ĐBQH LÊ THỊ THANH XUÂN: QUY ĐỊNH "TÒA ÁN KHÔNG CÓ NGHĨA VỤ THU THẬP CHỨNG CỨ" PHÙ HỢP VỚI XU HƯỚNG TỪNG BƯỚC PHÁT TRIỂN CỦA NỀN TƯ PHÁP NƯỚC TA
QUỐC HỘI NGHE BÁO CÁO VỀ DỰ ÁN LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN
Quốc hội nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”; thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành; nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm người chưa thành niên; tuân thủ các chuẩn mực của quốc tế và đáp ứng yêu cầu của Liên Hợp quốc về xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Xây dựng đạo luật chuyên biệt để bảo vệ, giáo dục trẻ em tốt hơn trong tình hình mới
Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, qua nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan, đại biểu bày tỏ sự thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên. Bởi, pháp luật hiện hành vẫn còn thiếu cơ chế đặc thù riêng biệt để bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên tại các giai đoạn tố tụng; hệ thống hình phạt đang áp dụng chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất, hành vi phạm tội của người chưa thành niên; chưa coi trọng đúng mức việc áp dụng biện pháp “xử lý chuyển hướng” để thay thế các hình phạt trong Bộ luật hình sự bằng biện pháp nhân văn, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc và tính nghiêm minh của pháp luật. Do đó, việc xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên là cần thiết để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới.
Dự thảo Luật đã cụ thể hóa Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; khoản 1 Điều 37 của Hiến pháp năm 2013: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.”. Đồng thời, cơ bản phù hợp với nhiều quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan như: Luật Trẻ em, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Trợ giúp pháp lý…
Đại biểu cũng đánh giá cao và tán thành quy định về bảo đảm chính sách dân tộc và liên quan đến bình đẳng giới trong dự thảo Luật. Bên cạnh mục tiêu chung là bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất cho người chưa thành viên “bảo đảm công bằng, không kỳ thị, không phân biệt đối xử đối với người chưa thành niên” thì dự thảo Luật đã ghi nhận nguyên tắc: “Quan tâm đến các nhu cầu chính đáng của người chưa thành niên do giới tính, thuộc đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là người khuyết tật và người dân tộc ít người” (Điều 7). Hay quy định tại khoản 2 Điều 97: “học sinh nữ tại Trường giáo dưỡng được cấp thêm một số đồ dùng cần thiết v.v...)…
Phân định rõ các biện pháp xử lý chuyển hướng
Một trong những điểm mới của dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trên cơ sở kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự và quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để bảo đảm trật tự xã hội, an toàn cho cộng đồng. Quy định việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng linh hoạt, phù hợp với từng người chưa thành niên. Khuyến khích người chưa thành niên chấp hành tốt để được rút ngắn thời gian xử lý chuyển hướng trước thời hạn. Đổi mới trình tự, thủ tục xử lý chuyển hướng theo hướng nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk
Góp ý về nội dung này, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cho biết, tại khoản 9 Điều 4 và 12 biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại Điều 36 của Dự thảo Luật. Tuy nhiên, có một số biện pháp xử lý chuyển hướng được liệt kê trùng với các biện pháp giám sát, giáo dục đã được quy định trong Bộ luật Hình sự (Mục 2 Chương XII của Bộ luật Hình sự), bao gồm: “khiển trách”, “hoà giải tại cộng đồng (bao gồm xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại)”, “giáo dục tại xã, phường, thị trấn”. Do đó, đại biểu đề nghị cần phân định và phân biệt rõ ràng các biện pháp, chế tài giữa “biện pháp xử lý chuyển hướng” với chế định “Các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự” để đảm bảo thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lắp trong quá trình áp dụng pháp luật.
Tại khoản 2, khoản 3 Điều 39 dự thảo Luật về điều kiện áp dụng quy định “2. Người chưa thành niên thừa nhận mình có tội”; “3. Người chưa thành niên đồng ý xử lý chuyển hướng”. Theo đại biểu, việc quy định “người chưa thành niên thừa nhận mình có tội và đồng ý xử lý chuyển hướng” là điều kiện để áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là không phù hợp. Bởi, việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng phải căn cứ vào độ tuổi, nhận thức, hoàn cảnh cũng như tính chất, mức độ hành vi phạm tội của người chưa thành niên để đánh giá khả năng cải tạo, phục hồi cho người chưa thành niên chứ không phụ thuộc vào ý chí mong muốn của người chưa thành niên. Quy định này tương tự như quy định của pháp luật hiện hành về áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, do đó, không cần thiết phải có sự đồng ý của người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nên cân nhắc đối với các nội dung nêu trên.
