GÓC NHÌN: SỬA ĐỔI LUẬT ĐIỆN LỰC – HƯỚNG ĐI MỚI CHO HẠ TẦNG TRUYỀN TẢI VÀ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO
SỬA ĐỔI LUẬT ĐIỆN LỰC CẦN BÁM SÁT NGHỊ QUYẾT 55-NQ/TW VỀ ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG QUỐC GIA
Việc thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu của Việt Nam cam kết tại tại Hội nghị COP 26 là đến năm 2050 là giảm phát thải ròng bằng “0”. Vì vậy, nước ta phải hướng tới phát triển ngành công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới, hướng tới trở thành một trung tâm công nghiệp năng lượng sạch và xuất khẩu năng lượng tái tạo của khu vực.
Đây cũng là những thách thức đòi hỏi sự đồng bộ trong việc thúc đẩy xây dựng các khung pháp lý, cơ chế chính sách về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Bên cạnh đó, cũng cần tất cả các thành phần kinh tế tham gia vào việc đầu tư và phát triển ngành năng lượng theo hướng xanh sạch và bền vững.
TS.Trần Thanh Liễn, Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả
Đóng góp ý kiến vào việc phát triển năng lượng tái tạo, TS.Trần Thanh Liễn, Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cho rằng, trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã trình bày các quy định chi tiết phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới (từ Điều 26 đến Điều 35). Trong đó, điểm c, khoản 3 Điều 26 đề cập việc bố trí hợp lý các nguồn điện ở các địa phương trong vùng nhằm khai thác hiệu quả các nguồn điện với cơ chế giá điện phù hợp theo vùng, khu vực, đảm bảo tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất kỹ thuật, giảm truyền tải điện đi xa.
TS.Trần Thanh Liễn khẳng định, năng lượng tái tạo với tính chất phân tán, tiềm năng khác nhau, nên chi phí sản xuất điện của cùng một dạng năng lượng tái tạo là khác nhau theo vùng, miền. Do vây, cần có cơ chế giá điện theo vùng miền nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo ở vùng có tiềm năng năng lượng tái tạo thấp. Ví dụ tiềm năng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời của miền Bắc là rất thấp so với miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam nhưng phụ tải của miền Bắc lại cao. Vì vậy, cần khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo với cơ chế giá điện phù hợp.
Xem xét kỹ phạm vi và mức độ quy định về điện tự sản tự tiêu
Đề cập về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, trong đó có điện tự sản tự tiêu, ông Hà Đăng Sơn - Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh nhấn mạnh: Nghị quyết 55-NQ/TW đã xác định cần xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch.
Tuy nhiên, Điều 28 và Điều 29 của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) liên quan tới điện tự sản tự tiêu có đưa yêu cầu công suất phát triển bảo đảm không lớn hơn công suất trung bình của phụ tải điện và sản lượng điện tiêu thụ trung bình của tổ chức, cá nhân đã ký hợp đồng mua bán điện với đơn vị điện lực mà không có diễn giải rõ ràng về khái niệm "công suất trung bình của phụ tải điện".
Ông Hà Đăng Sơn - Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh
Theo ông Hà Đăng Sơn, trong thực tế, khi nguồn điện tự sản tự tiêu có đi kèm pin lưu trữ thì hoàn toàn có thể lắp đặt hệ thống với công suất lớn hơn công suất trung bình của phụ tải điện để phục vụ mục đích tự sản tự tiêu mà không gây ảnh hưởng tới lưới điện. Ngoài ra, trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cũng không nêu về hình thức bên thứ ba đầu tư (mô hình công ty dịch vụ năng lượng ESCO). Nếu không khuyến khích hình thức này thì rất khó huy động nguồn tài chính đầu tư cho các dự án điện tự sản tự tiêu.
Liên quan đến nội dung trên, ông Nguyễn Quyết Chiến - Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam nêu quan điểm: Điện tự sản tự tiêu và điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu là khái niệm ít phổ biến trên thế giới khi phân loại các dạng năng lượng điện. Ví dụ, điện mặt trời thông thường bao gồm: Điện mặt trời áp mái, điện mặt trời nổi và điện mặt trời mặt đất.
Ở nước ta, một số chuyên gia cho rằng, điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu xuất hiện như một giải pháp tình thế, ngắn hạn trong bối cảnh hệ thống lưới điện quốc gia hiện nay tạm thời chưa hấp thụ được mức tăng nóng của điện năng lượng tái tạo. Vì vậy, cần xem xét kỹ phạm vi và mức độ quy định về điện tự sản tự tiêu trong Luật Điện lực (sửa đổi) để vừa có thể giải quyết những vướng mắc hiện nay trong phát triển điện tự sản tự tiêu nhưng cũng như phù hợp với xu hướng phát triển tương lai của loại hình này.
Việc đưa quy định về điện tự sản tự tiêu trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) có thể làm cho các nhà đầu tư năng lượng tái tạo hiểu rằng, các loại hình điện năng lượng tái tạo khác ngoài điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu sẽ bị hạn chế và khó khăn khi muốn đầu tư, phát triển. Như vậy, không phù hợp với chính sách, mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững của Việt Nam.
Ông Nguyễn Quyết Chiến - Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam
Theo ông Nguyễn Quyết Chiến, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã có quy định về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới tại khoản 8 Điều 5 và giao Chính phủ “quyết định chính sách cụ thể khuyến khích phát triển và thu hút đầu tư vào điện năng lượng mới” tại Điều 32. Chưa rõ cơ quan nào có trách nhiệm quyết định chính sách cụ thể khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo. Vì vậy, ông Nguyễn Quyết Chiến đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích cụ thể để phát triển điện năng lượng tái tạo có nhiều tiềm năng phát triển và có ý nghĩa trong xây dựng nông thôn mới, đô thị hóa hiện nay.
Mặt khác, tại điểm a khoản 2 Điều 28 và khoản 2 Điều 29 quy định công suất phát triển điện tự sản tự tiêu từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà, điện gió quy mô nhỏ theo hình thức tự sản tự tiêu phải “không lớn hơn công suất trung bình của phụ tải điện và sản lượng điện tiêu thụ trung bình”. Việc giới hạn này có thể kìm hãm sự phát triển của phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Vì vậy, đề nghị làm rõ ý nghĩa của việc giới hạn công suất như vậy.
Ngoài ra, tại Điều 27 quy định về khảo sát tiềm năng, định hướng phát triển mới chỉ tập trung vào các loại hình năng lượng thuộc dạng năng lượng tái tạo, gồm: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, nguyên năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thủy triều và các dạng tài nguyên năng lượng đại dương khác. Trách nhiệm khảo sát, đánh giá tiềm năng, định hướng phát triển năng lượng mới, những yếu tố liên quan đến việc sản xuất hydro xanh, amoniac xanh và nguồn năng lượng mới khác chưa được quy định trong dự thảo Luật. Vì vậy, ông Nguyễn Quyết Chiến đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về vấn đề này./.