ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC TỔNG KẾT KỲ HỌP THỨ 7, CHUẨN BỊ KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XV

11/07/2024

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 35, chiều 11/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết Kỳ họp thứ 7 và chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung Phiên họp.

THÀNH CÔNG CỦA KỲ HỌP THỨ 7 VÀ BƯỚC ĐẦU CHUẨN BỊ CHO KỲ HỌP THỨ 8

Toàn cảnh phiên họp

Báo cáo tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên cả ba lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tiếp tục đổi mới, cải tiến, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu về 11 dự án luật và xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác; trong đó, đã xem xét, quyết định kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước. Các nội dung được xem xét, quyết định thuộc nhiều lĩnh vực với nhiều vấn đề quan trọng, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, toàn diện, giải quyết căn cơ những bất cập, điểm nghẽn, vướng mắc trong thực tiễn; tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ phát triển mới.

Về chuẩn bị bước đầu cho Kỳ họp thứ 8, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật, cho ý kiến 12 dự án luật. Trường hợp có dự án luật, dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật khác được bổ sung vào Chương trình, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh nội dung Kỳ họp phù hợp. Do số lượng nội dung lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng tại Kỳ họp thứ 8 rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp nên Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất tiếp tục tổ chức Kỳ họp thứ 8 theo 02 đợt họp để có thời gian cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo

Tại phiên thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 7 cũng như việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đánh giá cao Kỳ họp vừa qua đã được tổ chức thành công với nhiều điểm đột phá như: quyết định nhanh nhất nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra để tháo gỡ khó khăn; hồ sơ Chính phủ và các cơ quan gửi có tiến bộ nhất so với từ đầu nhiệm kỳ; thông qua nhiều luật, nghị quyết nhất; tỷ lệ đại biểu biểu quyết tán thành đạt mức cao nhất.

Các đại biểu cho rằng nội dung về nhân sự được tiến hành chặt chẽ, thận trọng dân chủ, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng. Các chức danh được bầu, được phê chuẩn với số phiếu đồng ý rất cao. Các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đại đa số các luật đều đạt từ 90% trở lên. Có 2 luật và 1 nghị quyết đạt 100% số đại biểu có mặt, như vậy chứng minh sự đồng thuận rất cao.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên thảo luận

Bên cạnh đó, công tác điều hành của Chủ tọa, điều hành chất vấn rất hài hòa, tạo điều kiện cho người trả lời chất vấn có thời gian chuẩn bị; Chương trình kỳ họp khá khoa học, hợp lý; khắc phục việc gửi tài liệu chậm và Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc cũng có rất nhiều cố gắng. Công tác thông tin, tuyên truyền, công tác hậu cần, kỹ thuật, công tác phục vụ được đảm bảo tốt. Cả một kỳ họp kéo dài nhưng chúng ta không bị trục trặc kỹ thuật một lần nào ở các phòng máy. Điều này thể hiện, ngay từ đầu kỳ họp Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã đôn đốc và kiểm tra rất kỹ, các thiết bị máy móc chạy an toàn, không có trục trặc kỹ thuật.

Đối với việc chuẩn bị bước đầu cho Kỳ họp thứ 8, các ý kiến tán thành với dự kiến chương trình mà Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã báo cáo. Theo đó, việc chia kỳ họp ra 2 đợt là hợp lý để tạo điều kiện cho các Ủy ban, các cơ quan của Quốc hội có thời gian giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu.

Cùng với đó, có ý kiến đề xuất cần có phương án hiển thị tên đại biểu đã đăng ký phát biểu tại Hội trường để đảm bảo cử tri có thể nắm bắt, theo dõi được hoạt động của đại biểu Quốc hội, đồng thời cần nghiên cứu phương án để đảm bảo các đại biểu có nhiều cơ hội phát biểu hơn nữa.

Các đại biểu tại phiên họp

Ngoài ra, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, cần có sự phân phối, sắp xếp nội dung hợp lý, tránh để một Ủy ban phải thẩm tra quá nhiều luật tại một Kỳ họp, để đảm bảo chất lượng công tác xây dựng pháp luật trong các điều kiện tương đối hạn chế về thời gian và nhân lực. Cần nâng cao tính chủ động, tầm nhìn xa trong công tác xây dựng pháp luật, tránh việc trình các nội dung quá gấp, để công tác thẩm tra có thể tiến hành tuần tự, bài bản, đánh giá được toàn diện những tác động, mặt ưu điểm cũng như nhược điểm, từ đó đưa ra được quyết sách tối ưu nhất.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận các ý kiến phát biểu tại phiên họp rất thẳng thắn, xây dựng trên tinh thần trách nhiệm cao; đánh giá các kết quả đạt được của Kỳ họp thứ 7 cũng như nêu những hạn chế, một số kinh nghiệm để lãnh đạo, chỉ đạo các kỳ họp tới diễn ra thành công.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Kỳ họp thứ 7 có khối lượng công việc lớn, có nhiều nội dung khó, phức tạp được bổ sung, nhưng nhìn chung đã được tổ chức thành công và hoàn thành chương trình đề ra. Đây là Kỳ họp có nội dung của công tác lập pháp nhiều nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tài liệu được chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng gửi đại biểu Quốc hội; nội dung gọn, rõ; các đại biểu đã trao đổi đến cùng đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau để đi đến kết quả thông qua. Điều này cho thấy tinh thần trách nhiệm của đại biểu Quốc hội cũng như của các cơ quan. Công tác nhân sự bảo đảm đúng quy trình, dân chủ, thận trọng, đạt được sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội. Các luật được thông qua có sự đồng thuận cao, một số luật, nghị quyết đạt tỷ lệ 100% đại biểu Quốc hội tán thành. Kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo của Đảng; các cơ quan của Quốc hội bám sát nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bên cạnh đó là sự phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ về tinh thần trách nhiệm. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị báo cáo chỉ rõ một số hạn chế như: một số tài liệu Chính phủ trình còn chậm, có nội dung còn thiếu hồ sơ; sự phối hợp của một số bộ, ngành và Ủy ban của Quốc hội còn chưa thực sự thống nhất, đây là những điểm cần phải khắc phục.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận

Về chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần chuẩn bị thật kỹ, từ sớm, từ xa, bảo đảm về chất lượng, đồng thời đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành bám sát Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khi trình các dự án luật, nghị quyết, thực hiện nghiêm túc quy định về thời hạn gửi tài liệu.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, bám sát tiến độ để chuẩn bị, kịp thời đôn đốc, nhắc nhở việc hoàn thiện tài liệu, chủ động tổ chức nghiên cứu, thẩm tra. Các cơ quan tiếp tục rà soát để hoàn thiện dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 8, trong đó lưu ý, nội dung cần bổ sung vào chương trình Kỳ họp phải là nội dung thật sự cấp thiết, cấp bách, được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Các đại biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nêu ý kiến tại phiên họp

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn tham gia ý kiến

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận các ý kiến phát biểu tại phiên họp rất thẳng thắn, xây dựng trên tinh thần trách nhiệm cao

Về chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần chuẩn bị thật kỹ, từ sớm, từ xa, bảo đảm về chất lượng, bám sát Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khi trình các dự án luật, nghị quyết; thực hiện nghiêm túc quy định về thời hạn gửi tài liệu./.

Hồ Hương - Phạm Thắng