Về thiết chế Hội đồng Hiến pháp: Khi QH tự đặt mình vào những kiểm soát theo nguyên tắc kiểm soát quyền lực, sức mạnh của QH được tăng cường

05/09/2013

Ngoài những lý lẽ khác, những ý kiến chưa đồng tình với việc thiết lập Hội đồng Hiến pháp ở Việt Nam thường cho rằng đã có QH gồm 500 đại biểu, hệ thống các cơ quan chuyên trách soạn thảo, thẩm tra các dự án luật, các cơ quan hành pháp cũng có hệ thống các cơ quan soạn thảo và thẩm tra, nên không thể có vi phạm hiến pháp, và vì vậy không cần thành lập Hội đồng Hiến pháp

Không thể vi hiến?

Ngoài những lý lẽ khác, những ý kiến chưa đồng tình với việc thiết lập Hội đồng Hiến pháp ở Việt Nam thường cho rằng đã có QH gồm 500 đại biểu, hệ thống các cơ quan chuyên trách soạn thảo, thẩm tra các dự án luật, các cơ quan hành pháp cũng có hệ thống các cơ quan soạn thảo và thẩm tra, nên không thể có vi phạm Hiến pháp, và vì vậy không cần thành lập Hội đồng Hiến pháp. Người ta cũng so sánh: 500 ĐBQH và hệ thống các cơ quan xây dựng, soạn thảo, thẩm tra pháp luật lại không bằng mười mấy người ở Hội đồng Hiến pháp sao.

Nếu lập luận này có tính thuyết phục, các học giả Mỹ và châu Âu có thể vận dụng để đề nghị cải cách hiến pháp ở các nước của họ theo hướng: do ở các quốc gia này, có các cơ quan lập pháp của họ lại hoạt động thường xuyên, nghị sỹ hoạt động chuyên trách, có bộ máy giúp việc, nên luật khó có thể vi phạm hiến pháp, và do vậy, các nước châu Âu nên bỏ Tòa án Hiến pháp, Pháp nên giải tán Hội đồng Hiến pháp, và Mỹ nên tước quyền bảo hiến của các quan tòa.

Bảo hiến là bảo vệ các giá trị nền tảng

Các cơ quan lập pháp và hành pháp là các cơ quan chính trị. Các thành viên đông đảo và hệ thống các cơ quan khổng lồ của chúng hành động theo các động lực chính trị. Áp lực chính trị - áp lực phải đáp ứng các nhu cầu bức thiết và thường xuyên nảy sinh của xã hội, áp lực của số đông cử tri đối với nhà lập pháp, áp lực quản lý xã hội của nhà hành pháp - có thể làm cho các giải pháp lập pháp - chính sách của cơ quan lập pháp và hành pháp, trong một số trường hợp, có tính chất nhất thời và thiếu sự tương thích với các giá trị có tính chất nền tảng và lâu dài của cộng đồng chính trị, đó là các giá trị nhân văn, nhân phẩm, quyền con người, quyền công dân, công lý được Hiến pháp xác định. Một bản hiến pháp nếu có thể được xem như là luật cơ bản có tính chất ổn định của một quốc gia bao giờ cũng có mục tiêu đặt một số giá trị có tính chất nền tảng - lâu dài ra khỏi sự can thiệp của chính trị đời thường. Nhiệm vụ của cơ quan bảo hiến là bảo đảm cho điều đó được thực hiện - bảo vệ các giá trị nền tảng của hệ thống, bảo đảm cho chính sách, pháp luật không xa rời các giá trị nền tảng đó trước các áp lực của xã hội, của dư luận nhiều khi có tính chất nhất thời.

Cơ quan bảo hiến tập hợp trong nó một bộ phận tinh hoa của một cộng đồng chính trị - các chính trị gia giàu kinh nghiệm và các học giả thâm niên - lùi lại phía sau các áp lực chính trị đời thường, suy xét trên căn bản của các giá trị nền tảng, bằng trải nghiệm và học thức của họ về con người, chính trị, hiến pháp, luật pháp, công lý, đạo đức, đưa ra đánh giá về sự tương thích hay không tương thích của pháp luật và chính sách - thường được xây dựng dựa trên các áp lực thường nhật - đối với các giá trị hiến định có tính chất nền tảng, lâu dài.

Cần Hội đồng Hiến pháp để bảo vệ các giá trị nền tảng

Hiến pháp Việt Nam hiện hành đưa ra những khẳng định đối với các giá trị có tính chất nền tảng của hệ thống như công bằng xã hội (Điều 3), bình đẳng dân tộc (Điều 5), Chính phủ vì dân (Điều 8), tôn trọng pháp luật (Điều 12), bình đẳng trước pháp luật của mọi thành phần kinh tế (Điều 22), tôn trọng quyền con người và quyền công dân (Chương V). Những giá trị này cũng được tái khẳng định và một số được nhấn mạnh thêm trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chúng chính là các giới hạn đối với chính trị đời thường nếu bản hiến pháp thực sự có ý nghĩa là một đạo luật cơ bản- nền tảng có tính chất ổn định cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong một thời gian đủ dài cần thiết. Một cơ quan bảo hiến chuyên biệt như Hội đồng Hiến pháp được thành lập là để bảo đảm cho sự tôn trọng các giá trị nền tảng hiến định đó.

QH là cơ quan đại diện cho cử tri để đưa ra các đạo luật làm sao đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu chung chính đáng của cử tri. Giả sử rằng QH luôn hành động vì cử tri của mình, nhưng đôi khi áp lực của cử tri, áp lực của dư luận xã hội có thể làm cho QH đưa ra các giải pháp lập pháp đáp ứng nhu cầu nhất thời của số đông nhưng có khi lại tiềm ẩn rủi ro thiếu sự tương thích với các giá trị nền tảng có tính lâu dài do Hiến pháp khẳng định. Trong những trường hợp như vậy, cần sự đánh giá về sự tương thích hay không tương thích của một cơ quan bảo hiến chuyên trách như Hội đồng Hiến pháp- một cơ quan tập hợp trong đó các nhà hoạt động chính trị giàu kinh nghiệm nhận được sự tin tưởng rộng rãi của xã hội và các học giả thâm niên nhận được sự công nhận rộng rãi trong cộng đồng học thuật.

Ví dụ, sự gia tăng của tội phạm ấu dâm, gây bức xúc trong dư luận, và điều này dễ đưa nhà lập pháp nghĩ đến giải pháp hình sự nghiêm khắc như- thiến hóa chất - một giải pháp mà người ta có thể đặt vấn đề về sự tương thích của nó với các giá trị nhân văn, nhâm phẩm do Hiến pháp xác định. Hội đồng Hiến pháp cần thiết được thành lập để đưa ra những phán xét trong những trường hợp như vậy.

Các nhà hành pháp và các nhà quản lý hành chính các cấp là những người thực hiện nhiệm vụ quản lý xã hội một cách thường xuyên. Áp lực thường xuyên về quản lý xã hội, áp lực về trật tự xã hội, cũng có thể đưa các nhà quản lý đến các giải pháp có tính chất nhất thời để đáp ứng nhu cầu xã hội và dư luận xã hội. Các giải pháp chính sách đôi khi có tính nhất thời đó tiềm ẩn rủi ro thiếu tôn trọng một hoặc một số giá trị căn bản được Hiến pháp xác lập. Ví dụ, áp lực quản lý trật tự giao thông đã dẫn đến các giải pháp chính sách như hạn chế đăng ký xe máy, giới hạn điều kiện điều khiển xe máy... Và những giải pháp như vậy đã được đánh giá là không tương thích với các giá trị căn bản của Hiến pháp về quyền công dân- trong trường hợp này là liên quan đến quyền sở hữu tư liệu hợp pháp và quyền bình đẳng trước pháp luật. Một giải pháp khác liên quan đến quản lý và giới hạn bán hàng rong cũng được cho là thiếu tôn trọng quyền tự do kinh doanh được Hiến pháp ghi nhận. Một giải pháp khác: siết chặt nhập cư ở một địa phương nọ cũng được cho là thiếu tôn trọng quyền hiến định về tự do cư trú. Trong những trường hợp như vậy, cần một Hội đồng Hiến pháp để đưa ra các phán xét, bảo đảm cho các giá trị hiến pháp được tôn trọng.

Sức mạnh của tự cam kết với kiểm soát

Có một thực tế tưởng như nghịch lý nhưng lại hợp lý: chính những diễn đàn của QH là nơi khởi xướng và ủng hộ đổi mới bảo hiến và thành lập Hội đồng Hiến pháp- một cơ quan có khả năng xem xét tính hợp hiến chính luật của QH. Hội thảo có quy mô lớn nhất đầu tiên về cơ chế bảo hiến do Ban Công tác lập pháp của UBTVQH tổ chức năm 2005 ở Vinh, Nghệ An. Các tờ báo, tạp chí của QH như Báo Đại biểu nhân dân, tạp chí Nghiên cứu Lập pháp là những diễn đàn đăng nhiều bài nhất ủng hộ đổi mới bảo hiến và thành lập Hội đồng Hiến pháp. Trong thảo luận lần thứ nhất về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tuyệt đại đa số các ĐBQH trực tiếp phát biểu ủng hộ việc thành lập Hội đồng Hiến pháp. Trong thảo luận lần hai, cũng có nhiều ĐBQH ủng hộ phương án này, mặc dù có xuất hiện những ý kiến phản đối.

Điều gì giải thích cho sự ủng hộ tại các diễn đàn của QH đối với Hội đồng Hiến pháp? Câu trả lời có thể là: nguyên lý về sức mạnh sinh ra từ sự tự cam kết với kiểm soát. Khi QH tự đặt mình vào những kiểm soát - theo nguyên tắc kiểm soát quyền lực được Đại hội XI của Đảng khẳng định- sức mạnh của QH được tăng cường. Các cuộc đối thoại Hiến pháp với Hội đồng Hiến pháp có thể làm cho các đạo luật của QH phản ánh tốt hơn các giá trị nền tảng, và do vậy củng cố chất lượng luật của QH, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với QH và sức mạnh của QH nói chung.

Nguyên lý về sức mạnh sinh ra từ sự tự cam kết với kiểm soát cũng có hiệu quả đối với các trường hợp khác ngoài QH. Dễ có ấn tượng rằng quyền lực bị kiểm soát sẽ yếu đi. Nhưng điều ngược lại mới là chân lý. Quyền lực thiếu kiểm soát mới trở nên yếu, bởi sự tùy tiện có thể sinh ra từ sự thiếu vắng kiểm soát làm xói mòi dần sức mạnh của quyền lực. Ngược lại, khi quyền lực được kiểm soát vì những mục đích công cộng và các giá trị nền tảng, nó sẽ mạnh thêm do được nhận thêm sự tín nhiệm của người trao quyền. Vì vậy, có lý do chính đáng để cho các chủ thể khác nhau tự đặt mình dưới sự kiểm soát tính hợp hiến của Hội đồng Hiến pháp.

Bùi Ngọc Sơn

(Nguồn: http://daibieunhandan.vn)