THỂ CHẾ HÓA ĐẦY ĐỦ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG TRONG SỬA ĐỔI LUẬT CÔNG ĐOÀN

02/08/2024

Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đang trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới đây (10/2024). Nhận định về dự án luật, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật lần này đã cơ bản thể chế hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng về hoạt động công đoàn nhằm tiếp tục kiện toàn về tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn vững mạnh, chuyên nghiệp; chú trọng chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động…

HỆ THỐNG TỔ CHỨC CỦA CÔNG ĐOÀN CẦN ĐỦ MẠNH ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU, NHIỆM VỤ MỚI ĐẶT RA

RÀ SOÁT, HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ QUYỀN GIÁM SÁT CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN BẢO ĐẢM PHÙ HỢP, KHẢ THI

Vừa qua, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7. Dự thảo luật trình Quốc hội gồm 06 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều), bỏ 01 điều so với Luật Công đoàn 2012. Dự thảo đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả người làm việc không có quan hệ lao động, phù hợp định hướng chỉ đạo của Đảng về phát triển đoàn viên công đoàn cũng như tương thích, đồng bộ với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của một số đạo luật như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động…

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV 

Theo TS. Nguyễn Thị Thanh, khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn, so sánh với Luật Công đoàn năm 2012, Dự thảo Luật đã kế thừa các thành tựu của Luật Công đoàn; đồng thời đã cụ thể hóa được chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và Bộ Luật Lao động hiện hành, cụ thể:

Phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 06- NQ/TW ngày 5/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (mục 2.10 NQ 06- NQ/TW đã định hướng về Đổi mới tổ chức, hoạt động của tổ chức công đoàn và quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp); Phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 02-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 12/6/2021 về đổi mới tổ chức hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Ngoài ra, các quy định tại Điều 14,15,16 của Dự thảo Luật cũng phù hợp với quy định tại Điều 9, Điều 10 của Hiến pháp năm 2013; việc tách Điều 14 của Luật Công đoàn năm 2012 thành Điều 14, Điều 15 Dự thảo Luật là rõ ràng, mạch lạc về hoạt động của Công đoàn; bổ sung Điều 16, Điều 32; tiếp tục làm cho hoạt động của công đoàn mạch lạc, minh bạch, tăng cường độ tin cậy trong hoạt động của Công đoàn, phản ánh yêu cầu và tinh thần của Nhà nước pháp quyền XHCN; thu gọn Điều 32, Điều 33 trong Luật Công đoàn năm 2012 thành 1 Điều Luật về Hiệu lực thi hành trong dự thảo Luật là hợp lý;... Các nội dung sửa đổi khác trong Dự thảo Luật cũng cơ bản phù hợp với nội dung, tinh thần của Bộ Luật Lao động năm 2019 và một số quy định pháp luật khác.

Nguyên PCN Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến

Cùng nhận định, nguyên PCN Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho biết, Luật Công đoàn được ban hành năm 2012, là cơ sở pháp lý cho việc hoàn thiện bộ máy và cải tiến, đổi mới phương thức hoạt động công đoàn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước, thúc đẩy Công đoàn Việt Nam phát triển trong những năm qua.

Để thúc đẩy cho Công đoàn tiếp tục được phát triển mạnh mẽ hơn, trong những năm qua Đảng đã ban hành nhiều văn kiện, như Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới”. Nghị quyết số 02- NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới và các văn kiện khác của Đảng có liên quan nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn trong hệ thống chính trị, đổi mới phương thức hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao đời sống người lao động và hội nhập quốc tế.

Nguyên PCN Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến nhấn mạnh, qua nghiên cứu dự thảo Luật cho thấy, dự thảo cơ bản đã thể chế hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng nhằm tiếp tục kiện toàn về tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ  công đoàn vững mạnh, chuyên nghiệp trong hệ thống công đoàn các cấp; đồng thời đổi mới, cải tiến phương thức hoạt động, chú trọng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.

GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, thành viên HĐKH của UBTVQH

Nêu quan điểm, GS. TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, thành viên HĐKH của UBTVQH nêu rõ, việc kịp thời sửa đổi Luật Công đoàn là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Dự thảo Luật đã cơ bản bảo đảm sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, theo GS. TS Phan Trung Lý, một số quy định tại dự án Luật vẫn mang tính nguyên tắc, khái quát. Do đó, kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, quán triệt, thể chế hóa các quan điểm của Đảng bằng các quy định cụ thể của dự thảo Luật, hạn chế tối đa điều khoản do Chính phủ quy định. Đồng thời, thể hiện tốt hơn các yêu cầu đề ra như: đáp ứng yêu cầu hội nhập; phát huy vai trò tổ chức đại diện của công đoàn, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của người lao động;,…

Ngoài ra, các ý kiến cũng góp ý vào nhiều nội dung cụ thể liên quan đến: quyền chủ động giám sát của tổ chức công đoàn; tăng quyền chủ động cho tổ chức công đoàn trong bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách; tỷ lệ phân phối tài chính công đoàn;.. 

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh

Hiện nay, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Luật, chuẩn bị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (10/2024) tới đây. Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh, việc sửa đổi Luật Công đoàn lần này phải bảo đảm cho Công đoàn Việt Nam, tổ chức rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo người lao động tham gia. Sửa Luật Công đoàn cần kế thừa và giữ nguyên những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thực hiện; sửa đổi nhưng phải phù hợp với thể chế chính trị, phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang tập trung rà soát; chỉnh sửa, tiếp thu cũng như tham vấn nhằm hoàn thiện một số nội dung trọng tâm về: địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam; gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; quyền chủ động giám sát của tổ chức công đoàn; tăng quyền chủ động cho tổ chức công đoàn trong bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách; bảo đảm thời gian hoạt động cho cán bộ công đoàn không chuyên trách; công khai, minh bạch tài chính công đoàn;... nhằm đáp ứng đúng yêu cầu, mục đích xây dựng dự án Luật đã đề ra./.

Lê Anh