KHAI THÁC THẾ MẠNH VÀ TIỀM NĂNG CỦA NGÀNH DƯỢC BẰNG CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH, HỖ TRỢ MANG TÍNH ĐỘT PHÁ, KHẢ THI

21/06/2024

Tại Kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, trong đó bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược. Cơ bản đồng tình với chính sách Chính phủ trình, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, cần khai thác thế mạnh và tiềm năng của ngành dược trong nước bằng các cơ chế, chính sách, hỗ trợ mang tính đột phá, khả thi; đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực mà Việt Nam chưa tự chủ được.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP DƯỢC CẦN CƠ CHẾ HỖ TRỢ, ƯU ĐÃI PHÙ HỢP

Tờ trình của Chính phủ về dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược. Quy định cụ thể hơn nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất thuốc, nguyên liệu theo hướng đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất nguyên liệu làm thuốc, thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học theo hướng:

Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi nhiều chính sách phát triển công nghiệp dược (Ảnh minh họa)

Xác định rõ ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất nguyên liệu dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, vắc xin, sinh phẩm, thuốc hiếm, thuốc phòng, chống bệnh xã hội, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam mang thương hiệu quốc gia.

Xác định ưu đãi đầu tư đối với sản xuất thuốc gốc, nguyên liệu làm thuốc là tá dược, vỏ nang; xây dựng cơ sở thử nghiệm sinh học, đánh giá sinh khả dụng, tương đương sinh học của thuốc; cơ sở thử nghiệm lâm sàng thuốc.

Bổ sung quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng tỷ lệ trích và thời gian sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu làm thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được…

Cho ý kiến về chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược (bổ sung Điều 7 và Điều 8), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành dược, song các doanh nghiệp dược trong nước chưa tận dụng được lợi thế của mình do thiếu nguồn lực và trình độ về kỹ thuật công nghệ còn hạn chế. Trong khi đó, các nhà đầu tư lớn nước ngoài lại sẵn sàng đầu tư với các dự án lớn, “thâu tóm” các doanh nghiệp dược trong nước và cạnh tranh với các sản phẩm dược trong nước bằng nhiều cách khác nhau.

Đại biểu Lê Văn Khảm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu cơ bản nhất trí với những chính sách được đề xuất trong lần sửa đổi này, tuy nhiên, do thuốc là mặt hàng quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người, tác động đến an ninh y tế, cần được đánh giá kỹ lưỡng, xem xét thận trọng và tổng thể trên cơ sở “lấy người dân làm trung tâm”; các sản phẩm dược cần được quản lý chặt chẽ; cần có chính sách hài hòa giữa việc thu hút đầu tư nước ngoài và bảo đảm sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa, tạo vị thế, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm cho các doanh nghiệp dược trong nước.

Theo đó, cần khai thác thế mạnh hiện có và tiềm năng của ngành dược bằng các cơ chế, chính sách, hỗ trợ mang tính đột phá, khả thi về vốn, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực mà Việt Nam chưa tự chủ được như sản xuất thuốc mới, các sản phẩm điều trị tiên tiến, thuốc sinh học có giá trị cao.

Đại biểu Lê Văn Khảm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, trong lần sửa đổi này tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính, trong đó có nhóm chính sách phát triển ngành công nghiệp dược. Đại biểu cho rằng, với một đất nước đã có trên 100 triệu dân, vấn đề an ninh y tế luôn là một thách thức, nhất là trong bối cảnh dân số đông, già hóa nhanh chóng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe lớn. Tuy nhiên, Việt Nam chưa làm chủ được công nghiệp dược, phải nhập khẩu kể cả thuốc và nguyên liệu làm thuốc. Do vậy, cần thiết phải có những chính sách mạnh mẽ, nổi trội, vượt bậc, mới có thể đảm đương được mục tiêu làm chủ công nghiệp dược.

Chính vì vậy, trong lần sửa đổi này mặc dù đã có những cơ chế, chính sách rất mạnh mẽ nhưng đây cũng là chính sách mới liên quan đến nhiều luật, do vậy cần đánh giá kỹ lưỡng để lựa chọn chính sách nào phát triển công nghiệp dược. “Để đảm bảo mục tiêu làm chủ công nghiệp dược, phát triển công nghiệp dược, đảm bảo an ninh về dược, cũng như đóng góp cho nền kinh tế, chúng ta phải sửa đổi cả Luật Dược này chứ không sửa đổi một số điều, nhưng cần phải có nhiều thời gian và cần những bằng chứng thêm”, đại biểu Lê Văn Khảm nêu quan điểm.

Đại biểu Trần Thị Hiền – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đánh giá, Chính phủ đã bổ sung nhiều chính sách ưu đãi bổ sung để phát triển công nghiệp dược. Tuy nhiên, cần bổ sung đánh giá làm rõ sự cần thiết cơ sở đề xuất các chính sách ưu đãi thuế áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt ở mức cao nhất về các chính sách thuế như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế sử dụng đất nông nghiệp và chính sách đất đai theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư nghiên cứu phát triển sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc và dược liệu nêu trên được quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 7 của dự án luật.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Đại biểu Nguyễn Văn Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho biết, khoản 1 Điều 8 quy định: Nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Đại biểu đề nghị bổ sung thành “Nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền”, vì nguồn dược liệu không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Về trách nhiệm trong phát triển công nghiệp dược, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông về quy hoạch phát triển vùng nuôi trồng dược liệu. Bộ Y tế chịu trách nhiệm khâu cuối về chiết xuất, sử dụng,… Bởi, tại thông báo 749/TB-BYT ngày 17/6/2024 tại Hà Nội sơ kết 3 năm triển khai thực hiện nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển trồng dược liệu quý có khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện: cơ cấu nguồn vốn, vùng sâu, miền núi…

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng thị trường dược trong nước rất phát triển nhưng điều này cũng đáng lo ngại do công tác quản lý đối với các nhà thuốc, thị trường thuốc và thậm chí các công ty sản xuất thuốc chưa chặt chẽ. Bộ Y tế chưa có báo cáo tổng kết đánh giá về việc số doanh nghiệp dược trong nước hoạt động hiệu quả. Đại biểu đặt câu hỏi nếu những công ty dược trong nước phụ thuộc vào các công ty, tập đoàn có yếu tố nước ngoài thì liệu có bảo đảm an ninh về dược không, nhất là trong tình huống bùng phát dịch?

Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nhằm có những chính sách phù hợp cho phát triển ngành công nghiệp dược và thị trường dược trong nước; Đồng thời báo cáo đánh giá tác động và tính hiệu quả của các chính sách phát triển ngành dược trong thời gian qua để từ đó có những đề xuất chính sách phù hợp hơn.

Lan Hương