ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN: CÒN DƯ ĐỊA ĐỂ TIẾP TỤC DÙNG CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, KINH DOANH

17/07/2024

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phục hồi và phát triển kinh tế, trong những tháng cuối năm 2024, đại biểu Trần Hoàng Ngân- Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam cần thực nhiều chính sách, biện pháp linh hoạt. Chúng ta còn dư địa lớn để tiếp tục dùng đòn bảy chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh…

HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ TẠO ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI BÀN GIẢI PHÁP HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

Theo Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024 do Ủy ban Kinh tế công bố tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tình hình thế giới năm 2024 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo. Ở trong nước, năm 2024 là năm “nước rút”, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024 được đưa ra Quốc hội khóa XV xem xét tại Kỳ họp thứ 7

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, ngay từ đầu năm, Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 5 để xem xét những nội dung quan trọng, trong đó đã sửa đổi, thông qua Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sát sao chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, GDP Quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong Quý I từ năm 2020 đến nay và vượt kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/4/2024 đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn 1,81% cùng kỳ năm 2023, đã đẩy lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng...

Báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra rằng, thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, thực hiện kịp thời. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thông tin tuyên truyền tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại, nhất là các hoạt động đối ngoại cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước được triển khai chủ động, tích cực, đạt được nhiều kết quả thiết thực.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phục hồi và phát triển kinh tế, trong những tháng cuối năm 2024, Việt Nam cần thực hiện nhiều chính sách, biện pháp linh hoạt. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc phỏng vấn với đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh.

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024?

ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Đại dịch  Covid-19 đã tác động lớn đến nền kinh tế-xã hội, sự phát triển của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân. Cho nên, bên cạnh giải pháp kiểm soát đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn với kiểm soát dịch bệnh và thực hiện đồng thời các giải pháp phục hồi nền kinh tế. Ngoài ra, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa tiền tệ để góp phần phục phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Qua quá trình thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 cho đến nay, chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định. Thứ nhất, việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đã được thực hiện tốt. Thứ hai là kinh tế của nước ta đã phục hồi và tăng trưởng. So với tốc độ tăng trưởng của thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ năm 2022 đến nay được đánh giá là ở tốc độ khá.

Thứ ba, chúng ta vẫn giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô. Trong việc thực hiện Nghị quyết 43, chúng ta đã triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 5 triệu người lao động. Đối với việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng, chúng ta đã đạt được mục tiêu và triển khai kế hoạch đạt được như mong đợi.

Có thể khẳng định, trong khi tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều biến động thì với những kết quả đất nước đạt được, kinh tế ở trong nước vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Đây là sự nỗ lực lớn của Quốc hội, Chính phủ, toàn Đảng và Nhân dân ta khi thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024.

Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, đại biểu có lưu ý gì về những khó khăn, rào cản đang có nguy cơ cản trở tốc độ phát triển của nền kinh tế?

ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Bên cạnh những kết quả đã đạt được rất đáng trân quý về việc phục hồi và giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô, chúng ta cũng cần lưu ý là nền kinh tế vẫn đang tồn tại những khó khăn. Đó là nhiều dự án đầu tư còn dở dang và tài sản công còn sử dụng chưa hiệu quả.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (ảnh minh họa: Internet)

Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng tới 20% nên cần có chính sách đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này đang đặt ra cho các cơ quan chức năng về việc cần có một thể chế, môi trường thuận lợi để tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng; xem xét điều chỉnh chính sách miễn, giảm các khoản thuế, phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phục hồi và phát triển kinh tế.

Phóng viên: Theo đại biểu, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phục hồi và phát triển kinh tế, trong những tháng cuối năm 2024, Việt Nam cần triển khai kịp thời những giải pháp căn cơ nào?

ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Tôi ủng hộ và đánh giá cao 11 giải pháp mà Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, trong đó đặc biệt là những giải pháp ngắn hạn khi chúng ta tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có kiểm soát; chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; tiếp tục trình Quốc hội miễn, giảm thuế, phí tiền thuê đất, trước mắt là giảm thuế giá trị gia tăng 2%. Ngoài ra là tiếp tục cơ cấu lại nợ, ổn định tỉ giá, ổn định lãi suất, kiểm soát lạm phát…

Theo tôi, để phục hồi nền kinh tế được tốt hơn, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để từ đó có nguồn vốn hỗ trợ việc làm cho người lao động, hỗ trợ cho đối tượng yếu thế. Điều này cũng sẽ góp phần vào giảm nghèo bền vững.

Trong những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng nguồn thu ngân sách vẫn tăng. Do đó, nợ công đã được kéo giảm xuống còn 37% GDP. Như vậy, chúng ta còn dư địa lớn để tiếp tục dùng đòn bẩy chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp. Việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh cũng là nền tảng để tạo công ăn việc làm cho người dân.

Ngoài việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, tôi cho rằng, chúng ta cần xem xét chính sách xây nhà ở xã hội cho người lao động thuê. Theo đó, cần xem xét việc này là đầu tư công giống như chúng ta xây dựng các ký túc xá cho sinh viên học đại học.

Trong bối cảnh thế giới hiện nay diễn biến khó lường nên để nắm bắt cơ hội cũng như thích nghi kịp thời với những biến động đó, chúng ta cần tăng cường phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho địa phương. Mặt khác, tình hình biến đổi khí hậu ngày nay diễn ra rất khắc nghiệt, thế giới đã kiên định mục tiêu phát triển xanh, thân thiện với môi trường nên Việt Nam cần có những chính sách để nâng cao thế mạnh của nền Nông nghiệp, có chính sách hỗ trợ cho những địa phương bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, chúng ta cũng cần có chính sách để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn đóng góp của Kiều bào vào sự phát triển đất nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

Các bài viết khác