Tham dự tọa đàm có: Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; các đồng chí nguyên là đại biểu Quốc hội các khóa, nguyên lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các chuyên gia, nhà khoa học.
Đổi mới mạnh mẽ để giám sát thực sự trở thành trọng tâm trong các hoạt động của Quốc hội
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội là một yêu cầu bức thiết đặt ra nhằm đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn. Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như Nghị quyết 161/2021/QH14 của Quốc hội khóa XIV được thông qua tại Kỳ họp thứ 11, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện những định hướng, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; qua đó, thể hiện ý chí quyết tâm đổi mới toàn diện cũng như đề cao vai trò, trách nhiệm của Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong việc không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội.
Nhấn mạnh lĩnh vực giám sát được xác định là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, ngày 02/8/2021 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 265/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ hoạt động giám sát để giám sát thực sự trở thành trọng tâm trong các hoạt động của Quốc hội.
Để xây dựng Đề án này, Ban Chỉ đạo Đề án đã đưa ra một số yêu cầu cụ thể; đồng thời, tổng hợp ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo đã tổ chức họp 2 Phiên họp để cho ý kiến bước đầu về dự thảo Đề án.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì Tọa đàm
Khẳng định giám sát là một trong 3 chức năng quan trọng của Quốc hội được Hiến định, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, từ khi thành lập đến nay, chính sách pháp luật về hoạt động giám sát từng bước được hoàn thiện, đặc biệt trong 02 nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, XIV. Sau khi Quốc hội thông qua Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Quy chế hoạt động giám sát của Quốc hội, trong đó cụ thể hóa nhiều quy trình, thủ tục tiến hành các hoạt động giám sát. Đồng thời, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết và thực hiện nhiều cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó có hoạt động giám sát để triển khai có hiệu quả Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 và các quy định có liên quan.
Trên cơ sở đó, hoạt động giám sát tiếp tục được tăng cường, có nhiều đổi mới và từng bước chuyên nghiệp hơn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nguyện vọng của cử tri cả nước và yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, cả trong chính sách, pháp luật cũng như trong tổ chức thực hiện. Do đó, dư địa để tiếp tục đề xuất những giải pháp đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội vẫn còn nhiều, để làm sao giám sát của Quốc hội “phải làm đến nơi, đến chốn¸có bằng chứng cụ thể, có đánh giá sát, đúng với từng lĩnh vực, xác định trách nhiệm giải trình của tập thể, cá nhân, đưa ra kiến nghị, đề xuất sắc sảo và cũng phải theo dõi cả việc tổ chức thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát” như phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị triển khai toàn quốc về Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.
Gợi mở nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu quan tâm, tập trung thảo luận về những nội dung đổi mới thiết thực, có tính khả thi cao, theo đó tập trung cải tiến cách thức thực hiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả chức năng giám sát của Quốc hội trong thời gian tới, từ việc xây dựng Chương trình giám sát cho đến việc triển khai các hoạt động giám sát như: xem xét báo cáo, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, xem xét việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề, giám sát văn bản quy phạm pháp luật…
Quy rõ và xác định trách nhiệm cụ thể
Thảo luận tại tọa đàm, đa số ý kiến các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của Ban chỉ đạo Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội trong quá trình xây dựng dự thảo. Tán thành với sự cần thiết xây dựng Đề án cũng như cấu trúc, nội dung cơ bản của dự thảo Đề án, một số ý kiến cho rằng, dự thảo đã nghiên cứu, đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trên tất cả các hoạt động giám sát (xem xét báo cáo; chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát chuyên đề; lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm; xem xét việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề; xem xét các kiến nghị giám sát không được thực hiện; giám sát giải quyết giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri; giám sát văn bản quy phạm pháp luật; giải trình;….) đồng thời đưa ra được nhiều đề xuất/kiến nghị cụ thể, sát thực.
Góp ý vào nội dung cụ thể của dự thảo Đề án, một số ý kiến đại biểu nhấn mạnh, Đề án cần có tính đột phá hơn nữa để phát huy vai trò, tính chủ động của Đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; nhấn mạnh vai trò trung tâm của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội là chủ thể trong hoạt động giám sát; cá thể hóa trách nhiệm cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện các kết luận giám sát;…
GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại Tọa đàm
Cho ý kiến tại tọa đàm, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần bổ sung nội dung về vai trò, chức năng giám sát của Quốc hội để nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động giám sát. Đồng thời, cần có đánh giá kỹ lưỡng hơn trên hai phương diện bao gồm, giám sát tối cao và giám sát của các cơ quan Quốc hội, Đại biểu Quốc hội.
