Theo dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 tới (tháng 10/2024).
Hoạt động giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội, góp phần bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay, các đại biểu nhận thấy, việc đổi mới, tăng cường nâng cao việc sử dụng thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là yêu cầu cấp bách, thiết yếu. Sử dụng thông tin một cách hiệu quả không chỉ giúp Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện tốt vai trò giám sát mà còn tăng cường sự minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả trong quản lý nhà nước.
Do đó, trong lần sửa đổi này của dự thảo Luật, các ý kiến đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần sửa đổi, bổ sung một cách tổng quát hơn quy định về quyền yêu cầu cung cấp thông tin của ĐBQH; cần bổ sung thêm quyền này của đại biểu HĐND trong việc yêu cầu các cơ quan chịu sự giám sát hoặc các cơ quan trên địa bàn phụ trách cung cấp thông tin phục vụ hoạt động giám sát của mình; bổ sung quy định trách nhiệm cung cấp, chia sẻ, trao đổi, xử lý, sử dụng thông tin phục vụ hoạt động giám sát.
Đồng thời các ý kiến khẳng định, việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND là hết sức cần thiết, qua đó tạo sự liên thông, nắm bắt thông tin giữa cơ quan dân cử các cấp trong hoạt động giám sát.
Sửa đổi, bổ sung quy định về quyền yêu cầu cung cấp thông tin của ĐBQH
Nhấn mạnh thông tin là một yếu tố cốt lõi trong quá trình ra quyết định và giám sát của Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nêu rõ, thông tin giúp các đại biểu Quốc hội hiểu rõ hơn về tình hình thực tế, đánh giá được hiệu quả của các chính sách, pháp luật đang thực hiện, từ đó đưa ra các quyết định chính xác và kịp thời.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhận thấy, hiện nay, các quy định được sửa đổi, bổ sung liên quan đến bảo đảm thông tin phục vụ hoạt động giám sát trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát mới chỉ tập trung ở Chương IV: Bảo đảm hoạt động giám sát. Tuy nhiên, các quy định liên quan đến bảo đảm thông tin phục vụ hoạt động giám sát không chỉ ở Chương IV mà còn có nhiều quy định rải rác ở các chương khác của Luật Hoạt động giám sát. Do vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung một cách tổng quát hơn, trong đó cần tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 55 của Luật Hoạt động giám sát.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Minh Hiếu
Theo đó, Điều 55 quy định về quyền yêu cầu cung cấp thông tin của đại biểu Quốc hội, trong đó có cả quy định về trách nhiệm, thời hạn cung cấp thông tin của người được yêu cầu cung cấp thông tin. Quy định này đã tương đối đầy đủ và tổng quát về quyền của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện có một số nội dung cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong quy định tại Điều này, cụ thể:
Thứ nhất, quy định tại Luật Hoạt động giám sát hiện hành mới đề cập đến quyền yêu cầu cung cấp thông tin của đại biểu Quốc hội nhưng chưa đề cập đến quyền yêu cầu cung cấp thông tin của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, cần bổ sung thêm quyền này của đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc yêu cầu các cơ quan chịu sự giám sát hoặc các cơ quan trên địa bàn phụ trách cung cấp thông tin phục vụ hoạt động giám sát của mình.
Thứ hai, cần nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện quyền này của đại biểu Quốc hội trong thời gian vừa qua để có quy định mang tính khả thi hơn. Chưa có số liệu cụ thể nhưng có thể nhận thấy các đại biểu Quốc hội chưa trực tiếp sử dụng quyền này trên thực tế mà chủ yếu sử dụng qua hình thức yêu cầu của cơ quan của Quốc hội hoặc qua Đoàn giám sát. Do vậy, cần nghiên cứu để xác định những khó khăn trong việc triển khai thực hiện quy định này, đồng thời, bên cạnh việc quy định quyền của đại biểu Quốc hội thì cũng ghi nhận quyền của các chủ thể giám sát khác như Đoàn đại biểu Quốc hội; Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân; Đoàn giám sát…, trong đó cần quy định rõ trình tự, thủ tục để thực hiện quyền này của các chủ thể.
