Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung

23/10/2024

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 23/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Tổng thuật chiều 23/10: Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung

Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiếp thu, chỉ đạo rà soát, bỏ cụm từ “di sản tư liệu” tại phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn quy định cụ thể cơ chế, biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình di sản này.

Đối với ý kiến đề nghị quy định rõ hơn các loại hình sở hữu di sản văn hóa; quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí công nhận và nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; cơ chế giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có), dự thảo Luật cũng đã chỉnh lý, quy định cụ thể tại Điều 4 của dự thảo Luật. Theo đó, việc xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng; việc xác định, đăng ký và giải quyết tranh chấp về sở hữu di sản văn hóa được thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về dân sự, đất đai, quản lý, sử dụng tài sản công, sở hữu trí tuệ, hình sự và quy định của pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, rà soát, quy định cụ thể, đầy đủ về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa tại Điều 6 dự thảo Luật.

Các đại biểu Quốc hội tại Phiên họp

Bên cạnh đó, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính đặc thù của từng loại hình di sản văn hoá. Theo đó, dự thảo Luật quy định ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho một số hoạt động có tính đặc thù (Điều 7); biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam (Điều 19); nguồn nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 84); đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 85); điều kiện bảo đảm cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có nguồn lực nhà nước, xã hội hóa và các điều kiện khác (Điều 82, Điều 90).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật chỉnh lý, hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đề xuất quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại dự thảo Luật

Đối với nội dung về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động thực sự cần thiết, có tính đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa nhưng ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được, như: Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền; bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước... Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác; ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ.

Toàn cảnh Phiên họp

UBTVQH đề xuất quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại dự thảo Luật, đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ về sự cần thiết, cơ sở pháp lý và thực tiễn; rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng: Quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, bổ sung quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương.

Bảo đảm tính thống nhất của quy định thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa

Về ý kiến cho rằng quy định về thanh tra di sản văn hóa đã được quy định tại Luật Thanh tra và quy định khác của pháp luật có liên quan, do đó nếu quy định như dự thảo Luật sẽ dẫn đến chồng chéo, UBTVQH đã có văn bản gửi Chính phủ có ý kiến, đề xuất phương án về sự cần thiết thành lập thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo Luật hay quy định tại Nghị định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, nếu có thành lập thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa.

Ngày 22/10/2024, UBTVQH đã nhận được Công văn số 695/CP-PL của Chính phủ về tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Theo đó, Chính phủ cho rằng, lĩnh vực quản lý nhà nước về di sản văn hóa là lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội. Trên thực tế, một số vi phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa xảy ra nhưng chưa được xử lý hoặc xử lý chưa thỏa đáng, vẫn còn có hiện tượng bị mất di vật, cổ vật; di sản bị xâm hại, làm sai lệch; địa điểm khảo cổ không được bảo vệ; việc xây dựng công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực di tích gây ảnh hưởng xấu đến yếu tố gốc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích. Vì vậy, Chính phủ đề nghị quy định về thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, UBTVQH đã chỉ đạo, rà soát quy định này để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật về thanh tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này gồm 09 chương, 100 điều, giảm 02 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 7./.

Thu Phương – Nghĩa Đức – Phạm Thắng