu cầu, đề nghị làm rõ của các thành viên Đoàn Giám sát, lãnh đạo 3 Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường đã làm rõ về hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023. Công tác sắp đất đất đai, tài sản công liên quan đến đất đai trong quá trình sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc tinh giảm biên chế, áp dụng chế độ chính sách đối với đối tượng tinh giảm biên chế của các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện. Những khó khăn của các Bộ, đơn vị trong việc chỉ đạo thực hiện đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. Nguồn lực tài chính để thực hiện sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm đảm bảo hiệu quả, hiệu suất nhất.
Ngoài ra, các Bộ cũng đề xuất, tham mưu với Đoàn Giám sát về việc sửa đổi một số văn bản pháp luật liên quan đối với việc sửa đổi đơn vị sự nghiệp công lập; quy chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận cuộc làm việc với 03 Bộ
Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận những ý kiến đóng góp, kiến nghị của các thành viên Đoàn Giám sát cũng như sự nỗ lực cũng như chỉ ra những hạn chế, tồn tại của 3 Bộ trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giao Thường trực Đoàn giám sát ghi nhận đầy đủ ý kiến của các Bộ nêu tại buổi làm việc để đề xuất, trao đổi với các Bộ có liên quan và Chính phủ tại buổi làm việc tới; đề nghị các thành viên Đoàn giám sát nghiên cứu, đề xuất nội dung đưa vào Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.
Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì cuộc làm việc của Đoàn Giám sát với 03 Bộ
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Các thành viên Đoàn Giám sát tham dự cuộc làm việc
Nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Đinh Duy Hòa đóng góp ý kiến
Ông Trần Kim Chung - Thư ký khoa học, Ban Thư ký khoa học, Hội đồng lý luận Trung ương
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp
ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế
ĐBQH Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội
ĐBQH Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục
ĐBQH Vũ Tuấn Anh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Ủy viên Ủy ban Xã hội
ĐBQH Vương Quốc Thắng - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường
ĐBQH Lê Văn Khảm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội
ĐBQH Lê Anh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại
ĐBQH Ngô Trung Thành - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận cuộc làm việc./.