Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Di tích lịch sử-văn hóa Đền Đô (phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn). Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Đoàn kết, lắng nghe nhân dân
Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn (TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đã 3 lần được gặp gỡ, nói chuyện cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ở lần thứ 3 (tháng 1/2022), Tổng Bí Thư về thăm Đền Đô, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn vinh dự là người dẫn chương trình, giới thiệu, thuyết minh về di tích. Từng lời giới thiệu, từng câu chuyện ông kể, Tổng Bí thư đều lắng nghe, đồng thời động viên nhà giáo giữ gìn sức khỏe, tiếp tục “giữ lửa” Đền Đô, truyền cảm hứng tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu quê hương, đất nước cho nhân dân. “Tổng Bí thư với mái đầu đã bạc trắng, bước đi chậm rãi, phong thái đĩnh đạc, cử chỉ thân mật, niềm nở, thăm hỏi các bô lão, trò chuyện với các cháu thiếu niên, nhi đồng, động viên các nghệ nhân quan họ, làng nghề đang gìn giữ tinh hoa văn hóa, bản sắc Bắc Ninh...", nhà giáo Nguyễn Đức Thìn nhớ lại.
Ông Nguyễn - Sỹ, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ những tấm ảnh chụp chung với Tổng Bí thư trong các lần làm việc. Mỗi khi tiếp xúc với Tổng Bí thư, ông đều cảm nhận được nhân cách nhà lãnh đạo gần gũi, chân tình, thẳng thắn, tư duy uyên thâm, sáng tạo. Tổng Bí thư là nhà lãnh đạo luôn bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, thực tiễn của địa phương, luôn học tập và làm theo phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, lối sống giản dị, thực hành tiết kiệm của Tổng Bí thư là tấm gương sáng để toàn Đảng, toàn dân học tập. Những tác phẩm, ấn phẩm, bài phát biểu được phát hành là giá trị chỉ đạo rất lớn cho hôm nay về mai sau trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân tại Di tích lịch sử-văn hóa Đền Đô (phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn). Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Đặc biệt, ông vẫn còn nhớ như in những lời chỉ đạo, dặn dò của Tổng Bí thư trong mỗi lần làm việc với Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh. Trong đó, nhiều lần Tổng Bí thư nhắc nhở: “Tập thể lãnh đạo phải đoàn kết, mẫu mực, lắng nghe ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Đạo lý uống nước nhớ nguồn
Tháng 2/2018, trong chuyến công tác tại Thái Bình, Tổng Bí thư đã dành thời gian thăm, chúc Tết, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tuất (sinh năm 1922, xã Tây An, nay là thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải) có hai con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Ngày 19/7/2024 nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông Mai Trung Thuận (con trai mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tuất) không giấu nổi xúc động, tiếc thương vị Tổng tư lệnh của lòng dân, một đời trọn vẹn vì Đảng, vì nước, vì nhân dân. Đối với gia đình ông Thuận, được Tổng Bí thư đến thăm hỏi, tặng quà là niềm vinh dự, hạnh phúc lớn lao. Dù chỉ gặp gỡ trong thời gian rất ngắn nhưng hình ảnh của Tổng Bí thư với mái đầu bạc trắng, dung dị, gần gũi, cởi mở khiến ông Thuận không thể nào quên.
Trong lần đến thăm gia đình, Tổng Bí thư đã ân cần thăm hỏi, chúc sức khỏe mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tuất. Tổng Bí thư khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn ghi nhớ những cống hiến, hy sinh của mẹ Việt Nam Anh hùng, lão thành cách mạng và người có công. Tổng Bí thư hoan nghênh các cơ quan, địa phương, đơn vị có nhiều hoạt động tri ân, đền đáp công ơn người có công; đồng thời căn dặn, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, nhân dân cần tiếp tục quan tâm, làm tốt hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.
Ông Vũ Hồng Thái (80 tuổi, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thái Bình) bày tỏ tiếc thương đối với nhà lãnh đạo tiêu biểu của đất nước, người có tâm, có tầm, hết lòng tận tụy vì Đảng, vì dân, một chiến sỹ cộng sản chân chính, đảng viên mẫu mực. Ông đã viết những dòng thơ bộc bạch cảm xúc của mình về Tổng Bí thư trong lòng dân: “Trời đổ mưa tiếc thương Người vì nước/ Dân nhớ ơn Người nuốt nước mắt vào trong”.
Theo ông Vũ Hồng Thái, trong công cuộc phòng, chống tham nhũng vô cùng cam go của đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ có ý chí quyết tâm cao, hành động cứng rắn mà còn xây dựng hệ thống lý luận sắc bén về vấn đề này. Ngoài cốt cách, đạo đức liêm khiết, sáng ngời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại di sản tinh thần quý báu cho cả dân tộc với hệ thống lý luận thể hiện qua những cuốn sách có giá trị soi đường cho công cuộc đổi mới đất nước của Đảng và dân tộc ta. Di sản Tổng Bí thư để lại thấm nhuần giữa lý luận và thực tiễn, vừa là kết tinh tư tưởng lý luận xuất sắc vừa là tổng kết, bài học kinh nghiệm trong cả quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí ở nhiều cương vị công tác quan trọng.
Thấu hiểu nhà nông
Tháng 5/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và động viên gia đình nông dân Huỳnh Quang Bình (xã miền núi Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên).
Nhớ về kỷ niệm được gặp người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ông Huỳnh Quang Bình chia sẻ, những lời hỏi thăm ân cần về tình hình sản xuất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khiến cho gia đình ông cảm thấy rất gần gũi. Tổng Bí thư rất thấu hiểu nỗi vất vả của nông dân và động viên gia đình phải luôn cố gắng phát triển kinh tế để có điều kiện nuôi con ăn học. Tổng Bí thư còn dặn rằng, việc làm giàu không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn phải giúp đỡ người dân trong thôn, trong xã…
Luôn nhớ lời khuyên đó, gia đình ông Huỳnh Quang Bình đã nỗ lực đầu tư ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong thâm canh cây mía nguyên liệu để tăng năng suất; bình quân mỗi năm thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Ông còn là Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Ngân Điền, chăm lo phát triển kinh tế tập thể tại địa phương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có lần trực tiếp xuống nhà máy đường KCP (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa) để tìm hiểu việc hỗ trợ vốn và bao tiêu mía nguyên liệu cho nông dân. Tại đây, Tổng Bí thư đã lưu ý việc liên kết giữa nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học để cùng hỗ trợ nhau phát triển. Từ sự liên kết và chia sẻ lợi ích này, nông dân Phú Yên sẽ có cuộc sống ấm no từ cây mía.
Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn KCP Việt Nam cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến nông dân trồng mía và bán mía trực tiếp cho Nhà máy. Tổng Bí thư khuyên công ty ưu tiên và quan tâm người nông dân lên hàng đầu; có chính sách đãi ngộ để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Hiện thực hóa lời khuyên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Công ty luôn duy trì việc hợp tác và hỗ trợ trồng mía nguyên liệu cho 12.000 hộ nông dân. Nhà máy tạo việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho nông dân trong vùng nguyên liệu ở khu vực các huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân và huyện Phú Hòa.
Công ty KCP Việt Nam (đơn vị 100% vốn đầu tư từ Ấn Độ) là doanh nghiệp có Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam với 23 đảng viên tham gia sinh hoạt. Các tổ chức đoàn thể chính trị như: Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh cũng được duy trì hoạt động.