Đối với quy định tại Điều 53 dự thảo luật về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân lựa chọn Phương án 1. Theo Phương án 2 của dự thảo Luật quy định chỉ Tòa án có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng trên cơ sở xem xét đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát là không phù hợp. Theo đại biểu, mục tiêu của việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng nhằm giúp người chưa thành niên sớm ra khỏi quy trình tố tụng hình sự, nếu để đến giai đoạn chuẩn bị xét xử, xét xử mới thực hiện sẽ không bảo đảm tính kịp thời, không bảo đảm lợi ích tốt nhất đối với người chưa thành niên.
Đồng thời, cần quán triệt nguyên tắc “phân công, phối hợp, kiểm soát” trong hoạt động tố tụng hình sự; Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền độc lập với Tòa án, không thể “trình” Tòa án để xem xét đề nghị về xử lý chuyển hướng thông qua người làm công tác xã hội.
Bổ sung quy định đối với người chưa thành niên tham gia tố tụng
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cho biết, tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định người dưới 18 tuổi phạm tội phải có người bào chữa là bắt buộc, trong trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa, thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ.
Tuy nhiên, pháp luật không quy định thời điểm khi nào người bào chữa tham gia tố tụng trong vụ việc người chưa thành niên phạm tội. Tại các điều 14 và điều 122 dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên có quy định bảo đảm quyền bào chữa cho người bị buộc tội là người chưa thành niên. Đại biểu băn khoăn, trong dự thảo không có quy định người bị hại là người chưa thành niên có được mời luật sư với tư cách là người bảo vệ quyền lợi của đương sự hay không.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định đối với người chưa thành niên tham gia tố tụng
Mặt khác, trong dự thảo Luật không quy định cụ thể thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng từ khi nào trong vụ việc liên quan đến người chưa thành niên phạm tội. Thực tế, trong nhiều năm qua cho thấy, luật sư bào chữa chỉ khi gần kết thúc điều tra. Luật sư bào chữa không được tham dự từ khi phát hiện hành vi phạm tội, bắt đầu có bản khai, bản cung đầu tiên nên có trường hợp người chưa thành niên bị ép cung, mớm cung trong hoạt động điều tra; do đó, ban soạn thảo cân nhắc thêm quy định này.
Đại biểu cũng cho biết, trong các trường hợp người phải chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng có thể được hoãn chấp hành biện pháp giáo dục trong đó có trường hợp quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 90 của dự thảo: “Có lý do chính đáng khác được Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xác nhận”. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo không nên dùng từ, cụm từ mang tính trừu tượng, chung chung, tránh việc áp dụng không thống nhất trong thực tiễn, như: “Có lý do chính đáng khác”, quy định như vậy sẽ dẫn đến việc thực hiện, áp dụng pháp luật một cách tùy tiện dễ dẫn đến tiêu cực. Do đó, Ban soạn thảo càn cân nhắc, hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết về “Lý do chính đáng khác”.
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định đối tượng áp dụng là người chưa thành niên phạm tội, người chưa thành niên là người bị hại, người làm chứng. Bên cạnh đó, trong giải quyết các vụ việc hình sự, người chưa thành niên còn có thể là người tham gia tố tụng với tư cách: người tố giác, báo tin về tội phạm; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự (trong vụ án hình sự); người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, trong dự thảo luật không có quy định nào cần phải được thực hiện khi tiến hành tố tụng đối với những người chưa thành niên có tư cách nói trên khi tham gia tố tụng. Do vậy, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm những quy định các cơ quan có thẩm quyền tư pháp tiến hành tố tụng đối với người chưa thành niên tham gia tố tụng với tư cách: “người tố giác, báo tin về tội phạm; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự (trong vụ án hình sự); người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án” cho phù hợp.