PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: CẦN LÀM RÕ NGUYÊN NHÂN CHỦ QUAN, QUY RÕ TRÁCH NHIỆM TỪNG CẤP, TỪNG NGÀNH, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TRONG TRIỂN KHAI THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

21/07/2022

Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội, sáng nay (21/7), Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát dẫn đầu Đoàn công tác đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Nhiều ý kiến cho rằng, việc chậm rà soát cắt giảm các dự án chậm tiến độ, thiếu vốn là nguyên nhân dẫn tới lãng phí nguồn lực đầu tư.

Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc tại Ninh Bình: Rà soát hiệu quả các dự án sử dụng vốn đầu tư công

Từ năm 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tổ chức lựa chọn gần 6.200 gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước theo quy định.

Về các dự án đầu tư công và sử dụng các nguồn vốn khác, đến ngày 9/12/2021, tỉnh mới có Văn bản đồng ý cắt giảm quy mô, tổng mức đầu tư, xác định điểm dừng kỹ thuật, dừng triển khai để quyết toán đối với 63 dự án có thời gian thực hiện kéo dài, không đảm bảo khả năng cân đối vốn.

Theo các thành viên Đoàn giám sát, việc chậm rà soát cắt giảm các dự án nêu trên gây thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai và nguồn vốn đầu tư đã bố trí.

Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội

Theo ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, việc dừng triển khai thì chắc chắn là phải có quá trình chuẩn bị. Và việc đầu tư một dự án nào đấy ít nhất cũng phải đầu tư, chuẩn bị đầy đủ cả một quá trình… việc dừng không triển khai nữa, coi như toàn bộ quá trình chuẩn bị đấy bị bỏ phí, lãng phí. Đồng thời ngay những dự án dừng kỹ thuật thì trước đó, về mặt mục tiêu, về mặt kết quả đầu ra nó phải khác. Và như vậy, điều này thể hiện chất lượng của khâu xây dựng, phê duyệt, thẩm định dự án có tốt chưa?

Liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư dự án, ông Phạm Văn Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình thừa nhận: “Lãng phí trong công tác chuẩn bị đầu tư là có, nếu nguồn lực chúng ta không đáp ứng được hoặc các công trình mà trong những giai đoạn nhất định mà nó không còn phù hợp, không không hiệu quả thì chúng ta buộc phải xác định điểm dừng kỹ thuật để không ảnh hưởng đến mục tiêu, chúng ta phải tập trung nguồn lực để tạo ra các động lực, các dự án để tạo dữ liệu phát triển thì đây là vấn đề chúng tôi cũng rất là quyết tâm để thực hiện cái này”.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Doãn Anh Thơ - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ: Qua kiểm toán thì 235 dự án được kiểm toán thì có 103 dự án chậm tiến độ. Về vấn đề này, tỉnh cũng cần phải quan tâm trong cái thời gian sắp tới.

Làm rõ về vấn đề dự án chậm tiến độ, ông Phạm Văn Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: “Chúng tôi cũng báo cáo rất rõ, trong 3 năm là kiên quyết kiểm tra để xem xét những dự án chậm tiến độ thì thực hiện các trình tự, thủ tục của thu hồi dự án. Nhưng quả thực hiện nay các đồng chí báo cáo trình tự, thủ tục thu hồi đất, thu hồi các dự án hiện đang vướng giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai”.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát

Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, địa phương là nơi trực tiếp áp dụng thi hành luật và cũng là nơi kiểm chứng chính sách pháp luật. Đề nghị tỉnh Ninh Bình, ngoài việc chỉ ra những mô hình hay thì cần lưu ý làm rõ nguyên nhân chủ quan, quy rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành, người đứng đầu trong triển khai thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Trưởng Đoàn giám sát cũng chia sẻ với tỉnh trước những bất cập về cơ chế chính sách pháp luật, mâu thuẫn chồng chéo khó áp dụng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh: “Hiểu thì ai cũng có thể hiểu tiết kiệm là gì, chống lãng phí là gì…nhưng mà để nó đi vào thực tế, để lượng hóa cho được định mức, tiêu chuẩn, quy chuẩn, cái xương sống của cơ chế chính sách thì lại chưa đủ, chưa rõ và nhiều lĩnh vực còn bỏ trống. Ngoài lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc thì còn lãng phí, mà trong đó “cơ hội” là cái lớn hơn. Có đồng chí đại biểu Quốc hội còn nêu rõ là lãng phí cả niềm tin...”

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Ninh Bình rà soát tất cả các vướng mắc có liên quan đến các luật và văn bản hương dẫn, từ đó, đề xuất việc hoàn thiện chính sách pháp luật một cách cụ thể, rõ ràng với Đoàn giám sát./.

Khắc Phục

Các bài viết khác