PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP TRIỂN KHAI ĐỀ TÀI CẤP BỘ ĐẶC BIỆT “QUỐC HỘI VIỆT NAM 80 NĂM XÂY DỰNG, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN”

20/04/2023

Sáng 20/4, tại Nhà Quốc hội, Ban Chủ nhiệm đề tài cấp bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” tổ chức Phiên họp thứ nhất nhằm triển khai nội dung, kế hoạch nghiên cứu. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học của UBTVQH Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm đề tài chủ trì Phiên họp

PHIÊN HỌP THỨ NHẤT TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI CẤP BỘ ĐẶC BIỆT “QUỐC HỘI VIỆT NAM 80 NĂM XÂY DỰNG, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN”

Toàn cảnh Phiên họp

Tham dự Phiên họp có: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Trưởng ban Ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội...

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Chủ nhiệm đề tài nêu rõ, đây vừa là nhiệm vụ khoa học, vừa là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam, có phạm vi và nội dung lớn, bao quát đến toàn bộ tổ chức và hoạt động của Quốc hội, được đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo và giao nhiệm vụ thực hiện. Viện Nghiên cứu lập pháp là cơ quan thường trực, tham mưu giúp việc; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội là các “thành viên chính”, là cơ quan chủ lực triển khai thực hiện.

 Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học của UBTVQH Nguyễn Khắc Định 

Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, công trình nghiên cứu khoa học có giá trị lịch sử, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu, nội dung nghiên cứu có thể kế thừa và phát triển nhưng cách thức tiếp cận, đề cương chi tiết đề tài phải có sự đổi mới, sáng tạo để có những đánh giá khách quan, toàn diện góp phần tiếp tục đúc rút, phân tích sâu sắc hơn những bài học cốt lõi, xuyên suốt quá trình 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển;...

Báo cáo tại Phiên họp về Đề cương đề tài, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển – Phó Chủ nhiệm đề tài cho biết, Đề tài cấp bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” là nhiệm vụ chính trị quan trọng được Lãnh đạo Quốc hội giao trực tiếp. Nội dung đề tài là sự kế thừa kết quả của các công trình nghiên cứu, các đề án, ấn phẩm đã được thực hiện nhưng phải tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, phát triển, không rập khuôn và đi theo “lối mòn” của các công trình đã có, tạo dấu ấn rõ nét là một công trình nghiên cứu khoa học lập pháp hướng đến kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam.

Do đó, bên cạnh căn cứ chính trị - pháp lý, cần làm rõ căn cứ lịch sử, thông qua các các sự kiện lịch sử, lấy dấu mốc phân kỳ các giai đoạn gắn với 05 bản Hiến pháp, gắn với Luật Tổ chức Quốc hội, trải qua 15 nhiệm kỳ Quốc hội để phân tích, đánh giá làm rõ đặc trưng cơ bản nhất về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động và những thành tựu đạt được của Quốc hội nước ta qua các giai đoạn;...  

Về cấu trúc của đề tài, ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Phụ lục, Tài liệu tham khảo, đề tài có bố cục gồm 8 chương. Trong đó, từ chương 2 đến chương 8: về cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội; về hoạt động lập hiến, lập pháp; về hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; về hoạt động giám sát tối cao; về hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế; về hoạt động dân nguyện và bộ máy tham mưu, giúp việc của Quốc hội.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển

Liên quan đến Kế hoạch triển khai đề tài, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, căn cứ theo đề cương đề tài, Ban Chủ nhiệm đề tài dự kiến phân công Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội thực hiện các nội dung gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. Đối với Chương 2 (Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển về cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội) và Chương 4 (Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển về hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước), do có nhiều nội dung nên phân công cho 2 hoặc nhiều cơ quan cùng phối hợp thực hiện, trong đó đề nghị phân công 01 cơ quan chủ trì.

Tại Phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận về cách thức tiếp cận và phương pháp nghiên cứu; đối tượng, phạm vi nghiên cứu; kết cấu của đề tài; cách thức phân công; kế hoạch triển khai thực hiện;... Đồng thời, góp ý trực tiếp vào nhiều nội dung cụ thể liên quan đến cấu trúc của đề tài; nội dung từng chương của đề tài;...

Qua thảo luận, các ý kiến phát biểu đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, nghiêm túc, bài bản trong xây dựng Thuyết minh, Đề cương chi tiết, Kế hoạch triển khai đề tài. Nội dung đề cương cơ bản đã bám sát mục tiêu, phạm vi nghiên cứu của đề tài, cách tiếp cận của đề tài đã có nhiều điểm mới, kết cấu đề cương tương đối chặt chẽ. Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến góp ý cụ thể vào cấu trúc của đề tài; nội dung chi tiết của từng chương tại đề tài.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, tên Đề tài thể hiện rõ 3 nội hàm về xây dựng, đổi mới và phát triển. Vì vậy, trong quá trình triển khai nghiên cứu cũng cần bám sát và thể hiện rõ cả 3 nội hàm nêu trên.

Liên quan đến cấu trúc đề tài, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà đề xuất, tiếp cận theo chiều dọc để thấy rõ các mục tiêu đặt ra. Theo đó, phần 1 - lý luận, phần 2 - thực tiễn, phần 3 - bối cảnh, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng 

Tán thành với nhiều nội dung cơ bản tại Dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, cần có điểm nhấn trong từng giai đoạn phát triển của Quốc hội. Bên cạnh đó, ngoài việc dựa trên 5 bản Hiến pháp cần phải nghiên cứu thêm các dấu mốc quan trọng khác gắn với hoạt động của Quốc hội như: Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới;...

