Nâng cao hiệu quả hoạt động giải trình tại các Phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân

31/08/2024

Tổ chức giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND là một trong những hình thức giám sát quan trọng của Hội đồng nhân dân. Mặc dù có nhiều đổi mới, tuy nhiên theo nhận định của một số chuyên gia vẫn còn một số vướng mắc cả về quy định pháp luật cũng như quá trình triển khai cần sớm được khắc phục nhằm đẩy mạnh và phát huy hơn nữa hiệu quả của hình thức giám sát quan trọng này trên thực tiễn…

NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

(Ảnh minh họa)

Theo PGS. TS Đặng Minh Tuấn, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, giám sát là chức năng cơ bản của cơ quan dân cử, bao gồm Quốc hội và HĐND các cấp. Chức năng giám sát của các cơ quan này xuất phát từ vị trí của các cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan đại biểu của nhân dân. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền  lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước (Điều 69 Hiến pháp năm 2013). Trong khi đó, HĐND là cơ quan quyền lực nhà ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện chức năng giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật của địa phương (Điều 113 Hiến pháp năm 2013).

Trên cơ sở của Hiến pháp, giám sát của HĐND được ghi nhận trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Giám sát của HĐND gắn liền với vị trí, vai trò của HĐND được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Trong đó, tổ chức giải trình tại các Ban của Hội  đồng nhân dân là một trong những hình thức giám sát quan trọng.

Theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân thì “giải trình là việc cơ quan, cá nhân hữu quan giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo yêu cầu của chủ thể giám sát”. Theo Luật Phòng chống tham nhũng, “trách nhiệm giải trình là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao”. Như vậy, giải trình luôn gắn liền với việc minh bạch, công khai đối với tất cả vấn đề được coi là sự thật liên quan đến những quyết định, hành vi của người có chức vụ, quyền hạn tỏng quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.

PGS. TS Đặng Minh Tuấn, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

Chia sẻ về hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND Tp. Hà Nội - Duy Hoàng Dương cho biết, các phiên giải trình được tổ chức hiệu quả, thiết thực do Thường trực HĐND Thành phố đã kết hợp nhiều yếu tố trong cách thức tổ chức như: Chỉ đạo các Ban của HĐND tổ chức kiểm tra, khảo sát, tổng hợp báo cáo, xây dựng phóng sự truyền hình sinh động, rõ nét.

Về thành phần mời, bên cạnh các đồng chí lãnh đạo UBND Thành phố, các quận, huyện, thị xã, còn mời thêm Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị cơ sở trực tiếp liên quan. Số lượt đại biểu nêu câu hỏi, ý kiến yêu cầu giải trình tăng qua các phiên thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu HĐND đối với hoạt động của HĐND cũng như các vấn đề quan trọng của Thành phố. Các đồng chí được yêu cầu giải trình là lãnh đạo UBND Thành phố, Giám đốc các Sở ngành Thành phố; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và thủ trưởng các cơ quan liên quan đã thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị; phần trả lời cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra, rõ nguyên nhân, nêu rõ trách nhiệm, rõ giải pháp, lộ trình giải quyết,… Từ sự lan tỏa của Thường trực HĐND Thành phố, Thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn đã tích cực tổ chức các phiên giải trình theo mô hình phù hợp và đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND Tp. Hà Nội - Duy Hoàng Dương cũng cho biết vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: phiên giải trình của Thường trực HĐND cấp huyện, xã còn chưa đồng đều, chất lượng chưa cao; Phương thức giám sát chủ yếu vẫn là nghe trình bày báo cáo, hoạt động khảo sát thực tế việc thực hiện cụ thể chưa nhiều;…

Trưởng Ban Pháp chế, HĐND Tp. Hà Nội Duy Hoàng Dương 

Từ thực tiễn triển khai tại địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa - Lê Tiến Lam cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2021 -2026, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức một số phiên họp giải trình về các nội  dung như: Về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh; Việc thi hành án dân sự trên địa bản tỉnh; Tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tê,s bảo hiểm thất nghiệp kéo dài… Đây là những nội  dung được cử tri và Nhân dân quan tâm.

