RÀ SOÁT, HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ HOÀN THUẾ GTGT ĐẢM BẢO CHẶT CHẼ, PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN
Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7
Dự thảo Luật thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) gồm 04 Chương, 18 Điều. Đối với những nội dung sửa đổi, bổ sung, dự thảo Luật đã bám sát theo 05 nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) gồm: Hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; hoàn thiện các quy định về giá tính thuế giá trị gia tăng; hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế giá trị gia tăng; hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; hoàn thiện các quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng.
Liên quan tới nội dung hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, dự thảo Luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng trong 26 nhóm này (bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng gồm: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông công ích; dịch vụ internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú; dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên; dịch vụ duy trì cây xanh đường phố; dịch vụ chiếu sáng công cộng).
Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc
Quan tâm tới nội dung này, dẫn quy định tại khoản 1 Điều 5, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, dự thảo Luật quy định "Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mua bán sản phẩm, cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi thủy sản, nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành phẩm khác hoặc chỉ qua chế biến thông thường...", nội dung trên cho thấy doanh nghiệp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không phải nộp thuế giá trị gia tăng khi mua các sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi,.. tuy nhiên, ngoài những đối tượng trên thì cần làm rõ các đối tượng khác như cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh khi mua các sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi,... có thuộc đối tượng không chịu thuế hay không? Cũng tại nội dung này, đại biểu đề nghị làm rõ cơ sở pháp lý, lý giải nguyên nhân tại sao các đối tượng này khi mua sản phẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 5 không phải tính thuế, nộp thuế giá trị gia tăng nhưng lại được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Bên cạnh đó, điểm g khoản 9 Điều 5 quy định dịch vụ tài chính phái sinh bao gồm: hoán đổi lãi suất; hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; quyền chọn mua, bán ngoại tệ; dịch vụ tài chính phái sinh khác theo quy định của pháp luật, đại biểu nhận thấy quy định này chưa đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, có thể gây ra cách hiểu không thống nhất trong việc áp dụng chính sách. Bởi ngoài lĩnh vực ngân hàng, các sản phẩm giao dịch, công cụ phát sinh còn hiện diện trong các lĩnh vực chứng khoán thương mại,... Khoản 23 quy định sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa chế biến, thành phẩm khác, đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị làm rõ khái niệm "chưa chế biến, thành phẩm khác" bởi đây là khái niệm ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết hoàn thuế, xác định khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà
Bàn về vấn đề này, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà đề nghị bổ sung dịch vụ pháp lý là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Lý giải về quan điểm trên, đại biểu cho rằng, dịch vụ pháp lý là hoạt động góp phần tăng cường sự hiểu biết, tuân thủ pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống để hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là phải sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, từ đó thực hiện có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Dịch vụ pháp lý góp phần giảm chi phí thực hiện, tuân thủ giải quyết tranh chấp, giảm bớt khó khăn cho người dân và giảm giá thành cho doanh nghiệp. Để thực hiện mục tiêu này, pháp luật đã có nhiều quy định hỗ trợ và liên quan.
Ngoài ra, dịch vụ pháp lý là một dịch vụ đặc biệt mà trong một số trường hợp ngân sách nhà nước phải chi trả thù lao cho Luật sư bào chữa được chỉ định để bào chữa cho các bị can, bị cáo theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; chi trả thù lao cho cộng tác viên pháp lý và cộng tác viên pháp lý, trợ giúp pháp lý được quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Việc thúc đẩy phát triển dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật Luật sư, nhất là lĩnh vực này hầu như không có chi phí để khấu trừ VAT đầu vào, trong khi nguồn thu từ dịch vụ này không lớn, không ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu ngân sách.
Quan tâm tới quy định tại khoản 9 Điều 5, đại biểu Phạm Đức Ấn - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội cho biết, điểm h khoản này quy định về bán tài sản bảo đảm của khoản nợ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập có chức năng mua, bán nợ để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Đồng tình với quy định này, nhưng đại biểu cho rằng cần xem xét, mở rộng hơn nữa, là bán tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng. Bởi khi phải bán tài sản đảm bảo cho thấy khách hàng vay đang khó khăn, trong trường hợp có thuế giá trị gia tăng sẽ tham gánh nặng nợ cho đối tượng này. Nếu miễn thuế giá trị gia tăng thì đối tượng này sẽ có khả năng giành được một phần giá trị tài sản còn lại để phục vụ cho đời sống hoặc sản xuất kinh doanh.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang nêu rõ, việc rà soát, sửa đổi quy định về đối tượng không chịu thuế theo hướng loại bỏ hoặc bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ so với quy định hiện hành để phù hợp với thực tiễn là rất cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh các trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, dự thảo Luật vẫn chưa đề cập tới một số trường hợp như các tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Chính vì vậy, đại biểu cần làm rõ hơn cơ sở pháp lý và đánh giá tác động đối với việc xác định các trường hợp đã được quy định tại Nghị định số 209/2013/NĐ-CP của Chính phủ nhưng không được tiếp tục cho phép khấu trừ thuế giá trị gia tăng.
Cũng bàn về vấn đề này, đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá nhận thấy, Điều 5 dự thảo Luật đã quy định chi tiết, đầy đủ, chặt chẽ đối với hầu hết các nhóm đối tượng được miễn thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát để chuẩn hóa, thống nhất giữa Luật Thuế giá trị gia tăng với các luật liên quan. Theo đó, nên rà soát, sắp xếp các lĩnh vực, ngành nghề miễn thuế giá trị gia tăng một cách hợp lý, có thứ tự ưu tiên, dễ áp dụng trong thực tiễn.
Quan tâm tới nội dung tại khoản 10 quy định về dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, bao gồm cả chăm sóc y tế, dinh dưỡng và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật không phải chịu thuế giá trị gia tăng, đại biểu nêu rõ, quy định trên mang tính liệt kê nhưng chưa khoa học, chưa hợp lý và còn có sự trùng lặp. Trong đó, cụm từ "dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật" lặp lại hai lần trong cùng một khoản; nội dung về đối tượng có quy định chung là dịch vụ cho cả người và vật nuôi trong cùng một khoản. Từ phân tích trên, đại biểu tỉnh Thanh Hoá đề nghị rà soát, chỉnh lý lại để đảm bảo khái quát, không trùng lặp, đồng thời tách khoản 10 Điều 5 thành 2 khoản khác nhau để quy định cho từng loại đối tượng dịch vụ dành cho người và dịch vụ cho vật nuôi riêng biệt./.