Theo PS.TS Trần Ngọc Đường, khi đánh giá về thực trạng hoạt động giám sát của Quốc hội cần đặt trong mối quan hệ với các chức năng khác của Quốc hội, đó là chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động giám sát, coi trọng phối hợp giữa giám sát mang tính quyền lực của Quốc hội với giám sát mang tính xã hội của Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nhấn mạnh chất vấn là phương thức giám sát hiệu quả nhất, được nhân dân và cử tri đồng tình ủng hộ, PGS. TS Trần Ngọc Đường kiến nghị, trong quá trình chất vấn phải tập trung vào đối tượng chất vấn để truy trách nhiệm đến cùng.
Quan tâm đến nội dung tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn, TS. Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động chất vấn là yêu cầu cần thiết khách quan của Quốc hội, làm cho bộ máy nhà nước vững mạnh hơn, các chức danh cấp cao trong bộ máy hoạt động hiệu quả hơn, tinh thần trách nhiệm cao hơn.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động này, TS. Bùi Ngọc Thanh đề nghị cần đổi mới việc lựa chọn vấn đề và nhóm vấn đề chất vấn. Theo đó, để lựa chọn tốt nhóm vấn đề chất vấn, phải quy định một số nguyên tắc như: Số lượng vấn đề chất vấn phải phù hợp với thời lượng dành cho một chức danh bị chất vấn; Các vấn đề được lựa chọn chất vấn có mối quan hệ trực tiếp với nhau; Là những vấn đề bức xúc nhất hiện tại, hoặc tồn đọng lâu ngày không giải quyết, những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm; Là những nhiệm vụ quan trọng của đất nước, chi phối mạnh đến sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội;…
Phát biểu tại tọa đàm, TS.Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, Quốc hội là thiết chế chính trị, những vấn đề giám sát của Quốc hội là giám sát ở tầm chính trị/góc độ chính trị. Công cụ để Quốc hội tiến hành giám sát là sử dụng các công cụ của chế độ hội nghị như: tranh luận, chất vấn, điều trần, …. Đối với những vấn đề giám sát gắn với các chuyên môn cụ thể, ưu tiên tổ chức các phiên điều trần tại Ủy ban.
PGS. TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho ý kiến tại Tọa đàm
Đồng tình với quan điểm giám sát của Quốc hội ở tầm chinh trị, tuy nhiên PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, mục tiêu/kết quả của giảm sát phải làm rõ trách nhiệm. Theo PTS.TS Lê Minh Thông, vấn đề quan trọng đặt ra là các kết luận giám sát. Theo đó, kết luận giám sát phải định vị được chế độ trách nhiệm của các chủ thể chịu sự giám sát như thế nào?
“Đặc biệt chú trọng đến kết luận giám sát trong đó chú trọng đến vấn đề nhận diện rõ trách nhiệm của tập thể, tổ chức, cá nhân; việc này ai chịu trách nhiệm và như vậy Quốc hội nếu cần thiết làm rõ trách nhiệm có thể chuyển hồ sơ cho các cơ quan có thẩm quyền. Nếu làm được như vậy, hiệu lực giám sát sẽ cao hơn, …..”, PGS.TS Lê Minh Thông cho biết.
