Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Cần làm rõ các động lực tăng trưởng mới để phát triển kinh tế - xã hội

26/10/2024

Phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ 3 về tình hình kinh tế - xã hội sáng 26/10, Ủy viên Trung uơng Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2024, trong đó có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn một số khó khăn, thách thức, đồng thời làm rõ các động lực tăng trưởng mới để khắc phục các điểm nghẽn, thúc đẩy KT - XH phát triển trong thời gian tới.

Thảo luận tại Tổ 3: Nhận diện rõ nguyên nhân để có giải pháp hiệu quả, thúc đẩy kinh tế phát triển

Quang cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 3

Nhiều điểm sáng trong thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024

Phát biểu thảo luận tại Tổ 3 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ngãi, Nghệ An và Bắc Giang) về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, lần này thông điệp của Thủ tướng trong báo cáo của Chính phủ rất mạnh mẽ và có nhiều ý tưởng mới. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, khu vực và nước ta diễn biến phức tạp, Báo cáo đánh giá của Chính phủ, UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội đều cơ bản thống nhất là kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục có xu hướng phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng đồng tình với nhận định này. 

Nhấn mạnh điểm sáng thứ nhất là tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu không có cơn bão số 3 vừa qua thì GDP nước ta không chỉ ước đạt khoảng 7% mà có khả năng cao hơn. Nhưng do cơn bão số 3 và ảnh hưởng thiên tai, có thể giảm 0,15% đến 0,2 %, dự báo GDP có thể ước đạt 6,8%. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ lo ngại có thể mục tiêu này khó đạt được do tình hình thiên tai ở nước ta năm nay tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kết quả đạt được mục tiêu nêu trên.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận

9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát trong điều kiện tăng lương tối thiểu ở mức cao; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đã được Quốc hội cho phép. Thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại tiếp tục có xu hướng giảm”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các điểm sáng.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức tăng trưởng cao là điểm sáng thứ hai của kinh tế Việt Nam năm 2024.

Điểm sáng thứ ba là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, thi hành pháp luật được đặc biệt quan tâm. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần đổi mới mạnh mẽ tư duy về xây dựng pháp luật, “nếu cứ cá biệt hóa các điều luật, đưa các trường hợp cá biệt vào luật thì rõ ràng tuổi thọ của luật không thể dài”. Sau Hội nghị lần thứ 10 của BCH Trung ương và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là cần tiếp tục dành ưu tiên hơn, quyết liệt hơn trong đổi mới tư duy về xây dựng pháp luật.

Các đại biểu Quốc hội tham dự Phiên thảo luận

Nhấn mạnh điểm sáng thứ tư là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng điện có bước đột phá mới, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, hạ tầng viễn thông, hạ tầng số được thúc đẩy phát triển, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số, nhất là Đề án 06 đạt kết quả nổi bật – đây là điểm sáng trong chuyển đổi số.

Ngoài ra, các nhiệm vụ khác về an sinh xã hội, đặc biệt là cuộc vận động chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; các chế độ chính sách như tăng lương, các chính sách về an sinh xã hội cho các đối tượng giáo viên và các đối tượng khác được quan tâm. Cùng với đó, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội cơ bản được ổn định và tiếp tục được tăng cường, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành một loạt các luật về lĩnh vực quốc phòng - an ninh rất cụ thể, đây là cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ từ sớm, từ xa. Không những thế, công tác đối ngoại cũng là một điểm sáng.

Còn nhiều khó khăn, thách thức cần được tháo gỡ

Bên cạnh những thành tựu cơ bản nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng chỉ rõ hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn một số nội dung sau:

Thứ nhất, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tăng trưởng cao nhưng chưa phản ánh đúng thực chất những khó khăn tiềm ẩn của nền kinh tế. Số liệu là linh hồn của các nhận định, đánh giá. Nếu số liệu mà không chuẩn xác thì các nhận định, đánh giá sai và chiến lược sai. Cho nên đề nghị cần rà soát lại để bảo đảm tính chính xác của số liệu”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Năm 2024, hiện nay chủ yếu tập trung cho xuất khẩu, đầu tư công nhưng đầu tư công lại giải ngân chậm. Băn khoăn về tính hiệu quả của đầu tư công, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, một trong 3 động lực tăng trưởng hiện nay là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Xuất khẩu và đầu tư công có triển vọng nhưng quan trọng nhất là sức mua trong nước còn hạn chế. Câu hỏi đặt ra là sức mua của người tiêu dùng giảm hơn so với cùng kỳ năm trước (7,8%). Và nhà đầu tư, người dân đã tìm đến kênh đầu tư an toàn là mua vàng dự trữ.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, tăng trưởng cao nhưng chưa phản ánh đúng thực chất những khó khăn tiềm ẩn của nền kinh tế

Nếu nói rằng người dân không có tiền thì không phải, vàng giá rất cao nhưng không có để mua; thời kháng chiến rủi ro quá, người dân phải mua vàng để tích trữ, nhưng tại sao thời bình, người dân vẫn mua vàng để cất, không dám đầu tư dù chính sách đầu tư rất thông thoáng, cởi mở thì phải xem xét lại”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. Băn khoăn về tình trạng mua vàng diễn ra phổ biến và giá vàng tăng cao trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu thêm về chính sách để điều tiết thị trường vàng.

