Đề xuất xây dựng khung khổ pháp lý đối với tài sản số, tiền số

08/09/2024

Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 tới. Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia cho rằng, Ban soạn thảo dự án Luật cần chú trọng xây dựng khung khổ pháp lý đối với tài sản số để vừa bảo đảm công tác quản lý Nhà nước, thúc đẩy phát triển lĩnh vực này và cũng vừa là cách bảo vệ những chủ thể tham gia thị trường.

Tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp công nghệ số

Lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật Công nghiệp công nghệ số

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ được Quốc hội cho ý kiến, thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các quy định còn phù hợp của Luật Công nghệ thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành về công nghiệp công nghệ thông tin; thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành về đầu tư, tài chính, khoa học công nghệ và đồng bộ với các dự án Luật có liên quan để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho thực thi, áp dụng.

Cần xây dựng khung khổ pháp lý đối với tài sản số, tiền số (ảnh minh họa: Internet)

Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng bám sát 2 nhóm chính sách đã Chính phủ thống nhất thông qua: Hoạt động công nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; Bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số. Một trong những nội dung đang nhận được sự quan tâm của các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội đối với dự án Luật Công nghiệp công nghệ số là xây dựng khung khổ pháp lý đối với tài sản số, tiền số.

Tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với giao dịch, đầu tư vào tài sản số, tiền số

Dù chưa được công nhận, song trên thực tế, việc sở hữu, giao dịch các loại tài sản số, tiền số diễn ra khá phổ biến tại Việt Nam. Báo cáo gần đây của CryptoCrunchApp - một ứng dụng tại Mỹ chuyên thu thập thông tin về các loại tiền số cho thấy, Việt Nam xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng về lượng người nắm giữ tiền số trên thế giới (sau Ấn Độ và Mỹ).

Với sự phát triển mạnh mẽ của tài sản số, tiền số, đòi hỏi về khung pháp lý đang rất cấp thiết. Việc xây dựng khung pháp lý là một trong những hành động nằm trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng chống rửa tiền, phòng chống tài trợ khủng bố và các hoạt động phi pháp khác.

Ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam 

Tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật Công nghiệp công nghệ số do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, năm 2022, dòng tài sản số vào thị trường Việt Nam khoảng 100 tỷ USD. Con số này đạt khoảng 120 tỷ USD vào năm 2023 và dự báo tăng trưởng mạnh trong năm 2024.

Cho đến nay, Ban soạn thảo dự án Luật Công nghiệp công nghệ số đã đề xuất giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định quản lý tài sản số, tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số. Việc bổ sung các quy định chi tiết hơn trong dự án Luật sẽ góp phần tăng cường hiệu quả bảo vệ người dùng và tạo môi trường pháp lý an toàn cho sự phát triển của ngành Công nghiệp công nghệ số Việt Nam.

TS Lê Đăng Doanh -  nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương

Khẳng định các hoạt động giao dịch, đầu tư về tài sản số, tiền số diễn ra mạnh mẽ thời gian qua nhưng TS Lê Đăng Doanh -  nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương lại băn khoăn vì trong những năm qua, Nhà nước đã bị thất thu về thuế khi chúng ta chưa có hành lang pháp lý để quản lý về thuế đối với giao dịch, đầu tư tài sản số. Chính vì vậy, khi xây dựng dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, nhiệm vụ quan trọng là phải xây dựng khung khổ pháp lý đối với tài sản số để một mặt bảo đảm công tác quản lý Nhà nước, một mặt thúc đẩy phát triển lĩnh vực này và cũng là cách bảo vệ những chủ thể tham gia thị trường.

Phải triển khai quản lý thuế, thu thuế đối với giao dịch, đầu tư vào tài sản số, tiền số

Liên quan đến nội dung trên, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, hiện nay, không ít người sở hữu tài sản số, có thu nhập từ tài sản số nên họ phải có trách nhiệm đóng thuế. Cơ quan quản lý Nhà nước cần quản lý và thu thuế. Tuy nhiên, việc áp dụng các chính sách về quản lý cũng sẽ gặp các khó khăn nhất định, khi phải định nghĩa tài sản số là gì.

 Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm các nước để tiếp cận từng bước. Khi thực tiễn cho thấy đây là một nhu cầu lớn, diễn ra tương đối phổ biến thì đã đến lúc chúng ta phải có một khung khổ pháp lý và triển khai quản lý thuế, thu thuế đối với giao dịch, đầu tư vào tài sản số, tiền số.

Đại diện cho cơ quan quản lý về thuế, ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý, cần xác định tài sản số là gì; vị trí pháp lý và quản lý nó như thế nào. Bộ Tài chính sẽ cùng các Bộ, ngành thực hiện việc này, trong đó có hoàn thiện chính sách về thuế đối với tài sản số.

Ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) 

Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ được Quốc hội cho ý kiến, thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 tới. Với những ý kiến, đề xuất như trên, các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội kỳ vọng cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự án Luật, trong đó chú trọng tới tạo khung khổ pháp lý đối với giao dịch, đầu tư vào tài sản số, tiền số. Việc làm này cũng góp phần đảm bảo công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư này được chặt chẽ hơn trong thời gian tới./.

Bích Lan