Phối hợp chặt chẽ để đạt mục tiêu giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma tuý

08/11/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều ngày 8/11, Quốc hội thảo luận tại Tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tham gia thảo luận tại tổ 12 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình và Bắc Kạn.

Thảo luận Tổ 12: Xây dựng cơ sở pháp lý đồng bộ về mô hình tổ chức chính quyền đô thị trên phạm vi cả nước

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 12

Thảo luận tại Tổ, các đại biểu bày tỏ nhất trí về sự cần thiết trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý đến năm 2030; nhấn mạnh việc xây dựng Chương trình nhằm cụ thể hóa thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các cam kết quốc tế về phòng, chống và kiểm soát ma túy; tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, trọng tâm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống ma túy.

Các đại biểu cũng cho rằng, việc xây dựng Chương trình cũng nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và người dân cùng tham gia với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống ma túy, đồng thời, tăng cường nguồn lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra với công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới, góp phần quan trọng trong bảo vệ sức khỏe mỗi cá nhân, duy trì giống nòi, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.

Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị rất công phu, cơ bản đầy đủ, đã tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước, có hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên

Đưa ra ý kiến tại phiên thảo luận Tổ, đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đánh giá, giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình phòng, chống ma túy đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tuyên truyền phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện ma túy, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai nghiện. Mặc dù được đầu tư ngân sách để công tác phòng, chống ma túy đạt được hiệu quả nhưng thời gian qua, tình hình ma túy trong nước diễn biến rất phức tạp và khó lường với số vụ, đối tượng và tang vật bắt giữ có xu hướng tăng qua các năm, gây tác hại đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, sức khỏe của con người. Do đó, việc đầu tư Chương trình sẽ đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân.

Quan tâm tới các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2030, đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho biết, tại điểm c khoản 1 Điều 1 quy định một số chỉ tiêu đạt mức tuyệt đối như các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy phấn đấu phát hiện, triệt phá 100%; 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy phát hiện được triệt phá. Băn khoăn về chỉ tiêu trên, đại biểu đặt vấn đề liệu chỉ tiêu đề ra đạt mức tuyệt đối 100% có phải là cao, khó thực hiện hay không? Để đạt được các chỉ tiêu đề ra trong Chương trình thì việc bố trí nguồn lực để thực hiện có đủ bảo đảm hay không? Do đó, đại biểu cho rằng chỉ tiêu đề ra phải tính đến khả năng thực thi và khả năng hoàn thành; đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình nêu ra trong Nghị quyết, cân nhắc việc đặt chỉ tiêu hợp lý để bảo đảm triển khai thi hành, bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng cần đưa thêm chỉ tiêu giảm tỷ lệ tái nghiện bởi qua thực tiễn cho thấy quá trình đánh giá, rà soát phát hiện người nghiện đưa đi cai nghiện rất tốn kém nhưng tỷ lệ tái nghiện rất cao. Do đó, cần đưa thêm chỉ tiêu này vào trong dự thảo Nghị quyết, từ đó tạo ra môi trường tốt để khi người cai nghiện về không bị kỳ thị, tạo công ăn việc làm, tăng cường động viên và tăng cường quản lý, giám sát.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn đại biểu Quốc hội Ninh Bình

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn đại biểu Quốc hội Ninh Bình nêu rõ, chương trình đã xác định ba mục tiêu cụ thể là giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy, trong từng mục tiêu đều xác định chỉ tiêu cụ thể và chi tiết để phấn đấu hoàn thành. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá tính hợp lý, khả thi của các chỉ tiêu được đề xuất; đặc biệt cần rà soát lại những chỉ tiêu đang đề xuất có tính chất tuyệt đối là đạt 100% để đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Đối với các dự án thành phần, đại biểu nhận thấy tiểu dự án 4 của dự án 7 đang hướng tới đối tượng thụ hưởng là người lao động tại các khu công nghiệp mà chưa đề cập đến lao động tại khu vực phi chính thức là những đối tượng có công việc, thu nhập không ổn định, thường sống tập trung tại một số khu vực có điều kiện sinh hoạt không đảm bảo. Đây cũng là những đối tượng dễ bị lôi kéo, dụ dỗ vào các tệ nạn xã hội. Do đó, đại biểu cho rằng cần có hỗ trợ truyền thông, giáo dục về phòng, chống ma tuý. Cùng với đó, ngoài Công đoàn Việt Nam thì cần đề cập đến sự tham gia của các tổ chức khác cũng như vai trò, trách nhiệm của gia đình trong phổ biến, giáo dục về phòng, chống ma tuý để đảm bảo phù hợp, toàn diện.

Về triển khai thực hiện Chương trình, các đại biểu đều cho rằng, để công tác phòng, chống ma túy hiệu quả, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Hiện nay, giáo dục, tuyên truyền, vận động là giải pháp căn bản; muốn không có tệ nạn ma túy thì gia đình, nhà trường, xã hội phải cùng vào cuộc. Do đó, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ thực hiện Chương trình cho các tổ chức chính trị - xã hội, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động để toàn dân tham gia phòng, chống ma túy bằng ý thức tự giác. Đồng thời đề nghị rà soát nội dung khen thưởng để kịp thời khen thưởng cá nhân trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy. Đề nghị Chính phủ sớm chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình đảm bảo chất lượng, phù hợp, kịp thời và hiệu quả.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, tác hại và hậu quả của ma tuý rất khôn lường đối với giống nòi, sức khoẻ, an ninh con người, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, không chỉ riêng Việt Nam mà còn là vấn đề chung của toàn thế giới. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng hơn nội dung hoạt động, phân công trách nhiệm của các dự án, nhất là các tiểu dự án để đảm bảo rõ trách nhiệm của cơ quan phụ trách, rõ kết quả nhưng phải gắn kết các tiểu dự án với nhau. Nếu không có quản trị sự phối hợp của các dự án thì hiệu quả của Chương trình sẽ không đạt mong muốn đề ra.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, 8 Bộ, ngành chủ trì các dự án thành phần vừa phải hoàn thành trách nhiệm vừa phải phối hợp rất chặt chẽ thì mới đạt được mục tiêu giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại và hiệu quả của công tác phòng, chống ma tuý mới đạt kết quả cao. Đồng thời cần rà soát kỹ lưỡng các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình để không trùng lắp với các Chương trình khác hiện nay đang thực hiện.

Đại biểu Hoàng Duy Chinh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn

Cũng tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Theo đó, các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012 nhằm góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo; khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quảng cáo; góp phần xây dựng thị trường quảng cáo ở Việt Nam phát triển, vì lợi ích chung của xã hội.

Đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), các đại biểu bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Luật; hồ sơ dự án Luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 này. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các luật khác, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật; rà soát phạm vi điều chỉnh để không chồng chéo với một số luật như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Quản lý ngoại thương. Cùng với đó nghiên cứu, bổ sung quy định về đầu tư phát triển, đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực chuyên môn cao; khuyến khích đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các loại hóa chất ít độc hại cho môi trường và sức khỏe con người, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 12

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Các đại biểu tham dự

Đại biểu Hoàng Duy Chinh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn

Minh Thành

Các bài viết khác