Mọi hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cần được công khai minh bạch, số hóa
Liên quan đến việc bổ sung quy định trách nhiệm cung cấp, chia sẻ, trao đổi, xử lý, sử dụng thông tin phục vụ hoạt động giám sát, dự thảo Luật dự kiến bổ sung quy định tại Điều 88a: Cung cấp, chia sẻ, trao đổi, xử lý, sử dụng thông tin phục vụ hoạt động giám sát. Đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng, thay vì quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu như dự thảo hiện hành, Điều 88a nên quy định về quyền và trình tự, thủ tục thực hiện quyền của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được gửi thông tin mình đang nắm giữ mà hữu ích cho hoạt động giám sát đến các chủ thể giám sát (không phải là trách nhiệm). Điều này là hết sức quan trọng để tạo cơ hội rộng mở cho các chủ thể giám sát có thêm các thông tin phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, khắc phục tình trạng hiện nay hoạt động giám sát chủ yếu dựa vào báo cáo của các cơ quan nhà nước, phản ánh của cử tri, chưa khai thác hiệu quả các nguồn thông tin khác.
Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhận thấy, việc bổ sung quy định tại Điều 90a về ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là cần thiết, tuy nhiên đề nghị bổ sung thêm quyền của các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc được tiếp cận các cơ sở dữ liệu quốc gia ở mức độ phù hợp để phục vụ cho hoạt động giám sát. Điều này sẽ tăng cường tính chủ động của Quốc hội trong hoạt động giám sát cũng như tăng thêm nguồn thông tin hữu ích trong hoạt động giám sát. Đối với Hội đồng nhân dân các cấp, các cơ quan của Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân cũng nên được tiếp cận các cơ sở dữ liệu của nhà nước ở địa phương.
TS. Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội
Đồng quan điểm, quan tâm đến việc cung cấp, chia sẻ, trao đổi, xử lý, sử dụng thông tin phục vụ hoạt động giám sát được quy định tại Điều 88a, TS. Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị cần xem xét bổ sung quy định các thiết chế độc lập, thường xuyên hoặc lâm thời để thu thập thông tin và tổ chức đánh giá có hiệu quả hoạt động của nhánh hành pháp.
Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tại Điều 90a, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đề xuất thiết kế Điều này theo hướng: Mọi hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đều được công khai minh bạch, số hóa (chuyển đổi thông tin trên giấy và các quy trình thủ công thành định dạng kỹ thuật số) và liên thông giữa các quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan có liên quan. Ngoài ra, một số điều khoản cần rà soát chỉnh lý cho rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu.
Tạo sự liên thông, nắm bắt thông tin giữa cơ quan dân cử các cấp trong hoạt động giám sát
Nhấn mạnh việc trao đổi, sử dụng thông tin của hoạt động giám sát có liên quan và các hoạt động khác là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội Duy Hoàng Dương nhận thấy, trong dự thảo Luật lần này đã có quy định về việc đăng tải công khai thông tin về hoạt động giám sát cũng như việc theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện sau giám sát và việc chuyển kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội Duy Hoàng Dương cho rằng, việc trao đổi thông tin kết quả hoạt động giám sát ở đây cũng cần nghiên cứu để bổ sung các quy định cụ thể trong thực tiễn thực hiện việc trao đổi, cung cấp thông tin hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử các cấp. Thực tiễn hiện nay việc cung cấp thông tin này còn chưa thực sự thường xuyên, nhất là hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội với Thường trực HĐND, các Ban của HĐND cấp tỉnh. Trong đó, cần lưu ý việc cung cấp báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội với Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố. Đồng thời Thường trực HĐND cấp tỉnh cũng thường xuyên báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND cấp mình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội theo lĩnh vực để cung cấp thông tin phục vụ cho hoạt động theo dõi chung trong việc thi hành pháp luật của lĩnh vực có liên quan. Tương tự như vậy là cấp huyện với cấp tỉnh, cấp xã với cấp huyện, qua đó sẽ tạo sự liên thông, nắm bắt thông tin giữa cơ quan dân cử các cấp trong hoạt động giám sát.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội Duy Hoàng Dương
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là hết sức cần thiết, và cần phải đặt trong tổng thể của việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động nói chung của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Hiện nay đối với hệ thống cơ quan dân cử chưa có việc thống nhất trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, phần mềm chung trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Đối với Quốc hội thì sử dụng phần mềm riêng và đối với HĐND các cấp, mỗi cấp, mỗi địa phương lại có một phần mềm riêng biệt. Do vậy, dự thảo Luật cũng cần có quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc triển khai thực hiện đối với HĐND các cấp về nội dung này, vì hiện dự thảo Luật mới chỉ quy định riêng rẽ cho Quốc hội, HĐND cấp tỉnh.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội nhận thấy, để triển khai có hiệu quả việc theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện của Chính phủ, các Bộ ngành đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, kết quả thực hiện của UBND cấp tỉnh, các sở ngành, UBND cấp huyện đối với hoạt động giám sát của HĐND thì rất cần thiết có phần mềm liên thông giữa Thường trực HĐND cấp tỉnh và UBND cấp tỉnh./.