UBTVQH NHẤT TRÍ VỚI ĐỊNH HƯỚNG GIẢI TRÌNH, TIẾP THU CÁC VẤN ĐỀ LỚN CỦA 02 DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN NGHỆ AN VÀ TP. ĐÀ NẴNG
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Chiều 12/6, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 34, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ với 91 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến ĐBQH để chỉnh lý dự thảo Luật.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội 05 vấn đề lớn của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ gồm: Về bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Về đối tượng cảnh vệ là khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; Về bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng quy định của Luật Cảnh vệ; Về lực lượng Cảnh vệ và bổ sung quy định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.
Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với Báo cáo Ủy ban Quốc phòng và An ninh; các ý kiến của đại biểu Quốc hội được tiếp thu, giải trình thấu đáo, thuyết phục cho thấy ý thức trách nhiệm cao.
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao một số vấn đề lớn của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Báo cáo được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo.
Liên quan đến quy định “Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội có quyền quyết định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi đi công tác nước ngoài là phù hợp, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với công tác cảnh vệ” trong dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định “Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội” để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho ý kiến tại phiên họp.
Tại khoản 2 Điều 10 của Luật Cảnh vệ (được sửa đổi, bổ sung tại điểm c, điểm d khoản 3 Điều 1 của dự thảo Luật) đã quy định đối tượng cảnh vệ - khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam gồm: thành phần “cứng” là người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ; cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ trên nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại, yêu cầu đối ngoại; thành phần là khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; khách mời khác theo đề nghị của Trưởng Ban đối ngoại Trung ương, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trên nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại, yêu cầu đối ngoại.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà đề nghị, đối với “khách mời khác” cần bổ sung thêm đối tượng áp dụng biện pháp cảnh vệ là khách mời theo đề nghị của Ủy ban Đối ngoại. Bởi, theo Luật Tổ chức Quốc hội và Quyết định 272-NQ/TW của Bộ Chính trị về quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, Ủy ban Đối ngoại là cơ quan tổ chức các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, trong trường hợp khách mời của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội có yêu cầu về cảnh vệ thì cơ quan đề xuất sẽ là Ủy ban Đối ngoại.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho ý kiến tại phiên họp.
Đồng tình với Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội là chủ thể quan trọng giúp Quốc hội thực hiện các hoạt động đối ngoại với Quốc hội các nước, các tổ chức liên nghị viện thế giới. Do đó cần thiết bổ sung Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội là đơn vị đề nghị đối tượng cảnh vệ.
Về bổ sung quy định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho rằng cần phải có cơ chế cho lực lượng Cảnh vệ chủ động thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật của nước ngoài để đáp ứng yêu cầu của công tác cảnh vệ.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương kết luận nội dung phiên họp.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Luật được chỉnh lý; đồng thời, đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan khẩn trương tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo Luật và Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gửi ĐBQH theo quy định, bảo đảm chất lượng, có tính khả thi và đúng tiến độ trước khi Quốc hội xem xét, thông qua tại cuối đợt họp thứ 2, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV./.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự phiên họp.
Lãnh đạo Bộ Công an, đại diện Ban Soạn thảo dự án Luật dự phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.
Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương kết luận nội dung phiên họp.