LẤY Ý KIẾN DOANH NGHIỆP, TẬP ĐOÀN KINH TẾ VỀ ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH SÁCH LỚN TRONG SỬA ĐỔI LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

13/06/2024

Sáng 13/6, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về định hướng chính sách lớn trong sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phương Tuấn chủ trì Hội thảo.

XEM XÉT ĐỔI MỚI QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐỂ HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ HƠN VÀ PHÙ HỢP VỚI TỪNG ĐỐI TƯỢNG

NHỮNG CHÍNH SÁCH VỀ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CẦN CÓ CƠ SỞ THỰC TIỄN, BẢO ĐẢM SỰ ĐỒNG BỘ TRONG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU VÀ ĐẦU TƯ

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và đại diện một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn nhấn mạnh: Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2013 có hiệu lực từ ngày 01/1/2014 cơ bản đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý, là cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN, là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN...

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành. Hơn nữa, để đáp ứng những yêu cầu mới trước sự phát triển mạnh mẽ của KHCN, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81/KH- UBTVQH15, trong đó có nhiệm vụ sửa đổi Luật KH&CN trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Theo đó, dự án Luật này dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh điều hành Hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn khẳng định: Luật KH&CN là đạo luật gốc, có tầm quan trọng đặc biệt trong thúc đẩy nghiên cứu KHCN& Đổi mới sáng tạo (ĐMST), phát triển kinh tế-xã hội. Vì lý do đó, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng dự án Luật này do đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ là Trưởng Ban, Bộ trưởng Bộ KH&CN là Phó Trưởng Ban, thành viên gồm đại diện Lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương, cơ quan. Thực hiện nhiệm vụ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa về nội dung thẩm tra các chính sách trong dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). 

07 nhóm vấn đề được tập trung đóng góp ý kiến

Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp, tập đoạnh kinh tế đều thống nhất sửa đổi Luật KH&CN năm 2013 thành Luật KHCN &ĐMST (sửa đổi); đồng thời tập trung thảo luận vào 07 nhóm vấn đề chính: Thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật KH&CN, trong đó bổ sung phạm vi ĐMST. Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực KHCN&ĐMST. Thứ ba, đầu tư tài chính cho KHCN&ĐMST, trong đó nghiên cứu thiết kế mô hình Quỹ phát triển KHCN, nghiên cứu quy định về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu KHCN, hỗ trợ tài chính và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động KHCN&ĐMST, ưu đãi về thuế.

Thứ tư, hoàn thiện quy định về nhiệm vụ KHCN. Trong đó, nghiên cứu về cách thức thực hiện nhiệm vụ KHCN, nghiên cứu đổi mới cơ chế ứng dụng KHCN nhằm hạn chế, chấm dứt tình trạng “đề tài bỏ ngăn kéo”. Thứ năm, hoàn thiện quy định được thành lập và hoạt động của tổ chức KHCN, hoàn thiện quy định về cá nhân hoạt động KHCN; Thứ sáu, nghiên cứu cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Thứ bảy, đề xuất thêm nội dung sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Ông Nguyễn Quang Tuấn - chuyên gia chính sách Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) 

Đóng góp ý kiến vào sửa đổi Luật KH&CN, ông Nguyễn Quang Tuấn - chuyên gia chính sách Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng, để thúc đẩy doanh nghiệp hàng đầu phát triển thì nội dung chi cho KHCN phải mở rộng. Vì vậy, việc sửa đổi Luật KH&CN vẫn nên duy trì Quỹ phát triển KHCN cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp, tập đoàn có định hướng hoạt động trong dài hạn. Việc trích lập Quỹ nên dành cho doanh nghiệp lớn. Còn doanh nghiệp nhỏ thì nên được tạo điều kiện giảm thuế trong việc sử dụng Quỹ phát triển KHCN.

Ông Nguyễn Quang Tuấn cũng đề nghị trong Luật nên có quy định Quỹ KHCN nên tập trung vào hoạt động có tính rủi ro cao, phát triển sản phẩm nền tảng, công nghệ mũi nhọn

Đề cập về phát triển nguồn nhân lực, ông Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, việc sửa đổi Luật KH&CN nên chú ý đến có chức danh, phân cấp cho các doanh nghiệp, tập đoàn để có thể khuyến khích, thu hút nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp tốt vào làm việc tại các doanh nghiệp Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Liên quan đến Quỹ phát triển KHCN, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng, để tạo động lực cho doanh nghiệp Nhà nước hoạt động, nên tạo điều kiện cho họ sử dụng Quỹ phát triển KHCN. Theo đó, trong Luật KH&CN (sửa đổi) nên có quy định riêng cho doanh nghiệp Nhà nước sử dụng Quỹ khác với doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, trong Luật cần đưa ra những nhiệm vụ cụ thể trong việc sử dụng Quỹ đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả.

Nêu quan điểm về phát triển KHCN, ông Trần Thế Trung – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu AI-FPT Smart đề xuất nên có ưu đãi cho phát triển KHCN như ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp công nghệ. Trong hoạt động phát triển KHCN, nên có khoản tài trợ cho KHCN&ĐMST. Ngoài ra, đề tài nghiên cứu KHCN do Nhà nước đặt hàng, ưu tiên đầu tư thì nên cho công khai minh bạch về dữ liệu để người dân truy cập, theo dõi và sử dụng tự do. Coi sản phẩm công nghệ là sản phẩm công ích, sở hữu toàn dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cảm ơn đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn đã tham gia đóng góp vào việc sửa đổi Luật KH&CN. Những ý kiến đã được ghi chép đầu đủ, sẽ được tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ có báo cáo với lãnh đạo Ủy ban, lãnh đạo Quốc hội để có cơ sở khoa học, luận cứ chính xác cho việc sửa đổi Luật KH&CN năm 2013.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu tại Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Ông Bùi Văn Minh, Phó Trưởng ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát biểu tại cuộc họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu kết luận Hội thảo./.

Bích Lan - Minh Thành