Kính thưa: - Các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước,
- Các đồng chí tham dự Hội nghị,
Theo sự chỉ đạo của Thường trực Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi xin trình bày Báo cáo về việc triển khai Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Kính thưa Hội nghị,
Sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng của quốc gia. Ở nước ta, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân nên nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp. Trong lịch sử lập hiến của nước ta, việc xây dựng, ban hành Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 (vào năm 2001) đều tiến hành tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Để bảo đảm việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng, rộng lớn trong nhân dân và cả hệ thống chính trị, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 28 tháng 12 năm 2012, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã ban hành Kế hoạch số 216/KH-UBDTSĐHP ngày 28 tháng 12 năm 2012 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Trên cơ sở nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, ngày 02 tháng 1 năm 2013, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được chỉnh lý đã được công bố để lấy ý kiến nhân dân, đăng tải trên Báo nhân dân, Trang thông tin điện tử htttp://duthaoonline.quochoi.vn.
Thời gian lấy ý kiến kể từ ngày 02/1/2013 đến ngày 31/3/2013.
Mục đích của việc tổ chức lấy kiến nhân dân là nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.
Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1992, bao gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
Đối tượng lấy ý kiến bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và ở địa phương.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến về toàn bộ nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hoặc về một hay một số nội dung cụ thể trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp liên quan trực tiếp đến phạm vi lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức mình và những vấn đề mà cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm; đồng thời gửi ý kiến đóng góp qua cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên để tổng hợp báo cáo Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp hoặc gửi ý kiến đóng góp trực tiếp bằng văn bản đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, số 37 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội (gửi ý kiến đóng góp bằng email đến hộp thư điện tử ubdtsdhp@qh.gov.vn hoặc qua trang thông tin điện tử htttp://duthaoonline.quochoi.vn).
Kính thưa Hội nghị,
Với tinh thần phát huy trí tuệ và quyền làm chủ của nhân dân, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải bảo đảm yêu cầu là tổ chức thảo luận, lấy ý kiến nhân dân với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Các cơ quan thông tấn, báo chí phải phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến của nhân dân; không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Thực hiện mục tiêu của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, theo yêu cầu Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và Kế hoạch của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sau đây:
Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp chủ trì phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Cụ thể là công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và các tài liệu kèm theo để lấy ý kiến nhân dân, bao gồm Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; Bản so sánh giữa Hiến pháp năm 1992 với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; Báo cáo thuyết minh về nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đồng thời phải tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; tổ chức một số đoàn kiểm tra tại một số cơ quan, tổ chức ở trung ương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tổ chức một số hội nghị để lấy ý kiến đóng góp trực tiếp về những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung; tập hợp ý kiến đóng góp của nhân dân, các ngành, các cấp để xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân trình Quốc hội; nghiên cứu tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tổ chức triển khai việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; chỉ đạo Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức lấy ý kiến và xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến của cơ quan mình gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội; tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận cho ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội để gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Chính phủ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức lấy ý kiến và xây dựng Báo cáo kết quả tổng hợp ý kiến của cơ quan, địa phương mình gửi đến Chính phủ; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tổ chức phiên họp chuyên đề của Chính phủ để thảo luận, tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến của Chính phủ để gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm tổ chức việc phổ biến nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong toàn ngành, cơ quan mình; tổ chức Hội nghị cán bộ để lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến của cơ quan mình để gửi đến Chính phủ.
Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các Ban Đảng ở Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước có trách nhiệm tổ chức phổ biến nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong toàn ngành, cơ quan mình; tổ chức Hội nghị của cơ quan mình để lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến của cơ quan, tổ chức mình để gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân ở địa phương và tổ chức việc phổ biến nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ở địa phương; tổ chức họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thảo luận tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp với các thành phần là đại diện Uỷ ban nhân dân cùng cấp và các sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân; các cơ quan tư pháp ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp; đại diện một số đơn vị cấp huyện, cấp xã; một số chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ làm công tác thực tiễn và một số cử tri; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của các sở, ban, ngành và các đơn vị trực thuộc ở địa phương; xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến của địa phương mình để gửi đến Chính phủ và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với cơ quan trung ương của các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức việc phổ biến nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đến các thành viên, hội viên của tổ chức mình; tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp với các thành phần là đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận; đại diện các tổ chức xã hội khác, các đại diện tiêu biểu trong giới nhân sĩ, trí thức, luật gia, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến của tổ chức mình để gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm chủ động triển khai lấy ý kiến các thành viên, hội viên, xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến của tổ chức mình để gửi đến Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thảo luận, lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến, xây dựng Báo cáo kết quả đóng góp ý kiến của tổ chức mình gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thu thập, nghiên cứu ý kiến đóng góp của cử tri để chuẩn bị cho việc thảo luận, thông qua Hiến pháp tại kỳ họp Quốc hội.
Các Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc tổ chức lấy ý kiến ở địa phương; các đại biểu Quốc hội có trách nhiệm thu thập, nghiên cứu ý kiến đóng góp của cử tri để chuẩn bị cho việc xem xét, thảo luận, thông qua Hiến pháp tại kỳ họp Quốc hội.
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm tổ chức việc phổ biến nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong cơ quan, tổ chức mình; tổ chức nghiên cứu và tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến của cơ quan mình để gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm tuyên truyền và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến; mở chuyên trang, chuyên mục về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đưa tin, đăng tin đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan ý kiến đóng góp của nhân dân.
Báo nhân dân, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo quân đội nhân dân, Báo đại biểu nhân dân có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến những nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đến với các tầng lớp nhân dân; mở chuyên trang, chuyên mục để phản ánh, đưa tin, đăng tải những ý kiến thảo luận, đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Về kinh phí phục vụ việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, theo quy định tại Nghị quyết của Quốc hội, khoản kinh phí này sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã thống nhất ý kiến với Văn phòng Quốc hội để kịp thời hướng dẫn về kinh phí tổ chức lấy ý kiến nhân dân, bảo đảm việc tổ chức lấy ý kiến được triển khai đúng tiến độ.
Kính thưa Hội nghị,
Để việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân thiết thực, đạt chất lượng, hiệu quả, yêu cầu đặt ra là Báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phải tập hợp và phản ánh đầy đủ các ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân; đồng thời thể hiện được các nội dung sau đây:
- Đánh giá chung về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp;
- Ý kiến về từng nội dung trong Dự thảo (theo từng chương), trong đó nêu rõ những nội dung tán thành hoặc không tán thành; lý do tán thành hoặc không tán thành; những nội dung cần sửa đổi, hướng sửa đổi và lý do của việc sửa đổi; những nội dung cần bổ sung mới hoặc đưa ra khỏi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp;
- Về bố cục và kỹ thuật xây dựng Hiến pháp.
Với yêu cầu nêu trên, chúng tôi trân trọng đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực, khẩn trương thực hiện các công việc theo tiến độ sau đây :
- Trong thời gian từ 02/01/2013 đến 28/02/2013 : tổ chức một số Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
- Chậm nhất đến ngày 15/3/2013: Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội phải được gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội; Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải được gửi đến Chính phủ; Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải được gửi đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tổng hợp.
- Chậm nhất đến ngày 31/3/2013: Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chính phủ; Toà án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận gửi Báo cáo tổng hợp ý kiến đến Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
- Chậm nhất đến ngày 20/4/2013: Ban biên tập của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình dự thảo Báo cáo kết quả lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và dự kiến những vấn đề cần giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân để chỉnh lý các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để trình Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp xem xét, quyết định.
Kính thưa Hội nghị,
Lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng, rộng lớn trong nhân dân và cả hệ thống chính trị. Với nhận thức đó, rất mong các đồng chí khẩn trương, nghiêm túc triển khai việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với tinh thần thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, đạt yêu cầu chất lượng và tiến độ đã đề ra.
Trân trọng cảm ơn các đồng chí.