Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với UBND TP. Đà Nẵng

11/09/2024

Sáng 11/9, Đoàn khảo sát chuyên đề “việc thực hiện Luật Thanh niên về chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2020 - 2023” do Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ dẫn đầu đã làm việc với UBND TP. Đà Nẵng.

Đoàn công tác của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo báo cáo của UBND TP. Đà Nẵng, thời gian qua, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của Đà Nẵng rất được chú trọng. Thành phố đã hỗ trợ cho 27 lượt doanh nghiệp, trong đó hỗ trợ trực tiếp kinh phí cho 19 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với tổng kinh phí hơn 3,673 tỷ đồng để hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm khởi nghiệp, sử dụng các dịch vụ và ươm tạo, phát triển các dự án khởi nghiệp; hỗ trợ 8 lượt doanh nghiệp. Việc triển khai chương trình ươm tạo, tăng tốc với tổng kinh phí 1.414 triệu đồng, bình quân mỗi vườn ươm đã thực hiện ươm tạo, tăng tốc cho 6-8 dự án/năm. Luỹ kế đến nay, đã ươm tạo được 172 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó gần 70% các dự án, doanh nghiệp do thanh niên làm chủ. Hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố đã phát triển cơ bản với các trụ cột chính: Cơ quan nhà nước - viện nghiên cứu, trường đại học - tổ chức hỗ trợ - cộng đồng doanh nghiệp và các chủ thể liên quan khác.

Phát biểu tại phiên khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai có nêu một số thắc mắc: “Đà Nẵng báo cáo số lượt hỗ trợ doanh nghiệp là 27, ươm tạo được 172 dự án khởi nghiệp. Vậy số doanh nghiệp đã nhận hỗ trợ chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố. Và việc hỗ trợ, việc hỗ trợ trực tiếp kinh phí đã đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp hay chưa?”. Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cũng đề nghị Đà Nẵng cần đánh giá cụ thể hơn về các hệ sinh thái khởi nghiệp, thu hút được bao nhiêu lượt tham gia, bao nhiêu dự án đã triển khai thành công? Đà Nẵng cần phải phân loại một cách rõ ràng để có đánh giá hiệu quả.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai 

Uỷ viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Văn Huy cũng băn khoăn, quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đầu mối thì quá trình phối hợp có gì vướng mắc không? Qua giám sát, có các trường hợp khởi nghiệp chia sẻ những trường hợp vướng về pháp lý khiến hợp đồng không được thanh toán. Vậy hoạt động hỗ trợ đồng hành, hỗ trợ bảo vệ pháp lý cho các doanh nghiệp này được thực hiện như thế nào?

Về các vấn đề được nêu trong buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP. Đà Nẵng Lê Thị Thục cho biết, Đà Nẵng cũng có nhiều hoạt động để khơi dậy, phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với 3 Trung tâm hỗ trợ; 9 vườn ươm; 3 không gian sáng chế; 8 không gian làm việc chung; 6 quỹ đầu tư khởi nghiệp; 10 câu lạc bộ khởi nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng. Hiện nay đang hỗ trợ 1 cách trực tiếp cũng như gián tiếp qua vườn ươm 172 dự án và thành lập được trên 100 doanh nghiệp khởi nghiệp. Tỷ lệ tồn tại của doanh nghiệp khởi nghiêp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Đà Nẵng qua khảo sát hằng năm là khoảng gần 70%. Công tác phối hợp giữa các sở ngành, trung tâm, các trường đại học được thực hiện tốt. Đà Nẵng cũng thực hiện hỗ trợ pháp lý thông qua các trung tâm, các vườn ươm, giúp đỡ các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý, tư vấn xác lập quyền sở hữu trí tuệ…

Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP. Đà Nẵng Lê Thị Thục 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường cho biết: “Hiện nay các dự án khởi nghiệp đang cần không chỉ là vốn, không chỉ về cơ chế mà ngay cả mặt bằng. Hiện nay chúng ta đang bị vướng luật Đầu tư công là không dùng ngân sách nhà nước cho đầu tư công với mục đích cho thuê, trừ trường hợp dư thừa. Giờ các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo khi cho đầu tư như vậy thì mới tập hợp được các công ty. Nên Nghị quyết 136 hiện có thuận lợi là cho Đà Nẵng được đầu tư công và cho thuê trở lại kết cấu hạ tầng cùa công nghệ thông tin”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường 

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 136 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có 4 nhóm chính sách đặc thù về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mang tính đột phá, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, vướng mắc hiện nay.  Thứ nhất là nhóm chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để tạo môi trường thuận lợi, tăng tính cạnh tranh quốc tế, thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố và thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đến với TP. Đà Nẵng; Thứ hai là nhóm các chính sách về hỗ trợ phát triển các dự án khởi nghiệp sáng tạo để thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là ở giai đoạn còn non yếu, đối mặt với nhiều rủi ro thách thức của thị trường, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, tạo đà phát triển cho giai đoạn tiếp theo; Thứ ba là chính sách cho phép thử nghiệm có kiểm soát, dưới hình thức cấp phép có thời hạn đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo để tạo điều kiện, môi trường thuận lợi đánh giá, hoàn thiện công nghệ trong điều kiện thực tế nhằm khuyến khích tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, trong một số lĩnh vực, vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, nhằm mang lại giá trị, hiệu quả để phát triển doanh nghiệp, sản phẩm dịch vụ và đóng góp vào sự phát triển chung của Thành phố; Thứ tư là chính sách khai thác tài sản kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với nội dung quy định về cơ chế chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo được sử dụng các không gian đổi mới sáng tạo, cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu phát triển. Đây cơ chế rất cần thiết để giúp các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn non trẻ, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các vườn ươm doanh nghiệp có không gian để làm việc, sản xuất thử sản phẩm, phát triển dự án, hoàn thiện công nghệ cũng như có cơ hội tiếp cận, kết nối với các nguồn lực chuyên gia, nguồn lực tài chính để phát triển doanh nghiệp. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường cho biết, Đà Nẵng đang khẩn trương xây dựng, cụ thể hoá các nội dung trong Nghị quyết 136 để trình HĐND thành phố xem xét, sớm thông qua.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Tạ Văn Hạ

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Tạ Văn Hạ đánh giá cao nỗ lực của Thành phố với quyết tâm cao, đi tắt đón đầu trong việc phát triển phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn. Đà Nẵng đã tạo ra được hệ sinh thái khởi nghiệp năng động; có những vườn ươm, có những không gian chung cho các hoạt động này; nhiều chính sách ưu đãi được quy định rõ trong Nghị quyết 136; tạo môi trường sống, môi trường làm việc lý tưởng để thu hút các nhà đầu tư; kết nối quỹ đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực…

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Tạ Văn Hạ đề nghị thành phố Đà Nẵng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức sơ kết, tổng kết giai đoạn thực hiện chính sách khởi nghiệp; cụ thể hoá nội dung Nghị quyết 136 của Quốc hội; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng cường, hỗ trợ về nhiều mặt cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả, bền vững./.

Mỹ Phượng

Các bài viết khác