Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông làm việc với Công an tỉnh về một số dự án trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV

07/10/2024

Chiều 07/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông làm việc với Công an tỉnh về một số dự án trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV. Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai chủ trì buổi làm việc.

Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông lấy ý kiến góp ý các dự án luật trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV

 Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các đại biểu thảo luận lấy ý kiến góp ý về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật dữ liệu.

Thảo luận về dự án Luật phòng chống mua bán người (sửa đổi),p các đại biểu cho rằng sau hơn 12 năm thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ nhiều bất cập, nhiều quy định không còn phù hợp với điều kiện, tình hình kinh tế xã hội hiện nay như việc hỗ trợ đối với nạn nhân chưa được cấp giấy xác nhận; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống mua bán người; hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống mua bán người… Nhiều quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người còn chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu chặt chẽ dẫn đến khó khăn trong thực hiện như chưa có quy định về chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quả trình tiếp nhận nạn nhân lấy lời khai hoặc hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội... đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác này và đặt ra vấn đề cần sửa đổi Luật, nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống mua bán người và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Việc sớm xác định nạn nhân mua bán người để thực hiện các công tác hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho họ ổn định về tâm lý, sớm hòa nhập với cộng đồng, giúp họ có việc làm và thu nhập ổn định được xã hội đặc biệt quan tâm. Tránh tình trạng nạn nhân bị mặc cảm về tâm lý, bị người thân, xã hội xa lánh dễ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, gặp khó khăn trong cuộc sống, dễ bị các đổi tượng xấu lợi dụng, quay lại trở thành đối tượng lừa bán người.

Tình hình mua bán người diễn biến phức tạp. Trước đây đối tượng nhắm đến chủ yêu vẫn là phụ nữ kết hôn trái pháp luật, hợp đồng hôn nhân có thời hạn. Tuy nhiên hiện nay không chỉ phụ nữ và trẻ em mà còn mở rộng đối tượng cả nam giới theo hình thức cưỡng bức lao động, dụ dỗ vào đường dây tội phạm lừa đảo.

Công tác phát hiện còn gặp nhiều khó khăn do các đối tượng thực hiện việc mua bán người tận dụng triệt để mạng xã hội đưa ra những phương thức thủ đoạn mới, tinh vi gây khó khăn để xác định chính xác danh tính tội phạm. 

Các đại biểu đóng góp ý kiến về các Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Dữ liệu.

Hiện nay, hành vi mua bán bào thai chưa được quy định tại Luật hình sự, đại biểu kiến nghị cần bổ sung chế tài quy định về việc mang thai hộ phục vụ mục đích mua bán để mang tính răn đe. Bên cạnh đó, Luật hình sự mới chỉ quy định về cá nhân liên quan đến việc mua bán người nhưng trong thực tiễn hiện nay nhiều công ty núp bóng mua bán người nên cần bổ sung thêm đối tượng về pháp nhân thương mại, tránh bỏ lọt tội phạm. Ngoài hình phạt tù, hiện nay có quy định về phạt hành chính từ mức 20 -100 triệu đồng khoản 4, điều 150 Luật hình sự 2015 đối với việc mua bán người. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng lợi nhuận từ việc mua bán người rất cao nên nâng thêm mức phạt.

Thảo luận về Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), các đại biểu kiến nghị các cấp có thẩm quyền đầu tư trang thiết bị thêm cho lực lượng này để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ. Đồng thời đề xuất xã hội hoá PCCC&CHCN, kịp thời cho chủ chương về cơ chế, chính sách đầu tư để khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng và phát triển cơ sở hạ tâng, kỹ thuật về PCCC, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất, mua sắm phương tiện, thiết bị PCCC & CNCH.

Bên cạnh đó, các đại biểu còn kiến nghị một số vấn đề cần điều chỉnh tại dự thảo Luật PCCC&CNCH như: Cần cụ thể hóa nội dung ban hành nội quy, quy định về PCCC & CNCH để mọi người thực hiện và là một trong những điều kiện đảm bảo an toàn PCCC & CNCH. Tại điểm a khoản 1 Điều 19, đề nghị bổ sung cụm từ "ban hành nội quy, quy định" viết thành như sau: "a) Có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn và ban hành nội quy, quy định về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ."

Để phù hợp với nội dung Điểm b Khoản 3 Điều 7 - Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động PCCC & CNCH. Tại Khoản 6 điều 21, đề nghị bổ sung nội dung: "Hoặc phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong phạm vi quản lý". Viết lại như sau: "Thành lập lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở hoặc lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành hoặc phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật".

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội  tỉnh Đắk Nông, Dương Khắc Mai phát biểu.

Thực hiện đúng nguyên tắc PCCC & CNCH là "Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ". Trong đó: Hàng năm có một lượng chiến sỹ hoàn thành nghĩa vụ Công an nhân dân phục vụ trong lực lượng PCCC&CNCH được trở về địa phương công tác hay Cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC & CNCH nghỉ hưu, nghỉ chế độ còn sức khỏe, có kinh nghiệm và đã được đào tạo về nghiệp vụ PCCC và CNCH, đây là một lực lượng tinh nhuệ có thể giúp sức trong công tác chữa cháy và CNCH tại địa phương nơi cư trú. Tại khoản 2 Điều 40, đề nghị bổ sung thêm nội dung: "Khuyến khích người đã từng tham gia lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, người có chuyên môn về PCCC & CNCH và chuyên môn tham gia hoạt động PCCC & CNCH tình nguyện tại địa phương nơi cư trú".

Tại điểm a khoản 1 Điều 46, đề nghị bổ sung thêm đối tượng được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC&CNCH: "Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phụ trách công tác PCCC (nếu có)" và "Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp". Đây là những người có vai trò, trách nhiệm chính trong công tác PCCC & CNCH thuộc phạm vi quản lý của mình cần được bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC & CNCH để hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các quy định, cũng như để nâng cao trách nhiệm trong công tác.

Thảo luận về Luật dữ liệu, các đại biểu cho rằng thời đại số phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì dữ liệu là một nguồn tài sản quý. Luật dữ liệu ra đời sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững và minh bạch, giúp tạo hành lang pháp lý cho các bên liên quan. Hiện tại việc quản lý dữ liệu tại Việt Nam đang còn bị phân tán nên thời gian tới, khi Luật được hoàn thiện sẽ tạo bước phát triển mới. Hiện nay đã có quy định về cung cấp thông tin nhưng trong thực tiễn khi phá những vụ án liên quan đến lừa đảo qua không gian mạng, có số điện thoại và số tài khoản tuy nhiên thời gian để xác minh kéo dài nhiều tháng khiến cho tội phạm có cơ hội tẩu tán, xoá dấu vết gây khó khăn trong việc điều tra. Có đại biểu kiến nghị cần có quy định về những trường hợp khẩn cấp để phối hợp giữa các đơn vị một cách nhanh chóng, giải quyết cho người dân.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó trưởng Đoàn Dương Khắc Mai đánh giá cao những ý kiến đóng góp chất lượng, sát với tình hình thực tiễn của các đại biểu thảo luận về một số dự án Luật. Các ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp để trình lên kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.  

Lệ Quyên

Các bài viết khác