Kết luận của UBTVQH về việc xem xét kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”

02/10/2024

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký ban hành Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xem xét kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

UBTVQH xem xét Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội

Theo đó, ngày 23/9/2024, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” và kết luận như sau:

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Đoàn giám sát để hoàn thành nhiệm vụ giám sát do Quốc hội giao; đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, sự tham gia tích cực, hiệu quả của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Kiểm toán nhà nước, các chuyên gia để hoàn thiện báo cáo giám sát, chuẩn bị bước đầu dự thảo Nghị quyết giám sát. Đến nay, những vấn đề chính trong báo cáo giám sát cơ bản đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất về quan điểm, nhận thức, thực trạng, kiến nghị, đề xuất giữa Đoàn giám sát với các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện Báo cáo tóm tắt, Báo cáo đầy đủ, dự thảo Nghị quyết và Video về kết quả giám sát để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Trên cơ sở báo cáo bổ sung của Chính phủ, rà soát thông tin, số liệu, dẫn chứng để hoàn thiện Báo cáo và các Phụ lục trình Quốc hội, trong đó lưu ý những nội dung sau:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”

(1) Chỉnh lý thống nhất về hình thức, bố cục, cách trình bày giữa hai nội dung của Báo cáo kết quả giám sát về quản lý thị trường bất động sản và về phát triển nhà ở xã hội; làm rõ hơn những ưu điểm trong thực hiện chính sách, pháp luật cũng như chủ trương của Đảng về quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội.

(2) Làm rõ những chuyển biến trong thực hiện chính sách, pháp luật ngay trong quá trình giám sát; phân loại các tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội tại Phụ lục 2 của Báo cáo theo 2 nhóm: (i) Nhóm đã được nhận diện và điều chỉnh bởi các luật mới ban hành như Luật Đất đai năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2024, Luật Nhà ở năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật đó; (ii) Nhóm các nội dung cần tiếp tục được nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ.

Hoàn thiện nội dung về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với những tồn tại, hạn chế.

Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về chuyên đề giám sát thể hiện tổng quát kết quả giám sát với các kiến nghị phù hợp, cụ thể, khả thi. Bảo đảm việc hoàn thiện quy định pháp luật phải theo hướng tôn trọng quy luật thị trường, nguyên tắc phát triển bền vững, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế của các quy định pháp luật hiện hành. Hướng tới phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, cân đối cung - cầu, đa dạng hóa các sản phẩm bất động sản, bảo đảm an sinh nhà ở nói chung và phát triển nhà ở xã hội nói riêng; bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc chỉ đưa vào Nghị quyết giám sát những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao.

(3) Đối với Video về kết quả giám sát, cần tiếp tục hoàn thiện, bám sát và thể hiện tóm tắt nội dung kết quả của cuộc giám sát bằng hình ảnh phù hợp thời lượng không quá 15 phút; bảo đảm cân đối giữa kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, đúng phạm vi chuyên đề giám sát; báo cáo Lãnh đạo Quốc hội trước khi phát hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

3. Đề nghị Chính phủ khẩn trương thực hiện các công việc sau:

(1) Hoàn thiện Phụ lục 2 và Phụ lục 9 dự thảo Báo cáo kết quả giám sát theo đề nghị tại Công văn số 679/ĐGS-KT ngày 18/9/2024 của Đoàn giám sát; có ý kiến cụ thể đối với các đề xuất, kiến nghị của các Bộ, ngành và địa phương, cơ quan, tổ chức, bám sát yêu cầu tại Mục 2(2) của Kết luận này.

Bổ sung, hoàn thiện các đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể hơn để giải quyết những tồn tại, hạn chế đã nêu tại Báo cáo giám sát, bảo đảm khả thi và phù hợp với tính chất của Nghị quyết giám sát trong đó bao gồm các đề xuất, kiến nghị cụ thể để giải quyết việc triển khai dự án bất động sản vướng mắc, kéo dài, giải pháp về kiểm soát dòng vốn tín dụng bất động sản, việc thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp, việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, việc đơn giản hóa thủ tục mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội, đơn giản hóa thủ tục gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, việc giảm giá nhà ở trên thị trường để bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, tập trung tháo gỡ những dự án gặp khó khăn, vướng mắc, cải tạo, xây dựng chung cư cũ, hoàn thiện quy định về quản lý, sử dụng đất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nghiên cứu, hướng dẫn xử lý các trường hợp, phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa không còn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp.

Ý kiến của Chính phủ gửi lại Đoàn giám sát chậm nhất ngày 30/9/2024.

(2) Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Đoàn giám sát để trao đổi, cung cấp thông tin, hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội.

(3) Sớm báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền và trên cơ sở đó hoàn thiện hồ sơ đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở, trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

(4) Khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các các dự án bất động sản, nhà ở xã hội gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài, pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi trên cơ sở đánh giá đầy đủ lợi ích - chi phí và tính khả thi của phương án giải quyết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, đồng thời giải phóng nguồn lực cho thị trường bất động sản, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đối với những dự án đã có kết luận của cấp có thẩm quyền về phương án tháo gỡ, đề nghị sớm hoàn thiện hồ sơ đề xuất trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Đối với những dự án khác, đề nghị tiếp tục rà soát, phân loại và xây dựng phương án giải quyết, ban hành theo thẩm quyền cơ chế giải quyết phù hợp, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

4. Giao Đoàn giám sát phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện Báo cáo giám sát, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Giao Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với Thường trực Ủy ban Kinh tế, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Thường trực Đoàn giám sát chỉ đạo công tác truyền thông đầy đủ về các nội dung giám sát và hoạt động của Đoàn giám sát qua các kênh thông tin của Quốc hội và các cơ quan thông tấn, báo chí khác, bảo đảm thông tin đầy đủ tới đông đảo người dân và doanh nghiệp./.

Trọng Quỳnh