Cho ý kiến về Dự thảo đề cương chi tiết đề tài, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh lưu ý cần thể hiện rõ hơn những dấu mốc đậm nét của Quốc hội liên quan đến năm 1946 và năm 1976; bổ sung, sắp xếp nội dung đánh giá về hoạt động bầu cử, hội đồng nhân dân; số liệu về nữ đại biểu quốc hội, các đại biểu Quốc hội là người dân tộc;... Đồng thời, rà soát lại tên gọi các Ủy ban phải đúng theo thời kỳ;..

Góp ý vào Dự thảo đề cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu cũng đề nghị cân nhắc bổ sung nội dung để làm nổi bật hơn, đậm nét hơn sự hình thành, đổi mới và phát triển của chế định bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta; rà soát nhằm chuẩn hóa lại đúng tên gọi, khái niệm theo đúng từng giai đoạn lịch sử;… Ngoài ra, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu cũng nêu ý kiến cụ thể vào các chương V, VI, VII và XIII của đề tài; đề xuất bổ sung chuyên đề riêng đánh giá về đóng góp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Đề tài được triển khai trong 03 năm (2023-2025), khối lượng công việc rất lớn, với sự tham gia của tất cả các cơ quan trong khối Quốc hội. Do đó, cần phát huy cao độ trách nhiệm, sự tham gia tích cực, chủ động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng khoa học, sự đóng góp trí tuệ các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu về lịch sử Quốc hội, có kinh nghiệm thực tiễn về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các thành viên Ban Chủ nhiệm đề tài. Bên cạnh đó, quá trình triển khai nghiên cứu đề tài đặt trong tổng thể, kết nối đồng bộ với các hoạt động phục vụ kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam theo kế hoạch chung của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và gắn với các hoạt động tổng kết 10 năm thi hành Hiến pháp năm 2013 của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan.

Để hoàn thiện Đề cương chi tiết, Kế hoạch triển khai Đề tài, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, trên cơ sở ý kiến góp ý tại Phiên họp, giao Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục rà soát, chỉnh lý. Trong đó, việc tiếp thu, hoàn thiện cần tập trung vào các nội dung cơ bản: về nội dung; về phân công, giao nhiệm vụ; về tiến độ;.... Đồng thời, lưu ý, đây là một công trình nghiên cứu khoa học lập pháp hướng đến kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam, cần có sự kế thừa kết quả của các công trình nghiên cứu, các đề án, ấn phẩm đã được thực hiện nhưng phải tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, phát triển, không rập khuôn và đi theo "lối mòn" của các công trình đã có....

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Phiên họp thứ nhất đề tài cấp bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học của UBTVQH Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm đề tài chủ trì Phiên họp

Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH tham dự Phiên họp

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển – Phó Chủ nhiệm đề tài báo cáo Dự thảo Đề cương chi tiết, Dự thảo Kế hoạch triển khai tại Phiên họp

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học của UBTVQH Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm đề tài điều hành nội dung thảo luận, cho ý kiến tại Phiên họp 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, cần có điểm nhấn trong từng giai đoạn phát triển của Quốc hội. Bên cạnh đó, ngoài việc dựa trên 5 bản Hiến pháp cần phải nghiên cứu thêm các dấu mốc quan trọng khác gắn với hoạt động của Quốc hội như: Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới;...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, tên Đề tài thể hiện rõ 3 nội hàm về xây dựng, đổi mới và phát triển. Vì vậy, trong quá trình triển khai nghiên cứu cũng cần bám sát và thể hiện rõ cả 3 nội hàm nêu trên. Liên quan đến cấu trúc đề tài, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà đề xuất, tiếp cận theo chiều dọc để thấy rõ các mục tiêu đặt ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh lưu ý cần thể hiện rõ hơn những dấu mốc đậm nét của Quốc hội liên quan đến năm 1946 và năm 1976; bổ sung, sắp xếp nội dung đánh giá về hoạt động bầu cử, hội đồng nhân dân; số liệu về nữ đại biểu quốc hội, các đại biểu Quốc hội là người dân tộc;... Đồng thời, rà soát lại tên gọi các Ủy ban phải đúng theo thời kỳ;...

Đại diện lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội; trung tâm, đơn vị thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp tham dự Phiên họp

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu đề nghị cân nhắc bổ sung nội dung để làm nổi bật hơn, đậm nét hơn sự hình thành, đổi mới và phát triển của chế định bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta; rà soát nhằm chuẩn hóa lại đúng tên gọi, khái niệm theo đúng từng giai đoạn lịch sử;…Đồng thời, đề xuất bổ sung chuyên đề riêng đánh giá về đóng góp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương góp ý về dự thảo Đề cương chi tiết và Kế hoạch triển khai, phân công thực hiện Đề tài tại Phiên họp

Đại diện các Trung tâm, đơn vị thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp tham dự Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đây vừa là nhiệm vụ khoa học, vừa là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do đó, trong quá trình triển khai nghiên cứu đề tài đặt trong tổng thể, kết nối đồng bộ với các hoạt động phục vụ kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam theo kế hoạch chung của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và gắn với các hoạt động tổng kết 10 năm thi hành Hiến pháp năm 2013 của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan./.

Lê Anh - Nghĩa Đức