Toàn cảnh Phiên họp
Cùng dự Phiên họp, về phía Ủy ban Dân tộc có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông.
Về phía Quốc hội có các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc, đại biểu Quốc hội là thành viên Hội đồng Dân tộc của một số địa phương; lãnh đạo, chuyên viên Vụ Dân tộc.
Sửa đổi Nghị định số 05/2011/NĐ-CP trong bối cảnh hiện nay là rất phù hợp, cấp bách
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Thường trực Hội đồng Dân tộc (HĐDT) nhận được văn bản của Ủy ban Dân tộc về việc tham gia ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/11/2011 của Chính phủ về công tác Dân tộc. Đồng thời đánh giá cao Ủy ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan hoàn chỉnh dự thảo hồ sơ trình Chính phủ sửa đổi Nghị định này trong bối cảnh hiện nay là rất phù hợp, cấp bách.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc Phiên họp
Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc do Chính phủ ban hành từ năm 2011, đến nay đã triển khai được hơn 10 năm, bên cạnh những kết quả đạt được, bối cảnh hiện nay đã có nhiều thay đổi, nhất là quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 đã được bổ sung thêm nhiều nội dung liên quan về công tác dân tộc; Hiến pháp năm 2013 đã thể chế, bổ sung thêm một số nội dung quan trọng có liên quan về công tác dân tộc, chính sách dân tộc rất quan trọng, đòi hỏi cần phải được thế chế hóa, để đưa vào thực tiễn cuộc sống.
Xác định đây là nhiệm vụ, nội dung rất quan trọng, liên quan đến nhiệm vụ, trách nhiệm của cả Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ thêm một số nội dung:
Thứ nhất, đánh giá những điểm chính liên quan đến vai trò, tác động, hiệu quả của Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc trong thời gian triển khai thực hiện Nghị định vừa qua.
Thứ hai, về vị trí, địa ví pháp lý của Nghị định đối với công tác dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, đây là điều khá băn khoăn. Vì quan điểm của Đảng rất rõ, suyên suốt, khẳng định: Công tác dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Vậy Chính phủ ban hành Nghị định về “công tác dân tộc” có đủ cơ sở pháp lý để điều chỉnh các cơ quan của Quốc hội, các tổ chức đoàn thể chính trị hay không? Đề nghị các đại biểu cho ý kiến thêm.
Các đại biểu tham dự Phiên họp
Thứ ba, về nội dung đề nghị sửa đổi đã bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thể chế đầy đủ quan điểm của Đảng, Hiến pháp về công tác dân tộc chưa?
Thứ tư, đề xuất giải pháp, kiến nghị, nên sửa đổi, bổ sung, hay ban hành Nghị định mới? Nhất là đề xuất cơ quan ban hành (Quốc hội, hay Chính phủ) để bảo đảm tính pháp lý, đúng với vai trò, vị trí tính chất của công tác dân tộc.
