Toàn cảnh cuộc làm việc
Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; các thành viên Thường trực Hội đồng Dân tộc; Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần; đại diện lãnh đạo Vụ Dân tộc.
Nhiệm vụ của HĐDT là đa ngành, đa lĩnh vực
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong bối cảnh nhiều khó khăn nhưng nhiều năm qua Hội đồng Dân tộc (HĐDT) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, được Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao. Ngoài chức năng, nhiệm vụ hiện nay của HĐDT, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giao thêm các nhiệm vụ khác có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của HĐDT về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Đồng thời nhấn mạnh, vấn đề là phải tạo được sức mạnh tổng hợp, trong đó sức mạnh nội lực của HĐDT là rất quan trọng.
Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc hiện nay của HĐDT trong quá trình hoạt động, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận thấy, việc quy định HĐDT thẩm tra bảo đảm các chính sách dân tộc trong tất cả các dự thảo luật trình Quốc hội là hoàn toàn đúng. Nhận thấy không có chính sách nào không liên quan đến chính sách dân tộc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cách tiếp cận cần rõ ràng về vấn đề này. Do đó, việc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định HĐDT thẩm tra việc bảo đảm các chính sách dân tộc cho tất cả các dự thảo Luật trình Quốc hội là một yêu cầu bắt buộc và cần được luật hóa.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương
“Nhiệm vụ của HĐDT là đa ngành, đa lĩnh vực, khác với các Ủy ban khác. Các Ủy ban khác có thể chủ trì thẩm tra theo chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời tham gia thẩm tra các dự án Luật và các Nghị quyết khác. Nhưng HĐDT sẽ tham gia thẩm tra hầu hết tất cả các dự án Luật dù cho có Ủy ban nào chủ trì. Đây là một đặc thù của HĐDT khác với các Ủy ban khác”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc liên quan đến kinh phí, cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo cho hoạt động của đại biểu Quốc hội và cán bộ công chức của Vụ Dân tộc, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực HĐDT tiếp tục nghiên cứu đề xuất với đầy đủ cơ sở, căn cứ khoa học, thực tiễn. Đồng thời đề nghị HĐDT và Vụ Dân tộc tiếp tục quan tâm, tìm hiểu về các phong tục, tập quán, bằng kinh nghiệm làm việc của mình để nâng cao trình độ trên tất cả các lĩnh vực nhằm đảm đương được công việc.
Cần chọn lựa có trọng tâm, trọng điểm và giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra
Về chức năng, nhiệm vụ của HĐDT, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đều đã quy định rất rõ. Tuy nhiên liên quan đến khoản 2 Điều 75 và khoản 2 Điều 76 của Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị HĐDT tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị với Chính phủ những hội nghị có nội dung trọng điểm thì Chủ tịch HĐDT phải được mời tham dự phiên họp của Chính phủ bàn về thực hiện chính sách dân tộc. Do đó, cần có cách tiếp cận linh hoạt hơn để đạt được kết quả và đảm bảo được thời gian và công việc.
Bên cạnh đó, Điều 69 của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 đã quy định rõ HĐDT có chức năng thẩm tra dự án luật, pháp lệnh về chính sách dân tộc; thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong các dự án luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội, UBTVQH. Tham gia ý kiến về việc ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc của Chính phủ… Nhấn mạnh không có chính sách, pháp luật nào của Đảng và Nhà nước không liên quan đến Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị trước mắt trong quá trình tiến hành cần chọn lựa có trọng tâm, trọng điểm, những đột phá, giải quyết những vấn đề căn cơ, những vấn đề thực tiễn đặt ra. Đồng thời dành thời gian nghiên cứu sâu hơn vấn đề lý luận về công tác dân tộc và chính sách dân tộc.
“Cần tập trung vào các chức năng chính của Quốc hội, từ đó tổ chức các diễn đàn, hội thảo nghiên cứu phù hợp các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, huy động các chuyên gia, nhà khoa học để giải quyết vấn đề. Ví như về công tác lập pháp, tổ chức các diễn đàn về lập pháp (tập trung vào nội dung cụ thể), về hoạt động giám sát, tổ chức các diễn đàn về giám sát; về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, cần lựa chọn những nội dung trọng tâm của chính sách kinh tế - xã hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Liên quan đến việc Hội đồng Dân tộc được giao chủ trì lập Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị HĐDT cần phải cố gắng nỗ lực hơn nữa, mẫu mực cả về tinh thần trách nhiệm, mẫu mực về nội dung và mẫu mực cả về quy trình.
Về cơ chế phối hợp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Hội đồng Dân tộc cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ủy ban Dân tộc của Chính phủ trong thời gian tới.
