Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản tại Phước Sơn

06/09/2024

Sáng 06/9, Đoàn Đại biểu quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam do ông Dương Văn Phước – Phó Trưởng đoàn dẫn đầu tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản (giai đoạn 2017 - 2023) tại Phước Sơn.

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam khảo sát thực tế khu vực đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu

Quang cảnh làm việc của đoàn giám sát với huyện Phước Sơn. Ảnh: T.D

Theo UBND huyện Phước Sơn, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp, tổ chức nhiều đợt truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép; tổ chức chốt chặn và xử lý dứt điểm các điểm nóng.

Địa phương cũng ban hành nhiều văn bản, kế hoạch kiểm tra, tăng cường quản lý, phối hợp, chốt chặn, đôn đốc thực hiện các nghĩa vụ, quản lý, giám sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản của các tổ chức, gắn trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản...

Hiện nay, tại địa phương có 13 điểm mỏ khoáng sản đã được cấp phép cho 11 doanh nghiệp thuê đất khai thác khoáng sản (12 điểm mỏ vàng gốc và 1 điểm mỏ cát, sỏi). Các tổ chức đều thực hiện đảm bảo nghĩa vụ tài chính trong công tác thuê đất.

Các chủ đầu tư đã tiến hành lập các thủ tục liên quan sau khi được cấp phép khai thác, thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan (thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền thuê đất, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường...). Việc đảm bảo trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn lao động, xử lý tiếng ồn, sử dụng công nghệ, vật liệu nổ... khai thác khoáng sản tương đối đảm bảo

Chính quyền, cơ quan quản lý địa phương tham dự buổi giám sát

Tuy nhiên, UBND huyện Phước Sơn thừa nhận vẫn còn quá nhiều vướng mắc, chồng chéo, bất cập từ các văn bản, quy định về quản lý, khai thác khoáng sản. Tình trạng khai thác trái phép vẫn xảy ra ở một số xã với quy mô nhỏ. Việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường còn mang tính đối phó, chưa thực hiện đúng giấy phép môi trường đã phê duyệt. Việc đôn đốc, giám sát công tác đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với điểm mỏ hết thời gian cấp phép khai thác vẫn còn chưa quyết liệt.

UBND huyện Phước Sơn kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các doanh nghiệp đã hết thời hạn giấy phép khai thác thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường. Các trường hợp hết thời hạn giấy phép thăm dò nhưng kéo dài thời gian lập thủ tục cấp phép khai thác cũng xem xét không cấp phép khai thác, yêu cầu dừng toàn bộ dự án. Xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố ý chây ì, kéo dài thời gian và không thực hiện việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường khi hết phép khai thác và ủy quyền, phân cấp cho địa phương thực hiện nhiệm vụ này.

Địa phương kiến nghị Cục Thuế Quảng Nam tiếp tục thực hiện kiểm tra lắp đặt trạm cân và camera giám sát đi kèm với nhiệm vụ theo dõi trữ lượng khoáng sản khai thác. Xử lý nghiêm doanh nghiệp kê khai phát sinh thấp hoặc không phát sinh sản lượng trong 2 hay 3 năm liên tiếp, chậm thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ có sản lượng khai thác kê khai nộp thuế trung bình hai năm liên tiếp dưới 60%...

Thành viên Đoàn giám sát trao đổi ý kiến với địa phương

Các ý kiến của thành viên đoàn giám sát xoay quanh việc trách nhiệm của chính quyền trong kiểm tra, kiểm soát thực thi pháp luật khai thác khoáng sản của doanh nghiệp được cấp phép và chấn chỉnh khai thác khoáng sản trái phép. Thành viên đoàn giám sát đề nghị địa phương cần làm rõ, từ quy hoạch các điểm mỏ, thăm dò, cấp quyền khai thác, nguy cơ thất thu ngân sách, xử lý ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự; phân tích cụ thể công nghệ khai thác, hiệu quả kinh tế - xã hội địa phương từ việc cấp phép khai thác khoáng sản...

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam Dương Văn Phước đánh giá cao địa phương trong việc xây dựng báo cáo đúng trọng tâm, trọng điểm theo yêu cầu của đoàn giám sát. Đồng thời đề nghị chính quyền địa phương cần cập nhật ý kiến trao đổi của các thành viên đoàn giám sát để có một báo cáo hoàn chỉnh hơn.

(Theo báo Quảng Nam)

Các bài viết khác