Các phiên giải trình được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến các điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố. Sau phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh ban hành kết luận yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ để khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra tại phiên giải trình.

Mặc dù vậy, qua thực hiện vẫn còn một số khó khăn như, tại phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh đa số các đại biểu ở cơ sở ít tham gia phát biểu và đặt câu hỏi giải trình, còn có tâm lý nể nang, ngại va chạm, các câu hỏi yêu cầu giải trình chủ yếu do các đại biểu chuyên trách đặt ra. Việc thực hiện các kiến nghị sau giám sất, sau giải trình của Thường trực HĐND tỉnh, một số cơ quan, đơn vị có nghĩa vụ thực hiện nhưng tiến độ thực hiện còn chậm, chưa được giải quyết dứt điểm, Việc theo dõi, đôn đốc và tổng hợp việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, giải trình có lúc chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt.

TS. Nguyễn Đình Quyền, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả phiên giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, việc chọn chủ đề giải trình đóng vai trò quyết định, nội dung chủ đề là những vấn đề trọng tâm, nổi cộm phản ánh được đúng yêu cầu, đòi hỏi khách quan thực tiễn tại địa phương đặt ra.Việc phối kết hợp giữa hoạt động giải trình với các hình thức giám sát khác như: thẩm tra, giám sát chuyên đề; giám sất giải quyết khiếu nại, tổ cáo, kiến nghị của công dân cần thường xuyên, chặt chẽ….

Do đó, trong sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền kiến nghị, cần nghiên cứu bổ sung quy định về tiêu chí để tiến hành phiên giải trình. Trong quá trình tổ chức phiên giải trình, cần chú trọng tới công tác chuẩn bị, theo đó, cần tiếp cận, thu thập thông tin cần thiết cho việc tiến hành phiên giải trình. Mỗi phiên giải trình phải rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, phạm vi, tính chất và đối tượng giải trình…

“Thực hiện hiệu quả hoạt động giải trình sẽ giúp Thường trực HĐND, cử tri đánh giá đúng những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, giải quyết những vấn đề tồn tại trong công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian qua; kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; các lĩnh vực khác tại địa phương….”, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp, Đại học Quốc gia Hà Nội 

Dưới góc độ nghiên cứu, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, giải trình là một hình thức giám sát được quy định tại Điều 72, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. Đây là hoạt động giám sát rất hiệu quả giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân do Thường trực Hội đồng nhân dân chủ trì, thu hút được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri và Nhân dân. Vừa qua, trên thực tế hình thức giám sát này đã được triển khai rất hiệu quả tuy nhiên, việc tổ chức giải trình tại phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chưa có nhiều văn bản hướng dẫn, do đó quá trình tổ chức thực hiện còn một số khó khăn.

Để tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực giám sát của Hội đồng nhân dân, PGS.TS Doãn Hồng Nhung đề xuất, trong lần sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân lần này cũng cần nghiên cứu bổ sung quy định phù hợp. Trong đó, cần quy định rõ, cụ thể trách nhiệm của cơ quan chịu sự giám sát trong hoạt động giải trình. Ngoài ra, thực tiễn triển khai cần lưu ý, các báo cáo, thông tin do các cơ quan có trách nhiệm giải trình cung cấp phải kịp thời, chính xác, toàn diện theo yêu cầu nội dung giải trình.

Đồng thời, quan tâm nâng cao kỹ năng điều hành của chủ trì đảm bảo nắm chắc nội dung liên quan đến vấn đề đưa ra giải trình, dân chủ, khách quan và khoa học. Việc điều hành nội dung cũng cần linh hoạt, gợi mở vấn đề trọng tâm; khuyến khích đối thoại, tranh luận, sáng tỏ nội dung phiên giải trình. Người trả lời giải trình phải đề cao trách nhiệm cá nhân, nhận thức rõ những mặt tích cực và những thiếu sót để khắc phục; tránh trả lời chung chung, đùn đẩy trách nhiệm;... Bên cạnh đó, để đảm bảo hiệu quả của phiên giải trình, Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Kết luận phiên giải trình của UBND và các ngành liên quan./.

Lê Anh

Các bài viết khác