THẢO LUẬN TỔ 10: ĐƯA HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC, TUYÊN TRUYỀN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN CỨU HỘ VÀO TRƯỜNG HỌC

19/06/2024

Chiều 19/6, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và dự án Luật Phòng không nhân dân. Thảo luận Tổ 10 có 23 đại biểu thuộc các Đoàn ĐBQH: Thái Bình, Tiền Giang và Bạc Liêu.

THẢO LUẬN TỔ 10 VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DƯỢC VÀ DỰ ÁN LUẬT DI SẢN VĂN HÓA (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Thảo luận Tổ 10

Cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), các ý kiến cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật PCCC và CNCH như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra, nhằm thể chế đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về PCCC và CNCH; luật hoá những quy định hiện hành và bổ sung quy định đầy đủ, toàn diện về hoạt động CNCH mà lực lượng PCCC và CNCH đang được giao đảm nhiệm nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để nâng cao hiệu quả công tác này trong thực tiễn; khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập đang tồn tại, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH trong tình hình mới.

Về một số nội dung của dự thảo luật, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, đối với chính sách của Nhà nước về PCCC và CNCH, nên quy định về các chính sách liên quan đến công tác PCCC và CNCH như trong báo cáo thẩm tra đã nêu; nhất là quan tâm ưu tiên chính sách đưa công tác giáo dục, tuyên truyền về PCCC và CNCH vào trường học.

“Đây là chính sách đúng đắn, phù hợp; việc đưa công tác giáo dục, tuyên truyền công tác PCCC và CNCH vào trường học là hợp lý, cần thiết. Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét và nếu được thì quy định các trường có thể thiết kế đưa vào trong chương trình học của các trường để các em có thêm kiến thức, am hiểu và kỹ năng trong công tác PCCC và CNCH”, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh đề nghị.

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Về khoản 2, Điều 28 quy định người chỉ huy chữa cháy, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định cho phép người chỉ huy chữa cháy quy định tại khoản 2, Điều 28 được quyền “cấm người và phương tiện không có nhiệm vụ vào khu vực chữa cháy”, nhằm đảm bảo trật tự cho khu vực chữa cháy và cũng tạo sự thuận lợi cho đội ngũ lực lượng PCCC và CNCH thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm sự an toàn cho người dân khu vực xung quanh. Đồng thời, cần có quy định rõ ràng nhiệm vụ, trách nhiệm cho Chỉ huy để tạo thuận lợi cho họ thực hiện nhiệm vụ và mạnh dạn trong quyết định các vấn đề nếu có vấn đề quan trọng phát sinh tại thời điểm xảy ra các vụ cháy, nổ.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, công tác PCCC và CNCH là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp thiết, vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường các nguồn lực cả về nhân lực, vật lực trong công tác PCCC và CNCH, quan tâm hơn nữa về chính sách như: tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ trang thiết bị....cho đội ngũ lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ PCCC và CNCH.

Góp ý hoàn thiện Điều 9 dự thảo luật, đại biểu Lại Văn Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, khoản 2 Điều 9 về xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ quy định: việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn phải bảo đảm 04 yêu cầu, nhưng dự thảo chưa xác định cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng, công bố, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật này. Do vậy, để đảm bảo tính khả thi của dự thảo đề nghị xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Cũng tại Điều 9, khoản 3 quy định: “Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài về hệ thống phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được áp dụng tại Việt Nam trong trường hợp chưa có quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc có quy định an toàn phòng cháy chữa cháy cao hơn Việt Nam”, đại biểu cho rằng dự thảo luật chưa nêu cơ quan xác định các tiêu chuẩn tương ứng và tiêu chuẩn an toàn phòng cháy, chữa cháy cao hơn Việt Nam.

