Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Dữ liệu

18/10/2024

Ngày 14/10/2024, tại Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu. Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần vừa ký ban hành văn bản số 4410/TB-TTKQH Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.

Luật Dữ liệu góp phần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia

Kết luận nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu; đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật của Chính phủ; Hồ sơ dự án Luật cơ bản đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo dự án Luật, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm tra dự án Luật bảo đảm khách quan, toàn diện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh và ý kiến tham gia của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 theo quy định. Trong đó, đề nghị tập trung một số nội dung như sau: 

1. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể chế đầy đủ, cụ thể quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu.

2. Tiếp tục rà roát, hoàn thiện nội dung dự thảo Luật, bám sát các chính sách xây dựng luật đã được Quốc hội thông qua; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Một số nội dung mới đang trong quá trình phát triển thì chỉ nên quy định có tính nguyên tắc và giao Chính phủ thí điểm hoặc quy định chi tiết để tổ chức thực hiện.

- Đề nghị thuyết minh làm rõ hơn Báo cáo đánh giá tác động về những chính sách đề xuất để bảo đảm tính khả thi; bổ sung, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết theo quy định phù hợp với nội dung của dự thảo Luật.

- Làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với dữ liệu số, dữ liệu truyền thống và dữ liệu tồn tại dưới các dạng khác; tiếp tục rà soát để có sự phân biệt phạm vi điều chỉnh với các luật hiện hành như Luật Giao dịch điện tử, Luật Cơ yếu… và các dự án luật cùng trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 hoặc đang trong quá trình soạn thảo như: dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân… bảo đảm tránh chồng chéo, mâu thuẫn, khó triển khai và khó thực hiện khi Luật Dữ liệu có hiệu lực thi hành.

- Rà soát các quy định về áp dụng Luật Dữ liệu bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp có nội dung đặc thù cần phải áp dụng riêng thì chỉ rõ và có những điều khoản riêng để quy định việc áp dụng.

- Tiếp tục nghiên cứu, cung cấp thêm kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là những nước có thể chế chính trị, kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam làm cơ sở để nghiên cứu, học hỏi trong quá trình xây dựng dự án Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

- Nghiên cứu làm rõ và quy định cụ thể hơn về chính sách đặc thù đối với người làm công tác dữ liệu trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội.

- Nghiên cứu bổ sung một số quy định liên quan đến dữ liệu xuyên biên giới để kiến tạo dòng chảy dữ liệu, giúp tiếp cận được với các thị trường, các chuỗi cung ứng, nguồn lực tài chính quốc tế, bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian số, dữ liệu mở, phù hợp với các thỏa thuận quốc tế.

- Cân nhắc việc xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia và Sàn giao dịch dữ liệu; nghiên cứu thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng để quy định bảo đảm phù hợp; làm rõ các nguồn thu để hình thành Quỹ và các nội dung chi từ Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia bảo đảm cân đối, phù hợp với thực tiễn và phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan, nhất là pháp luật về ngân sách nhà nước.

- Thuyết minh làm rõ sự cần thiết xây dựng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và mối quan hệ với cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu chuyên ngành được xây dựng, khai thác phục vụ công tác quản lý nhà nước bảo đảm không trùng lắp, việc khai thác, kết nối phát huy hiệu quả, tránh lãng phí; đồng thời đánh giá tác động về chi ngân sách nhà nước cho việc xây dựng, đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật công nghệ, nhân lực để triển khai hoạt động của Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo tại phiên họp.

- Làm rõ khái niệm và cơ cấu, tổ chức, hoạt động của Trung tâm dữ liệu quốc gia; đánh giá rõ hơn về hiệu quả xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, việc bảo mật dữ liệu, các phương án ứng phó, giải quyết những rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động của Trung tâm dữ liệu quốc gia; nghiên cứu hệ thống dự phòng cho các trung tâm dữ liệu quốc gia để quản lý thông tin dữ liệu theo vùng; đồng thời góp phần giảm tải trong quá trình hoạt động.

- Rà soát nội dung quy định về giải thích từ ngữ; nguyên tắc xử lý và nguyên tắc bảo vệ dữ liệu; các hành vi bị nghiêm cấm; sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu, thị trường dữ liệu, sàn giao dịch điện tử bảo đảm phù hợp, thống nhất, tránh chồng chéo với các quy định hiện hành của hệ thống pháp luật.

3. Chính phủ có ý kiến chính thức bằng văn bản về việc dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của cơ quan chủ trì thẩm tra; việc tiếp thu phải có phương án cụ thể, rõ ràng; việc giải trình phải có cơ sở lý luận chặt chẽ, căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn rõ ràng gửi Ủy ban Quốc phòng và An ninh để hoàn thiện Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội.

4. Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan hoàn thiện Báo cáo thẩm tra dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Trọng Quỳnh