Tại hội thảo, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến cho rằng cần chú trọng và đẩy mạnh hoạt động hậu giám sát. Để thực hiện tốt hoạt động hậu giám sát, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, ông Lê Như Tiến kiến nghị, chú trọng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng đặc biệt của hoạt động hậu giám sát; nâng cao năng lực của đại biểu Quốc hội; nâng cao chất lượng các kết luận giám sát; hoàn thiện các quy định của pháp luật về hoạt động hậu giám sát; áp dụng chế tài phù hợp để tăng tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động hậu giám sát;…
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến phát biểu tại Tọa đàm
Cũng tại tọa đàm, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần tăng cường và có cơ chế cụ thể về sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành vào các đoàn giám sát của Quốc hội; làm rõ phạm vi giám sát của Quốc hội; Xác định rõ hơn trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban trong thực hiện hoạt động giám sát; Công khai kết luận giám sát của Quốc hội trên các phương tiện thông tin đại chúng; Phối hợp giữa các hình thức giám sát (giám sát tối cao với chất vấn; giám sát chuyên đề phải kết hợp với giám sát vụ việc); thành lập Ủy ban lâm thời nghiên cứu điều tra về 1 vấn đề nhất định;…
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến phát biểu tâm huyết, trí tuệ của các vị đại biểu. Qua ý kiến phát biểu, cho thấy, giám sát là một trong 3 chức năng quan trọng của Quốc hội, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã xác định “việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”,…
Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội là một quá trình liên tục, Quốc hội khóa nào cũng có những cải tiến, đổi mới. Nhờ đó, Quốc hội ngày càng hoạt động thực chất hơn, hiệu quả hơn, dân chủ hơn, được dư luận cử tri và Nhân dân ngày càng tín nhiệm, tin tưởng. Tuy nhiên, tính đến nay, chưa có một Đề án riêng nghiên cứu về đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội. Trước yêu cầu ngày càng cao về đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát để góp phần khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc xây dựng Đề án là một đòi hỏi khách quan, cần thiết. Việc tiếp cận Đề án được triển khai theo hướng nghiên cứu, đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trên tất cả các hoạt động giám sát dựa trên cơ sở đánh giá thực tiễn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu kết luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Tọa đàm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần chủ động trong hoạt động giám sát, cụ thể: chủ động dự báo, nắm bắt tình hình, chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa và chủ động phối hợp chặt chẽ; tiếp tục đổi mới, sáng tạo để hoạt động giám sát thật sự mẫu mực, tạo dấu ấn, lan tỏa cảm hứng hành động; giám sát phải đúng và trúng, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và đề xuất sửa đổi chính sách, pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, cần phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động giám sát của Quốc hội. Công tác giám sát phải được tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ. Đổi mới phải xuất phát từ thực tiễn hoạt động giám sát của Quốc hội, được lựa chọn một cách thận trọng, khách quan, khoa học, bảo đảm khả thi; phải gắn với công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Bên cạnh đó, cách đặt vấn đề xây dựng Đề án cần bám sát theo các hoạt động giám sát được quy định trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để tránh bỏ sót, bảo đảm phản ánh toàn diện tất cả các hoạt động giám sát của các chủ thể giám sát; đánh giá thực trạng ngắn gọn, lựa chọn những vấn đề trọng điểm, có số liệu và minh chứng để chứng minh. Trên cơ sở đó, rút ra nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm để đề xuất những kiến nghị, giải pháp thiết thực, có tính khả thi.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu xác định rõ những vấn đề nổi lên qua thực tiễn đã có kiểm nghiệm để xây dựng, áp dụng đặc biệt phân định rõ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát thường xuyên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, trong đó xác định chủ thể chính, quan trọng tiến hành hoạt động giám sát vẫn là Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Về tiến độ của Đề án, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại Tọa đàm, Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập khẩn trương nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa, hoàn thiện Đề án, báo cáo Lãnh đạo Quốc hội; đồng thời, chuẩn bị Tờ trình về Đề án để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần thứ nhất tại phiên họp tháng 3 trước khi gửi xin ý kiến các cơ quan.
*** Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Tọa đàm:
Tọa đàm lấy ý kiến về Dự thảo Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án, Thượng tướng Trần Quang Phương lưu ý đổi mới phải xuất phát từ thực tiễn hoạt động giám sát của Quốc hội, được lựa chọn một cách thận trọng, khách quan, khoa học, bảo đảm khả thi; phải gắn với công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước
TS.Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động chất vấn là yêu cầu cần thiết khách quan của Quốc hội, làm cho bộ máy nhà nước vững mạnh hơn, các chức danh cấp cao trong bộ máy hoạt động hiệu quả hơn, tinh thần trách nhiệm cao hơn
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh phúc đề nghị cần công khai kết luận giám sát của Quốc hội trên các phương tiện thông tin đại chúng
TS.Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, Quốc hội là thiết chế chính trị, những vấn đề giám sát của Quốc hội là giám sát ở tầm chính trị/góc độ chính trị
Nguyên Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đỗ Văn Đương đề nghị, phối hợp giữa các hình thức giám sát (giám sát tối cao với chất vấn; giám sát chuyên đề phải kết hợp với giám sát vụ việc)
TS.Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng cần xác định rõ hơn trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban trong thực hiện hoạt động giám sát cũng như làm rõ phạm vi giám sát của Quốc hội
TS.Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng cần chú trọng thành lập Ủy ban lâm thời nghiên cứu điều tra về 1 vấn đề nhất định.
Ông Nguyễn Anh Sơn, nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định khóa XIII tán thành với nhiều nội dung cơ bản tại dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần nâng cao chất lượng các kết luận giám sát, tăng cường phối kết hợp giữa các phương thức giám sát.