Về các biện pháp cơ bản phòng cháy, chữa cháy tại Điều 12, theo đại biểu Lại Văn Hoàn, bên cạnh quy định 6 biện pháp cơ bản như dự thảo luật, đề nghị bổ sung thêm 2 biện pháp là: tập huấn kỹ năng phòng cháy để có sự chủ động khi cháy nổ xảy ra; và trách nhiệm tự kiểm tra, phát hiện thiếu sót trong phòng cháy, chữa cháy.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang 

Về kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, Điều 56 quy định: Cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy phải có cá nhân chủ trì, tham gia hoạt động kinh doanh được cấp chứng chỉ hành nghề phù hợp với hoạt động kinh doanh. Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, chứng chỉ nghề rất quan trọng, liên quan đến quyền công dân khi tham gia hoạt động nào đó. Do vậy, các quy định về chứng chỉ hành nghề sẽ phải được quy định cụ thể trong luật, về đối tượng, điều kiện được cấp, thời hạn được cấp, thời hạn đổi… Việc giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung, trình tự, hồ sơ, thời hạn, thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề về phòng cháy và chữa cháy; xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy là chưa phù hợp, chưa đúng tinh thần của luật…

Cũng tại phiên thảo luận Tổ 10, các đại biểu cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng không nhân dân. Các ý kiến cho rằng, hồ sơ dự án được chuẩn bị kỹ lưỡng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng đề nghị tiếp tục rà soát đảm bảo chặt chẽ trong chức năng, nhiệm vụ của lực lượng phòng không nhân dân với lực lượng dân quân tự vệ.

Về lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân (Điều 11), đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đề nghị làm rõ về tiêu chí, quy mô, địa bàn hoạt động hoặc điều kiện khác để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức thành tổ đội phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả, bảo đảm phòng không nhân dân, tránh tình trạng thành lập tràn lan, không hiệu quả, để đảm bảo tính khả thi của luật.

Về độ tuổi tham gia lực lượng phòng không nhân dân huy động, khoản 1 Điều 14 quy định: Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi; nếu tình nguyện tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân, có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ. Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, nếu dự thảo luật được thông qua, có hiệu lực vào năm 2026, tính tới thời điểm này, tuổi nghỉ hưu đối với nam giới là 61 tuổi 6 tháng và đối với nữ là 57 tuổi. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung phân tích lý do lựa chọn độ tuổi từ 18 tuổi đối với 45 tuổi đối với công dân nam và từ 18 tuổi đến 40 tuổi đối với công dân nữ. 

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Cũng cho ý kiến về độ tuổi tham gia lực lượng phòng không nhân dân, đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho biết, khoản 1 Điều 14 thực chất là nội dung quy định tại Điều 17 về “độ tuổi quân nhân dự bị được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình” trong Luật Lực lượng dự bị động viên. Quy định như vậy chưa thực sự đồng bộ với và chưa tương thích với các điều khoản của luật, đặc biệt là Điều 17 của Luật Lực lượng dự bị động viên. Mặc khác, theo quy định tại Điều 23 của Luật Quốc phòng, lực lượng vũ trang nhân dân không chỉ bao gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, mà còn có dân quân tự vệ. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại quy định tại khoản 1 Điều 14 để đảm bảo dự thảo luật đồng bộ với Luật Lực lượng dự bị động viên, không gây hiểu lầm trong quá trình áp dụng luật…

Cũng tại phiên thảo luận tổ, đại biểu góp ý hoàn thiện các quy định về khái niệm "Tàu bay không người lái" và “phương tiện bay siêu nhẹ”; về huy động lực lượng phòng không nhân dân (Mục 2 Chương II); về thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ (Điều 28); về công tác bảo đảm an toàn phòng không (Mục 2 Chương IV)...

Một số hình ảnh tại Tổ 10:

Toàn cảnh thảo luận Tổ 10, gồm các Đoàn ĐBQH: Thái Bình, Tiền Giang, Bạc Liêu

Các đại biểu Quốc hội tại Tổ 10

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu phát biểu

Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu

Các đại biểu Quốc hội tại Tổ 10

Lan Hương - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác