PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: 109 DỰ ÁN CHẬM TIẾN ĐỘ, KHÔNG THỂ ĐỔ HẾT CHO CƠ CHẾ

21/07/2022

Ngày 20/7, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội, dẫn đầu Đoàn công tác, làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với UBND Tp.Đà Nẵng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc

Tham dự Đoàn giám sát có Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh-Phó Trưởng Đoàn giám sát; các thành viên Đoàn giám sát là lãnh đạo, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội gồm: Ủy ban Tài chính- Ngân sách; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Đoàn giám sát còn có sự tham gia của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ, đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... và các chuyên gia, thành viên Đoàn.

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, giám sát là để xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện việc ban hành, triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đề nghị cần tập trung giám sát việc ban hành văn bản theo thẩm quyền của tỉnh; việc thực hiện các nội dung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP); những kiến nghị, đề xuất về hoàn thiện pháp luật và các giải pháp giải quyết vướng mắc, nâng cao hiệu quả THTK, CLP trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh buổi làm việc

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, trong giai đoạn 2016-2021, hàng năm, căn cứ Chương trình THTK, CLP của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa triển khai và ban hành Chương trình THTK, CLP tại địa phương; trong đó đã tiết kiệm hơn 2.400 tỷ đồng từ cắt giảm bình quân 10% chi thường xuyên và kinh phí hội họp, đi công tác. Về thẩm định dự án đầu tư công, trên 400 dự án sử dụng vốn đầu tư công được trình quyết định chủ trương đầu tư, qua đó đã cắt giảm các chi phí theo đề xuất của chủ đầu tư, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước trên 348 tỷ đồng.

Việc thực hiện giao đất, cho thuê đất cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử của người sử dụng đất, phục vụ cho kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, vẫn có một số nhà đầu tư chậm triển khai thực hiện dự án, không đảm bảo tiến độ đã cam kết, không đưa đất vào sử dụng, sử dụng sai mục đích,…vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật đầu tư. Qua thanh tra 558 dự án được giao đất, cho thuê đất cho thấy, còn 109 dự án chậm tiến độ và vi phạm pháp luật đất đai. UBND tỉnh đã hồi đất 21 dự án, với diện tích gần 90 ha.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Tổ công tác của Đoàn giám sát

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Tổ công tác của Đoàn giám sát cho rằng, việc xây dựng dự toán thu, chi không sát với thực tế nên số vượt thu tăng cao, số chuyển nguồn còn lớn. Đó là tiền đề dẫn đến thất thoát nguồn thu, lãng phí vốn đầu tư. Trong đầu tư công, theo báo cáo của tỉnh thì không có công trình, dự án đã nghiệm thu nhưng không phát huy hiệu quả đầu tư, tuy nhiên báo chí nêu lên 8 công trình dự án triển khai kéo dài, đầu tư không dứt điểm, kém hiệu quả. Vẫn còn 109 dự án, công trình không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, vi phạm luật đất đai. Còn hơn 827ha đất nông, lâm trường bỏ hoang hóa chưa sử dụng. Tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang cũng nhiều.

Ông Vũ Tuấn Anh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội nêu rõ: “Theo Bộ TNMT, tỉnh Thanh Hóa có 110 dự án chậm tiến độ vi phạm Luật đất đai, mới xử lý thu hồi 11 dự án, đề nghị tỉnh rà soát và làm rõ số lượng diện tích dự án phải thu hồi, nguyên nhân, trách nhiệm đối với vấn đề này”…

Các thành viên Đoàn giám sát

Báo cáo của Tổ công tác cũng cho biết, số chi thường xuyên của tỉnh Thanh Hóa năm sau liên tục cao hơn năm trước. Tỷ lệ chi thường xuyên của tỉnh chiếm tỷ trọng cao, tới 62,5% (cao hơn mức bình quân chung cả nước). Từ đây, một số ý kiến cũng đề nghị tỉnh làm rõ tính thực chất của việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên hay tăng dự toán để lại 10% là tiết kiệm?

Ngoài ra, tỉnh cần làm rõ số lượng dự án đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa phê duyệt quyết toán. “Tôi cộng lại thì còn khoảng 200 dự án, đấy là thuộc phạm vi thẩm quyền của tỉnh, còn rất nhiều dự án nhỏ như Chương trình MTQG thì quyết toán thế nào, chưa rõ tiết kiệm lãng phí thế nào?”, ông Đinh Văn Nhã, chuyên gia tham gia Đoàn giám sát đặt câu hỏi.

Còn theo ông Doãn Anh Thơ - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, trong thời gian qua, Kiểm toán đã kiểm tóan 498 dự án tại Thanh Hóa thì thấy có 178 dự án chậm tiến độ, trong đó có những dự án chậm đến 9-10 năm, thậm chí có dự án chậm tới trên 11 năm, do đó cần phân tích rõ nguyên nhân về vấn đề này.

Cũng về vấn đề các dự án chậm tiến độ, ông Nguyễn Hồng Giang, Cục trưởng Cục thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực II, Thanh tra Chính phủ cho biết: “Các anh có báo cáo có 109 dự án chậm tiến độ, trong đó chậm cả tiến độ theo luật Đầu tư, chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng sau 12 tháng, 24 tháng mà chưa xử lý. Chúng tôi sẽ lựa chọn một số công trình dự án trên địa bàn và sẽ tiến hành thanh tra tới đây”.

Ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá

Thay mặt tỉnh Thanh Hóa, ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát và báo cáo của Tổ công tác, đồng thời giải trình có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng có nguyên nhân đến từ bất cập theo quy định Luật đất đai.

“Đến thời điểm mình phát hiện họ sai thì theo quy định được phép gia hạn thêm 24 tháng nữa. Mặc dù có dự án 9-10 năm giao đất nhưng không làm, nhưng trước đó thanh tra, kiểm tra lại không phát hiện ra. Thì đó có lỗi của chính quyền là không kiểm tra. Chúng tôi đang chỉ đạo quyết liệt cái này và hàng quý có báo cáo Thường vụ về việc thu hồi các dự án chậm tiến độ”, ông Đỗ Minh Tuấn cho biết.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Thanh Hóa trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó ngoài nguyên nhân chủ quan còn có những vướng mắc, điểm nghẽn đến từ thể chế, chính sách pháp luật và các văn bản hướng dẫn. Vì vậy, tỉnh cần đề xuất, kiến nghị cụ thể việc hoàn thiện các quy định của pháp luật.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội 

Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội cũng nhấn mạnh, giám sát không phải là việc “bới lông tìm vết” nhưng phải đi đến cùng sự việc, phải làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và quy rõ trách nhiệm, có giải pháp khắc phục. Đoàn giám sát cũng rất quan tâm đến trách nhiệm, nguyên nhân vướng mắc trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trách nhiệm công vụ, thực thi công vụ. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Cái khung xương sống, đó là tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn thì chưa rõ, nên việc kiểm tra, thanh tra và xử lý cũng khó khăn, nhưng cái nào cần xử lý thì vẫn phải xử lý. Vậy có nguyên nhân chủ quan là dĩ hòa vi quý, nể nang, bao che nhau không? Mình cũng phải nhận rõ, chứ không phải đổ hết cho cơ chế”. 

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chuyên đề giám sát nay được Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và cử tri rất quan tâm. Đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục bổ sung thông tin, số liệu, chuẩn hóa số liệu, cố gắng lượng hóa việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đối với những vấn đề đã rõ, "đã chín" thuộc phạm vi thẩm quyền của tỉnh, tập trung chỉ đạo khắc phục, tạo chuyển biến ngay trong quá trình giám sát, không đợi đến khi có ban hành kết luận, nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề này. 

Làm việc với tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực lớn lao, hành động quyết liệt, hiệu quả của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thời gian qua đã vượt khó khăn, thách thức, tận dụng tốt cơ hội, vận hội đạt được nhiều thành quả to lớn trong phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, Thanh Hóa cần nhận thức sâu sắc quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2001-2030, tầm nhìn 2045 và thực hiện Nghị quyết 37 ngày 13/7/222 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây như là một xung lực, như là “cái gậy” để Thanh Hóa tiếp tục khai phá con đường mới, cách làm mới hiệu quả hơn, phát huy tiềm năng để hướng tới mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới của đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý hiệu quả của Nhà nước, trách nhiệm cao của lãnh đạo tỉnh và đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, sự đồng thuận của nhân dân, Thanh Hóa sẽ tiếp tục phát triển trong thời guan tới./.

Khắc Phục

Các bài viết khác