TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 29/06: BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHOÁ XV
Khối lượng nội dung đồ sộ, thảo luận kỹ lưỡng, chuyên sâu
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã đi đến ngày làm việc cuối cùng với nhiều nội dung quan trọng đã được biểu quyết thông qua, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều thay đổi thiết thực, căn cơ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Chia sẻ với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội về kết quả và ấn tượng về Kỳ họp thứ 7, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, Kỳ họp này mang nhiều dấu ấn đặc biệt, nổi bật là thời gian kỳ họp kéo dài, khối lượng nội dung đồ sộ với 11 Luật được thông qua, cùng 11 Luật khác được cho ý kiến lần đầu, dự kiến thông qua trong kỳ họp cuối năm.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Kỳ họp còn ghi dấu bởi nhiều nội dung quan trọng như: xem xét Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; ban hành Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023; quy hoạch không gian biển Quốc gia, quy hoạch Thủ đô Hà Nội, cải cách tiền lương... Đặc biệt, kỳ họp dành thời gian cho công tác nhân sự, bầu và phê chuẩn nhiều chức danh quan trọng của Nhà nước và Quốc hội.
Đại biểu cho rằng, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ, đồng hành của cử tri cả nước, Kỳ họp thứ 7 đã diễn ra thành công về nhiều mặt, để lại nhiều dấu ấn trong công tác tổ chức với chương trình kỳ họp linh hoạt, thích ứng, nội dung kỳ họp được bổ sung hợp lý, công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, quy trình triển khai chặt chẽ, thống nhất, tinh thần đồng thuận cao từ các đại biểu. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa hy vọng những kết quả của Kỳ họp sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, mang lại tác động tích cực và thiết thực vào đời sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trao đổi bên lề về Kỳ họp thứ 7, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh, Kỳ họp lần này với khối lượng công việc đồ sộ nhưng đã được thảo luận một cách kỹ lưỡng, chuyên sâu. Nhiều vấn đề quan trọng, dự án luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua, tiêu biểu là vấn đề cải cách tiền lương và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) - những chủ đề thu hút sự quan tâm lớn từ cử tri và người lao động cả nước.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang
Các phiên họp tổ, thảo luận tại hội trường và đặc biệt là phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, thể hiện tinh thần dân chủ và chất lượng cao. Chủ tọa đã khéo léo điều hành, hướng dẫn đại biểu chất vấn một cách tập trung và hiệu quả. Việc điều tiết thời gian phát biểu tranh luận hợp lý, linh hoạt, ưu tiên cho các đại biểu đại diện cho những tỉnh chưa có cơ hội phát biểu trước đây về các nội dung thảo luận quan trọng, cho thấy công tác điều hành Kỳ họp được thực hiện vô cùng hiệu quả và cần được duy trì trong những kỳ họp tiếp theo.
Đại biểu chia sẻ, kỳ vọng lớn nhất là các quyết sách quan trọng, các dự án luật được Quốc hội thông qua sẽ sớm được đưa vào thực thi, tạo nền tảng cho những cơ chế cần thiết, giải quyết những điểm nghẽn, vướng mắc trong thực tiễn và tạo ra những động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự mong đợi của Nhân dân
Cùng chia sẻ về kết quả của Kỳ họp, đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XV diễn ra trong bối cảnh Đảng ta đang chuẩn bị đánh giá cả quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều tâm huyết, trí tuệ để thảo luận, xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Về xây dựng pháp luật, Quốc hội đã thông qua và cho ý kiến nhiều dự luật quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật là Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đặc biệt, Quốc hội đã cho ý kiến về Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
Đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
Về công tác giám sát, Quốc hội đã chọn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường để thực hiện trong năm 2025, nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, đẩy lùi tình trạng ô nhiễm môi trường. Quốc hội cũng đã tiến hành chất vấn ở 4 lĩnh vực lớn: Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kiểm toán, Tài nguyên Môi trường. Qua chất vấn thẳng thắn và có tính xây dựng cao của các đại biểu Quốc hội, các vấn đề cử tri quan tâm đã được các cơ quan chức năng giải trình thỏa đáng.
Một quyết định quan trọng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này là tăng lương từ ngày 1/7/2024. Đây là tin vui đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong hệ thống chính trị, đáp ứng phần nào mong đợi của cử tri sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực sớm từ 1/8/2024 để nhanh chóng tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống. Đại biểu khẳng định, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XV đã thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và củng cố niềm tin của cử tri đối với hệ thống chính trị.
Bày tỏ ấn tượng với công tác lập pháp hiệu quả tại Kỳ họp này, đại biểu Châu Quỳnh Dao – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, tuy thời gian họp không dài, Quốc hội đã thông qua 11 Luật, 21 Nghị quyết và cho ý kiến về 11 dự án Luật khác. Thành quả này là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm cao, sự tận tâm, tận lực của Chính phủ, các cơ quan soạn thảo, sự quan tâm kịp thời, đồng hành và chia sẻ của Quốc hội, các cơ quan thẩm tra, các vị đại biểu Quốc hội. Nhờ vậy, hệ thống pháp luật được hoàn thiện nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự mong đợi của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang
Ở cương vị đại biểu Quốc hội, đồng thời là viên chức nhà nước, đại biểu trân trọng sự quan tâm và nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Thấu hiểu những khó khăn hiện tại khiến Chính phủ chưa thể thực hiện cải cách tiền lương theo kế hoạch, đại biểu khẳng định đề xuất điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng từ ngày 1/7/2024 là một bước tiến đáng khích lệ. Đồng thời, việc điều chỉnh mức lương hưu thấp nhất lên 3,2 triệu đồng/tháng, mức lương từ 3,2 triệu đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng lên 3,5 triệu đồng/tháng, tăng lương cơ sở 30% từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng và tăng 6% lương cho người lao động trong khu vực doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ đối với đời sống của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Mức tăng này có thể là đợt tăng cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui về chính sách cải cách tiền lương, đại biểu cũng phản ánh những băn khoăn, lo lắng của người dân về việc giá cả thị trường có thể tăng, một số đơn vị thiếu nguồn thu, không tự chủ được nguồn lực để tăng lương cho người lao động, hay nguồn lực của Chính phủ hiện tại có đủ để thực hiện các chính sách này hay không. Qua báo cáo giải trình của Chính phủ, đại biểu cho biết đã an tâm và tin tưởng để tuyên truyền cho cử tri hiểu rõ hơn về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Ngoài ra, đại biểu cũng nhấn mạnh, thành công của kỳ họp Quốc hội lần này cũng không thể thiếu sự đóng góp to lớn của các cơ quan báo chí, là những "chiến sĩ thầm lặng sau ống kính". Với tinh thần trách nhiệm cao, sự nhạy bén và chuyên nghiệp, các cơ quan báo chí đã kịp thời phản ánh, đưa tin, góp phần tuyên truyền các hoạt động tại nghị trường, đặc biệt là tuyên truyền kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giúp đưa Nghị trường gần gũi hơn với Nhân dân, cử tri. Sự sáng tạo trong cách thức thông tin, tuyên truyền của các cơ quan báo chí đã góp phần quan trọng vào thành công của Kỳ họp.