GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: TĂNG QUYỀN CHỦ ĐỘNG CHO TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ

12/06/2024

Theo Chương trình làm việc, Đợt 2, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại Hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) vào ngày 18/6. Quan tâm góp ý vào dự thảo luật, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tăng quyền chủ động cho tổ chức Công đoàn trong công tác cán bộ.

TIẾP TỤC ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO VỊ THẾ, KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Trên cơ sở kế thừa Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) trình Quốc hội gồm 06 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều), bỏ 01 điều so với Luật Công đoàn 2012. Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) cơ bản bảo đảm sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Việc sửa đổi Luật Công đoàn nhằm đáp ứng yêu cầu từ việc thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tán tành sự cần thiết sửa đổi Luật Công đoàn, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng, sau 11 năm triển khai thực hiện, Luật Công đoàn năm 2012 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trước yêu cầu của tình hình mới, có nội dung chưa tương thích với Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023), tiếp tục khẳng định: “…Đổi mới mạnh mẽ mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế. Bảo đảm tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ra đời và hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tuân thủ pháp luật; phòng ngừa, kiên quyết xử lý việc lợi dụng tổ chức của người lao động để xâm phạm quyền, lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, gây mất an ninh, trật tự...”.

Bên cạnh đó, vừa qua, Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động và tổ chức công đoàn, trong đó có nhiều nội dung mới về quan hệ lao động, về quyền công đoàn tại doanh nghiệp có nhiều điểm khác biệt so với các quy định của Luật Công đoàn hiện hành.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ địa vị pháp lý của cán bộ công đoàn chuyên trách được bầu theo Điều lệ Công đoàn (cán bộ) hay được tuyển dụng, bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý (công chức).

Liên quan đến quy định về bảo đảm cho cán bộ công đoàn, đại biểu tỉnh Đắk Lắk cho rằng, dự thảo Luật chỉ mới quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, thôi việc đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách theo hợp đồng lao động. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung quy định đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức thì việc giải quyết thôi việc, buộc thôi việc, thuyên chuyển công tác thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật về công chức, viên chức như: Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành và quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Đại biểu Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Quan tâm tới dự luật, đại biểu Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị, xem xét có giải pháp quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi), tăng quyền chủ động của công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới hoặc có thể quy định trong Luật giao quyền cho Tổng Liên đoàn chủ động đề xuất số lượng cán bộ công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống để tạo ra sự đồng bộ về biên chế trong hệ thống công đoàn. Từ đó, khắc phục tình trạng các địa phương có điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế, xã hội giống nhau nhưng được giao số lượng biên chế khác nhau.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Cùng quan điểm, đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang thống nhất cao về vấn đề đảm bảo cho công tác tổ chức. Theo đại biểu, quy định giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng Liên đoàn Việt Nam trong hệ thống, đặc biệt theo vị trí việc làm là phù hợp và cần thiết. “Thời gian qua, cán bộ công đoàn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tổ chức. Bởi vì, công tác cán bộ trước đây công đoàn quản lý riêng hệ thống cán bộ công đoàn nhưng thời gian sau đó lại không được giao quản lý. Thực trạng vừa qua, có tỉnh có 30 đồng chí mà chỉ có 13 - 15 biên chế, có những tỉnh không giao biên chế, cán bộ công đoàn làm việc thời gian dài vẫn chỉ là lao động hợp đồng …”, đại biểu nêu thực tế.

Cũng theo đại biểu, giao cho tổ chức Công đoàn chủ động trong công tác cán bộ sẽ phù hợp trong quá trình quan tâm các chế độ, chính sách cho cán bộ công đoàn của hệ thống. Từ đó, tạo cơ sở thuận lợi, đảm bảo hoạt động sẽ hiệu quả hơn nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới,…

Ngoài ra, đại biểu tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị: Xem xét, nghiên cứu bổ sung quy định về quyền và trách nhiệm trong phản biện xã hội theo đúng tinh thần quy định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội./.

Lê Anh

Các bài viết khác