Bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

07/11/2024

Một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trong phiên thảo luận chiều 7/11 là chính sách phát triển điện ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Sửa đổi Luật Điện lực cần có tầm nhìn để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới

Sửa đổi Luật Điện lực: Bổ sung các quy định cải cách thị trường điện hiện đại, xứng tầm

Nhấn mạnh việc cung cấp điện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao đời sống và thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các vùng còn khó khăn của nước ta, đại biểu Hoàng Đức Chính – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đánh giá, việc cung cấp điện cho những vùng này đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Do đây là những địa bàn có địa hình hiểm trở, phức tạp, chi phí đầu tư lớn trong khi hiệu quả kinh tế mang lại thấp do sản lượng tiêu thụ điện thấp và việc bảo trì lưới điện khó khăn.

Đại biểu Hoàng Đức Chính – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Bên cạnh đó, các dự án đưa điện đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước và các chương trình hỗ trợ, tài trợ, trong khi nguồn ngân sách này có giới hạn và không thể đáp ứng đủ nhu cầu cho tất cả các khu vực trong thời gian ngắn....

Từ những lý do nêu trên, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các dự án điện tại nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trong đó, việc sửa đổi cần kế thừa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn đầu tư, lãi suất vay vốn đầu tư và các ưu đãi về thuế được quy định của luật hiện hành và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đại biểu tham dự Phiên họp

Nhà nước có cơ chế hỗ trợ là đối với các dự án điện mặt trời, điện gió, điện thủy triều, điện sinh khối và thủy điện nhỏ vì các dự án này phù hợp với điều kiện địa lý và tài nguyên sẵn có của các địa phương miền núi, hải đảo và có thể được triển khai dễ dàng hơn so với việc kéo điện lưới quốc gia.

Bổ sung chính sách đào tạo và nâng cao kỹ năng cho người dân địa phương để họ có thể tham gia vào vận hành và bảo trì hệ thống điện tại địa phương mình. Bổ sung quy định giá mua điện ưu đãi cho các dự án điện ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo để khuyến khích các nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia. Xây dựng các chính sách hỗ trợ giá bán điện từ các nguồn năng lượng tái tạo ở miền núi, hải đảo đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư khi cung cấp điện tại các khu vực này.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre 

Cũng quan tâm đến quy định về phát triển điện ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tại Điều 24, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho biết, tại khoản 5 Điều 24 dự thảo Luật quy định: “Dự án đầu tư tại thôn, xã đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt theo Luật Đầu tư”. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng “xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo” (theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15 tháng 03 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025) cho đầy đủ và đồng bộ để địa phương dễ triển khai thực hiện.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang 

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) được thiết kế theo hướng sửa đổi quy định giá điện nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo - và giao Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh - đáp ứng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính sách an sinh xã hội cho khu vực khó khăn, kinh tế thấp. Đây là vấn đề rất thiết thực. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất tại những khu vực ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hiện nay - chính là vấn đề thiếu nguồn điện lưới quốc gia.

Do đó, đại bểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu có những quy định cụ thể, chi tiết tại Điều 24 của dự thảo luật. Theo đó,  bên cạnh nguồn lực Nhà nước, cần có giải pháp thu hút các nguồn lực đầu tư, góp phần đảm bảo nguồn cung cấp điện; đồng thời, hướng đến mục tiêu bao phủ lưới điện quốc gia tại những địa bàn nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Lan Hương - Nghĩa Đức - Phạm Thắng

Các bài viết khác