Đoàn Khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh làm việc với Tổng Công ty Sông Đà về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ
Quang cảnh buổi góp ý dự án Luật.
Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gồm 9 chương; với 61 điều, quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, lực lượng, phương tiện, bảo đảm điều kiện hoạt động và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ…
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, ngày 4/10 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” cần giữ nguyên để mang tính ý nghĩa và truyền thống “Ngày Toàn dân phòng cháy chữa cháy” chính là dịp để nhắc nhở cho toàn dân biết được trách nhiệm to lớn của mình đối với công tác phòng cháy, chữa cháy để nhằm đảm bảo nghiêm túc thực hiện, hạn chế tai nạn cháy nổ, góp phần xây dựng nước nhà phát triển vững mạnh.
Nhất trí với dự thảo Luật đã được chỉnh lý, Phó Phòng Quản lý Đô thị Quận 3 Trần Hải Nguyên đề nghị bổ sung thêm quy định có phương tiện chữa cháy phù hợp, đối với khu vực sạc xe điện quy định tại khoản c, điểm 1, Điều 22 (Phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện). Theo Phó Phòng Quản lý Đô thị Quận 3 Trần Hải Nguyên, yêu cầu khu vực sạc điện riêng cho nhà ở gia đình hiện nay là điều kiện khó khả thi, nếu xảy sự cố liên quan đến pin xe điện sẽ dễ bùng phát nguy cơ lan chuyền cháy nổ.
Góp ý về áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, Phó Phòng Quản lý Đô thị Quận 3 Trần Hải Nguyên cho rằng, cần bổ sung quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam chưa quy định phải áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn áp dụng tiêu chuẩn phải có đánh giá bảo đảm tính tương thích, đồng bộ, tuân thủ với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng điều hành góp ý dự án Luật.
Góp ý về quy định chuyển tiếp, một số ý kiến cũng cho rằng, thực tế hiện nay trên địa bàn Quận 3 tồn tại 41 công trình không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy phải xử lý theo quyết định của HĐND TP, trong đó có 19/29 chung cư xây dựng trước năm 1975. Vì vậy, hoàn thành việc khắc phục trước 1/7/2025 là không thể kịp tiến độ.
Góp ý về lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Trung tá Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng Khoa Quản lý hành chính và Trật tự xã hội, Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân cho rằng, Điều 37 quy định về lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gồm 4 lực lượng (lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở; lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành; lực lượng dân phòng) là kế thừa các quy định hiện hành.
Tuy nhiên, theo Trung tá Nguyễn Văn Hải, thực tế hiện nay tại cơ sở, công an cấp xã là lực lượng tiếp nhận tin báo đầu tiên và cũng là lực lượng chỉ huy tại chỗ khi có mặt tại nơi xảy ra cháy. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã quy định công an xã có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng cháy chữa, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Do vậy, đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm lực lượng công an cấp xã vào Điều 37 quy định về lực lượng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Góp ý về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, một số ý kiến cho rằng, cần giao Chính phủ quy định chi tiết về việc “ngăn cách” tại điểm b, khoản 1, Điều 19 quy định “Khu vực kinh doanh có nguy cơ cháy nổ phải được ngăn cách với khu vực để ở”, để tránh sự tùy tiện, không thống nhất trong hướng dẫn, kiểm tra, xử lý trên thực tế.
Trung tá Nguyễn Văn Hải góp ý dự án Luật.
Góp ý về quy định về cứu nạn, cứu hộ, đại diện Cảng vụ Hàng hải Tp. Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Văn Tân đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động cứu hộ trên biển phải tính đến cứu hộ về môi trường, hoạt động cứu hộ phải đảm bảo bảo vệ môi trường; bổ sung thêm hoạt động cứu hộ hàng hải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cứu hộ để phù hợp với thực tiễn thông lệ và các quy định quốc tế.
Các đại biểu dự Hội thảo cũng đã có những ý kiến đóng góp, bổ sung vào Dự thảo Luật trong các vấn đề liên quan đến yêu cầu phòng cháy, chữa cháy khi lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch xây dựng; quy định cụ thể, rõ ràng hơn về lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở cơ sở; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong xử lý công trình xây dựng không đảm bảo quy định về phòng cháy, chữa cháy…
Kết luận tại hội thảo, đồng chí Hà Phước Thắng ghi nhận và đánh giá cao các đại biểu thống nhất dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, các đại biểu đóng góp thêm một số nội dung về giải thích từ ngữ, bố cục dự thảo luật, một số vấn đề liên quan đến quy hoạch trong phòng cháy, chữa cháy; quy định trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân, chính quyền địa phương trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, rà soát các luật liên quan để tránh các vấn đề mâu thuẫn khi luật ban hành và tạo điều kiện thuận lợi đầu tư cơ sở vật chất phòng cháy, chữa cháy…