Cũng tại Phiên họp, các đại biểu nghe đại diện Ủy ban Dân tộc báo cáo tóm tắt về hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc. Theo đó, trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Ủy ban Dân tộc đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị định, dự kiến trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung 23 Điều, khoản; bổ sung mới 2 Điều và thay thế, bãi bỏ một số từ, cụm từ.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung phạm vi điều chỉnh (Điều 1), Điều 2, Điều 3, Điều 4, bổ sung mới Điều 4a; sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6; bổ sung hành vi bị nghiêm cấm; sửa đổi, bổ sung và kết cấu lại Điều 8, Điều 9; sửa đổi, bổ sung Điều 10, Điều 11; bổ sung chính sách đặc thù chi thăm hỏi, chúc mừng, hỗ trợ đối với một số đơn vịm cá nhân là người dân tộc thiểu số tại Điều 12a; sửa đổi bổ sung chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa (Điều 13), chính sách phát triển thể dục, thể thao (Điều 14), chính sách phát triển du lịch (Điều 15); sửa đổi, bổ sung chính sách y tế, dân số (Điều 16), thay thế cụm từ “vùng dân tộc thiểu số” bằng cụm từ “vùng đồng bào dân tộc thiểu số”…
Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân tộc là hết sức quan trọng và cần thiết
Qua thảo luận, các ý kiến nhấn mạnh, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc (Nghị định 05) là văn bản pháp quy cao nhất, quan trọng nhất được Chính phủ ban hành từ trước tới nay về công tác dân tộc với 13 nhóm chính sách và công tác quản lý nhà nước về dân tộc. Trong hơn 10 năm thực hiện đã mang lại nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường…
Đại diện Ủy ban Dân tộc báo cáo về hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc
Tuy nhiên, các đại biểu nhận thấy, qua tổng kết thực tiễn, đến thời điểm hiện nay cơ bản một số các quy định tại Nghị định đã có những hạn chế, bất cập trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, đó là: một số quy định chung, liên quan đến nhiều lĩnh vực, chưa có cơ chế bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhóm chính sách; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện chưa được thường xuyên, liên tục; có những thuật ngữ, khái niệm xuất hiện trong quá trình triển khai thực hiện, nhưng chưa được giải thích, quy định trong Nghị định… Nghị định này cũng chưa quy định cụ thể về cơ chế bảo đảm thực hiện các chính sách dân tộc, dẫn đến việc bố trí nguồn lực thực hiện chính sách còn hạn chế…
Vì vậy, các ý kiến khẳng định, việc sửa đổi Nghị định 05/2011/NĐ-CP để tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân tộc là hết sức quan trọng và cần thiết, đặc biệt là để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá IX theo đúng tinh thần của Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu thảo luận, góp ý về việc bổ sung 2 nguyên tắc cơ bản của công tác dân tộc vào Điều 3; làm rõ nội hàm “vùng đồng bào dân tộc thiểu số là địa bàn tỉnh, huyện, xã, thôn có tỷ lệ người dân tộc thiểu số sinh sống ổn định chiếm từ 15% trở lên trong tổng số dân của địa bàn”; cho ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6: “1. Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam được tổ chức định kỳ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Các ý kiến cũng tham gia góp ý về việc sửa đổi, bổ sung, kết cấu lại Điều 8 (Chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực), Điều 9 (Chính sách đầu tư phát triển bền vững) thành Điều 8 (Chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu) và Điều 9 (Chính sách đầu tư phát triển kinh tế và ổn định dân cư). Đồng thời cho ý kiến về việc bổ sung chính sách đặc thù đối với một số đơn vị, cá nhân là người dân tộc thiểu số (Điều 12a) để làm rõ thêm về đối tượng, nội dung chính sách và định mức chi.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu kết luận Phiên họp
Cảm ơn các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến tại Phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ, tối đa ý kiến của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định, đồng thời giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu (như về Điều 12a). Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc mong muốn Hội đồng Dân tộc sẽ đồng hành cùng Ủy ban Dân tộc để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định.
Kết luận Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Thường trực Hội đồng Dân tộc sẽ tổng hợp các ý kiến phát biểu để có góp ý bằng văn bản gửi Ủy ban Dân tộc, qua đó Ủy ban Dân tộc có cơ sở để cân nhắc, xem xét, đồng thời đưa ra đề xuất, cụ thể hóa được ngay các nội dung, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về công tác dân tộc.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đánh giá cao Ủy ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan hoàn chỉnh dự thảo hồ sơ trình Chính phủ sửa đổi Nghị định này trong bối cảnh hiện nay là rất phù hợp, cấp bách
Các đại biểu tham dự Phiên họp
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành điều hành nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế
Đại biểu Siu Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai
Đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry
PGS.TS Lê Ngọc Thắng - Nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc, Uỷ ban Dân tộc
Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Phiên họp
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu kết luận Phiên họp./.