Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình khảo sát kết quả Chương trình OCOP tại huyện Lệ Thủy

17/09/2024

Sáng 17/9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Bình tổ chức khảo sát "Tình hình, kết quả triển khai thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2018-2024" tại huyện Lệ Thủy. Đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì với sự tham gia của ĐBQH Trần Quang Minh; đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và huyện Lệ Thủy.

ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND TỈNH QUẢNG BÌNH THĂM HỎI, TRI ÂN CÁC GIA ĐÌNH LIỆT SĨ

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Lệ Thủy.

Huyện Lệ Thủy hiện có 30 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 7 sản phẩm đạt 4 sao và 23 sản phẩm đạt 3 sao. Đoàn ĐBQH tỉnh đã trực tiếp khảo sát tại Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Anh Minh (xã Dương Thủy), có 1 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 3 sao; HTX nông sản Vân Di (Mai Thủy), có 1 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 3 sao và HTX sản xuất và nuôi trồng nấm sạch An Xá (Lộc Thủy) có 1 sản phẩm 3 sao.  

Đại diện các HTX đã báo cáo với Đoàn ĐBQH về những kết quả đạt được, khó khăn trong quá trình triển khai và có các kiến nghị, đề xuất đối với Đoàn ĐBQH tỉnh, các sở, ban, ngành.

Theo đó, thời gian qua, các HTX đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của tỉnh, Sở NN-PTNT, huyện Lệ Thủy và các địa phương. Sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng, được công nhận OCOP, được người tiêu dùng đón nhận, từng bước khẳng định vị trí trên thị trường và có tiềm năng phát triển. Các HTX đã sử dụng tốt nguồn lao động, nguồn nguyên liệu trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Đại biểu thăm cơ sở sản xuất của HTX nông sản Vân Di (Mai Thủy).

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, đa số các ý kiến đều mong muốn tỉnh, huyện và cơ quan liên quan tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng cơ sở sản xuất, đầu tư nâng cấp trang thiết bị máy móc, mở rộng vùng nguyên liệu, nâng cao sản lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, đại diện các HTX cũng đề xuất Đoàn ĐBQH có ý kiến xem xét nâng thời hạn công nhận sản phẩm OCOP từ 3 năm lên 5 năm; tăng cường các kênh quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ; hỗ trợ quá trình làm hồ sơ đánh giá công nhận sản phẩm OCOP…

Qua khảo sát thực tế và nắm bắt tình hình, đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Minh Tâm khẳng định: Khảo sát kết quả Chương trình OCOP là hoạt động quan trọng, cần thiết phục vụ cho việc theo dõi, giám sát tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, nhất là việc xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Đồng chí đánh giá cao những kết quả nổi bật của huyện Lệ Thủy trong thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2024. Ghi nhận ý kiến của đại diện các HTX, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình sẽ tổng hợp, lựa chọn những nội dung phù hợp để đề xuất các sở, ban, ngành chức năng xem xét, điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động và phát triển sản phẩm OCOP, góp phần thực hiện tốt các nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực này trong thời gian tới.

(Theo báo Quảng Bình)

Các bài viết khác