Cơ cấu tổ chức và một số công tác chủ yếu của Hội đồng Dân tộc hiện nay
Trước đó, tại cuộc làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm báo cáo một số nội dung về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Dân tộc khóa XV. Theo đó, về cơ cấu tổ chức, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, HĐDT khóa XV gồm 45 thành viên là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của 36 tỉnh, thành phố trong cả nước, đại diện của 24/30 dân tộc. Trong đó, ĐBQH người dân tộc thiểu số (DTTS) có 39 người. Đại biểu nữ có 24 người, chiếm 53,33% (cao nhất trong các Ủy ban của Quốc hội). Thường trực HĐDT Khóa XV có 11 đồng chí, gồm Chủ tịch, 05 Phó Chủ tịch, 03 Ủy viên Thường trực, 02 Ủy viên Chuyên trách, tăng 02 đồng chí so với khóa XIV.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm
Về công tác lập pháp hiện nay, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, ngày 8/6/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; điều chỉnh, bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Trong đó, Luật Hoạt động giám sát được đưa vào chương trình để Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Hiện nay, HĐDT đang khẩn trương chỉ đạo thực hiện các bước tiếp theo như tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án Luật; xây dựng kế hoạch chi tiết soạn thảo Luật; xây dựng đề cương dự thảo Luật, báo cáo phạm vi sửa đổi Luật…
Bên cạnh đó, HĐDT hiện đang thực hiện nhiệm vụ “tiếp tục hoàn thiện pháp luật về chính sách dân tộc”; tham gia thẩm tra, cho ý kiến vào 9 dự án Luật và tham gia ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Đất đai về các nội dung liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số.
Về hoạt động giám sát, khảo sát, Thường trực HĐDT cho ý kiến dự thảo Nghị quyết, kế hoạch giám sát chuyên đề năm 2024 của HĐDT về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016 -2023”. Đồng thời xây dựng, ban hành Kế hoạch, đề cương khảo sát chuyên đề “Tình hình thực hiện chính sách về giao đất, giao rừng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2019 - 2023”.
Các đại biểu tham dự cuộc họp
Về quyết định các vấn đề quan trọng, HĐDT tổ chức phiên họp để thẩm tra, xây dựng báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV).
Qua thảo luận, các thành viên Thường trực Hội đồng Dân tộc cơ bản thống nhất với báo cáo mà Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đã trình bày về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Dân tộc khóa XV. Cùng với đó, các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, các thành viên Thường trực và chuyên trách Hội đồng Dân tộc đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung liên quan nhằm góp phần giúp cho HĐDT hoạt động ngày càng hiệu quả hơn trong thời gian tới như về tổ chức nhân sự, về công tác đối ngoại, về hoạt động của Vụ chuyên môn tham mưu, giúp việc, về kinh phí thăm tặng quà của Thường trực HĐDT…
Cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã quan tâm và dành thời gian trao đổi với HĐDT, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, đây là dịp để Thường trực HĐDT chia sẻ, bày tỏ các vấn đề quan tâm, trong đó lưu ý những đặc thù, đặc điểm riêng của HĐDT, đồng thời đây cũng là dịp để báo cáo những nét chung cơ bản về cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐDT. Từ những gợi ý chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, HĐDT sẽ xác định những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp triển khai hiệu quả trong thời gian tới.
Một số hình ảnh tại cuộc họp:
Quang cảnh cuộc làm việc
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị trước mắt trong quá trình tiến hành cần chọn lựa có trọng tâm, trọng điểm, những đột phá, giải quyết những vấn đề căn cơ, những vấn đề thực tiễn đặt ra. Đồng thời dành thời gian nghiên cứu sâu hơn vấn đề lý luận về công tác dân tộc và chính sách dân tộc
Các đại biểu tham dự cuộc làm việc
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân báo cáo bổ sung thêm một số công việc cần triển khai trong thời gian tới và các đề xuất, kiến nghị
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan báo cáo nội dung liên quan đến công tác đối ngoại
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương báo cáo tại cuộc làm việc
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành báo cáo thêm một số nội dung liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc
Các đại biểu tham dự cuộc làm việc
Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch cho biết, HĐDT không chỉ hoạt động trong phạm vi thẩm quyền như các Ủy ban khác mà còn tham gia một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, về chính sách dân tộc, công tác dân tộc…
Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Tráng A Dương
Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Lê Nhật Thành
Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Bế Trung Anh tham gia góp ý về cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐDT
Vụ trưởng Vụ Dân tộc Sa Văn Khiêm phát biểu tại cuộc làm việc
Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc Triệu Văn Bình
Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc Đặng Vũ Hải đóng góp ý kiến tại cuộc làm việc./.