RÀ SOÁT CÔNG TÁC CHUẨN BỊ THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG

20/08/2021

Chiều ngày 20/08, tại Trụ sở 22 Hùng Vương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã chủ trì buổi làm việc, kiểm tra tiến độ chuẩn bị của Ban soạn thảo và Ủy ban Quốc phòng và An ninh đối với hồ sơ dự án Luật Cảnh sát cơ động.

 

Tham dự buổi làm việc có Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cùng các đồng chí Thường trực Ủy ban. Về phía Ban soạn thảo Luật, có sự tham dự của Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban soạn thảo; lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động; Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an.

Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là dự án luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để cho ý kiến xem xét, thông qua theo quy trình 2 kỳ họp.

Trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có phiên làm việc với Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, trong đó có Ủy ban Quốc phòng và An ninh về việc chuẩn bị các dự án luật trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trong đó có dự án Luật Cảnh sát cơ động. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Đây là một trong những luật đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV thì phải đạt độ mẫu mực. Mở đầu cho một nhiệm kỳ đổi mới công tác lập pháp thì phải tốt hơn, đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư là nhiệm kỳ sau tốt hơn nhiệm kỳ trước. Đánh giá hoạt động của Quốc hội là từ hoạt động của các Ủy ban trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước thì việc thực hiện 3 chức năng cơ bản đó đều phải tốt”.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã nghe Báo cáo, thảo luận về những vấn đề quan trọng cơ bản trong công tác chuẩn bị để bảo đảm cho phiên thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh tới đây. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chuẩn bị tốt nội dung này cũng là để chuẩn bị trước những vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể đặt ra, nêu cao trách nhiệm tiếp thu giải trình đối với dự án Luật. Vì vậy, hội nghị này nhằm rà soát các điều kiện cần và đủ cho việc tổ chức hội nghị thẩm tra sơ bộ của Ủy ban.

Về việc khảo sát phục vụ công tác thẩm tra dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu tình hình dịch bệnh giảm hơn thì mới triển khai. “Những nơi Ban soạn thảo đã đi thì mình không đi lại, nên đi những chỗ khác để có bức tranh tổng thể về dự án luật này, từ đó có cơ sở thực tiễn để đưa vào sự cần thiết ban hành Luật, thẩm tra các điều luật cho phong phú hơn”, Phó Chủ tịch Quốc hội gợi ý.

Theo Trung tướng Phạm Quốc Cương - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, về quá trình xây dựng dự án Luật Cảnh sát cơ động, Bộ Công an đã triển khai theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ đã tiến hành thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập để triển khai dự thảo, các văn bản thuộc hồ sơ dự án Luật; tổ chức lấy ý kiến Công an các đơn vị, địa phương, các Bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân các địa phương; đăng tải hồ sơ dự án luật trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để xin ý kiến rộng rãi trong nhân dân.

Theo Trung tướng Phạm Quốc Cương, cơ bản các ý kiến tham gia góp ý đối với dự án Luật đều nhất trí sự cần thiết và nội dung xây dựng. Bên cạnh đó, Bộ Công an đã thành lập các đoàn khảo sát với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị để khảo sát thực tế tại các đơn vị Cảnh sát cơ động. Bộ Công an đã hoàn thiện hồ sơ dự án luật gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Trung tướng Phạm Quốc Cương cho biết, tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật ngày 29/6/2021, các thành viên Chính phủ nhất trí với các nội dung cơ bản của dự án Luật và giao cho Bộ Công an phối hợp với các bộ có liên quan để chỉnh lý hoàn thiện dự án luật. Ngày 23/7/2021, Bộ Công an đã tổ chức cuộc họp với các bộ ngành để tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ. Tại cuộc họp, các Bộ ngành có liên quan đã thống nhất với phương án tiếp thu chỉnh lý của Bộ Công an đối với dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, không còn ý kiến khác nhau. Hồ sơ dự án Luật đã được gửi tới Ủy ban Thường vụ quốc hội để phục vụ công tác thẩm tra theo quy định.

Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban soạn thảo Luật Cảnh sát cơ động.

Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban soạn thảo Luật Cảnh sát cơ động, cũng khẳng định, Ban soạn thảo luật đã vào cuộc rất sớm, tích cực, trách nhiệm với tinh thần rà soát kỹ, tiếp thu, kế thừa tối đa những nội dung đang còn giá trị của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động để xây dựng, nâng lên thành luật. Trong quá trình xây dựng hồ sơ dự án luật, có sự phối hợp rất thuận lợi của các đơn vị liên quan.

“Tôi đã có 2 lần báo cáo Thường trực Chính phủ, Chính phủ về dự án luật này thì đa số các ý kiến tham gia của các bộ ngành đồng tình rất cao về việc cần thiết xây dựng luật Cảnh sát cơ động” - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết thêm, đồng thời khẳng định Ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc.

Thiếu tướng Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh

Về phía Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, để chuẩn bị các điều kiên bảo đảm để phục vụ Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Cảnh sát cơ động, Thường trực Ủy ban đã phối hợp với Ban soạn thảo chuẩn bị nội dung, tài liệu dự án luật; trao đổi thống nhất phương pháp và một số nội dung cần tiếp tục chuẩn bị để phục vụ phiên họp. Đến nay, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có một số phiên họp để xây dựng kế hoạch thẩm tra sơ bộ dự án luật này. Theo chương trình, dự án luật Cảnh sát cơ động sẽ được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 3 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9/2021, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV.

Kết luận buổi làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, một lần nữa nhấn mạnh đây là một trong những dự án Luật đầu tiên trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến, vì vậy cần triển khai xây dựng dự án luật một cách nghiêm túc, chặt chẽ, mẫu mực để tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác lập pháp của Quốc hội trong thời gian tới.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, phát biểu kết luận buỏi làm việc 

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng Ban soạn thảo rà soát hồ sơ dự án Luật, bảo đảm đầy đủ tài liệu theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc thẩm tra sơ bộ phải chặt chẽ, khách quan, toàn diện làm cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. Bên cạnh đó, cần có dự kiến các phương án trong quá trình tổ chức khảo sát, thẩm tra, phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19./.

Khắc Phục