Cùng với đó, lạm phát cũng chịu áp lực lớn hơn trong những tháng cuối năm; xuất khẩu gặp một số rào cản kỹ thuật; giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn thường xuyên, giải ngân vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia quá thấp. Tại sao cùng một về cơ chế, chính sách nhưng nơi giải ngân tốt, nhiều nơi không giải ngân được. May mắn có Nghệ An, Bắc Giang của chúng ta là thuộc số địa phương giải ngân tốt…”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu dẫn chứng. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân trong Báo cáo của Chính phủ về nội dung này.

Thứ ba, thị trường tài chính tiền tệ tiềm ẩn nhiều thách thức, nợ xấu ở mức cao, tỷ giá có giai đoạn biến động bất thường; tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm còn thấp, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế…

Thứ tư, thị trường bất động sản phục hồi nhưng còn khó khan. Tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở.

Thứ năm, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như chậm triển khai Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Thứ sáu, cải cách thủ tục hành chính, công tác xây dựng pháp luật vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Cho rằng đây là câu chuyện về cải cách thủ tục, quy định tiêu chuẩn, tiêu chí, quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội là cần phải “bám trên - sát dưới”.  Phó Chủ Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, “bám trên” là bám vào đường lối, chủ trương của Đảng, luật pháp và nghị quyết Quốc hội, bám vào chính sách để chủ động triển khai. “Sát dưới” thì phải cụ thể, phải đúng vai thuộc bài, cụ thể đến thực tiễn cuộc sống để triển khai tháo gỡ. Công tác xây dựng pháp luật còn hạn chế, nhưng quan trọng nhất vẫn là thủ tục hành chính, quy trình, quy phạm, tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện để tới đây xây dựng luật cũng phải tính đến chuyện này. Có phải thủ tục nào cũng mang hết vào luật không? Tiêu chí, điều kiện có mang hết vào luật không?”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Các đại biểu dự Phiên thảo luận

Thứ bảy, khoa học và công nghệ vẫn gặp nhiều thách thức về nguồn lực tài chính và cơ sở hạ tầng.

Thứ tám, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tiếp tục là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội.

Thứ chín, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Tình trạng thiếu thuốc vẫn tiếp diễn.

Thứ mười, một số loại tội phạm và tình hình trật tự an toàn giao thông có diễn biến phức tạp. Cháy nổ nghiêm trọng, gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân, doanh nghiệp.

Cần làm rõ động lực tăng trưởng mới để phát triển kinh tế

Từ những khó khăn, thách thức nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến các động lực tăng trưởng mới và băn khoăn: “Làm mới động lực tăng trưởng cũ về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu là gì và làm mới như thế nào? Các cơ quan của Trung ương định hình động lực mới này như thế nào?”. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, động lực mới chính là kinh tế số, xanh, tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo, AI, chip bán dẫn. Do đó, Chính phủ cần làm rõ nội dung này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ cần làm rõ các động lực tăng trưởng mới

Trả lời câu hỏi động lực mới là gì và cách làm thế nào, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, đó chính là trách nhiệm các bộ, ngành trên cương vị của mình phải định hướng cụ thể về động lực mới. Và đây là câu chuyện cần tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.

Liên quan đến việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, tới đây có thêm 2 chương trình, đề nghị cần xem xét, tính toán kỹ lưỡng liệu chương trình nào cũng gọi là chương trình mục tiêu quốc gia. Tôi thấy việc nào cũng là việc quan trọng quốc gia nhưng tầm nào thì gọi là chương trình mục tiêu quốc gia, còn tầm nào là chương trình mục tiêu kinh tế - xã hội, củng cố quốc gia? Nếu chương trình do từng bộ, ngành chủ quản thì có nên gọi là Chương trình mục tiêu quốc gia không?”, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn.

Nhấn mạnh đổi mới trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu quan điểm: Cứ tắc chỗ nào thì tháo chỗ đó. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì đưa vào luật, vấn đề nào không thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì để Chính phủ chủ động, tạo không gian thông thoáng để Chính phủ điều hành. Ở tầm chiến lược thì có thể đưa vào luật được, nhưng ở tầm điều hành cụ thể của Chính phủ và của địa phương thì phải đưa vào nghị định, thông tư”./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác