DOANH NGHIỆP VÀ CHUYÊN GIA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VÀO VIỆC SỬA ĐỔI LUẬT THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT
VCCI HỘI THẢO GÓP Ý HOÀN THIỆN LUẬT THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT (SỬA ĐỔI)
Qua 16 năm thực hiện, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã đạt được các kết quả quan trọng. Tuy nhiên, qua quá trình tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Luật này trong giai đoạn qua, cùng với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và thời gian tới, chính sách thuế cũng đã bộc lộ một số điểm cần bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện. Trong đó đáng chú ý là, đối tượng chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt còn hẹp so với thông lệ quốc tế. Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, có 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế này.
Ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tham khảo chính sách các nước cho thấy, hàng hóa thuộc đối tượng chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt của các nước rất đa dạng. Ví dụ như Trung Quốc thu Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với 15 nhóm hàng hóa; Thái Lan thu Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với 17 nhóm hàng hóa và dịch vụ.
Trong khi đó, ở Việt Nam, thuế suất Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu bia, ô tô, còn thấp chưa đủ tác dụng để hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội. Chính vì thế, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các chuyên gia khi đóng góp vào dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) lần này là căn cứ để tính thuế đối với các mặt hàng. Theo đó, Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ tính Thuế tiêu thụ đặc biệt để bao quát trường hợp bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối, áp dụng thuế hỗn hợp như: Căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm là giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và thuế suất. Số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp bằng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt nhân với thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt.
Việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế
Căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối là lượng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và mức thuế tuyệt đối. Số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp bằng lượng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế nhân với mức thuế tuyệt đối.
Căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp là tổng của số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp theo phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và số thuế phải nộp theo phương pháp tính thuế tuyệt đối theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Nội dung quy định tại Điều 5 của dự án Luật
Đảm bảo sự công bằng trong việc thu thuế đối với mọi tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh
Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, tại Hội thảo Góp ý hoàn thiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do VCCI tổ chức mới đây, PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính cho biết, Thuế tiêu thụ đặc biệt có tác động lớn tới nền kinh tế - xã hội, thu ngân sách Nhà nước, thu nhập người lao động. Do đó, nguyên tắc chung chính sách thuế cần được phân tích trên góc độ cân bằng tổng thể với nhiều bên, nhiều thị trường. Đồng thời, phân tích tác động tới thu ngân sách, doanh nghiệp, lao động, tác động xã hội. Đặc biệt, cần tính tới bối cảnh áp dụng và tính khả thi, độ bền của chính sách.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính
Đối với phương pháp tính thuế, PGS.TS Vũ Sỹ Cường nêu quan điểm: Cần nghiên cứu mở rộng áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp. Hiện dự án Luật mới áp dụng phương pháp này với thuốc lá. Nên quy định khung hoặc trần với thuế tuyệt đối.
Thuế suất cần được tính toán để nội hóa được ngoại ứng tiêu cực (cung cấp nguồn lực để bù đắp chi phí xã hội). Ngoài ra, thuế suất cần được xem xét đến tác động kinh tế như hoạt động sản xuất kinh doanh, lạm phát, phúc lợi của hộ gia đình cũng như sản phẩm thay thế, cơ cấu thị trường…
Nêu quan điểm về phương pháp tính thuế, TS Nguyễn Quốc Việt - Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách, tính phổ quát trong xác định phương pháp tính Thuế tiêu thụ đặc biệt phải đảm bảo sự hài hòa với các quy định về phương pháp tính thuế của các nước trong khu vực và trên thế giới. Lộ trình áp dụng tăng thuế cũng cần đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và thuận tiện từ quá trình triển khai thực hiện, bởi các bên liên quan cho đến việc quản lý, kiểm tra, thanh tra thuế. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) phải thực sự điều tiết được tiêu dùng – mục tiêu cao nhất của sắc thuế này, hạn chế tiêu dùng các loại hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, có hại cho sức khỏe hoặc có tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội.
TS Nguyễn Quốc Việt - Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách
Về mức Thuế tiêu thụ đặc biệt, theo TS Nguyễn Quốc Việt, cần được xác định hợp lý để vừa đủ sức điều tiết tiêu dùng nhưng cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Mức Thuế tiêu thụ đặc biệt cần được xác định hợp lý để đảm bảo thu ngân sách nhà nước hiệu quả nhưng cũng không gây áp lực lên các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế như lạm phát.
Ngoài ra, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cần đảm bảo sự công bằng trong việc thu thuế đối với mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế. Danh mục hàng hóa, dịch vụ chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt và mức thuế áp dụng cần được quy định rõ ràng, minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấp hành pháp luật thuế.
Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn
Với những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế của VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết: Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình ra Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10/2024. Sau khi thảo luận qua hai kỳ họp, dự kiến Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.
Có thể khẳng định, những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp, hiệp hội trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và người tiêu dùng. Vì vậy, những ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất của chuyên gia đối với những điều chỉnh của dự án Luật là rất cần thiết để VCCI tổng hợp kỹ lưỡng gửi tới Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung trong quá trình hoàn thiện dự án Luật này một cách hiệu quả nhất./.