GÓC NHÌN: CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH – TÊN GỌI ĐÚNG CHO MỘT DỰ ÁN LUẬT

19/01/2024

Là một sáng kiến lập pháp đặc biệt được đề xuất bởi chính đại biểu Quốc hội, dự án Luật Chuyển đổi giới tính được hy vọng sẽ xây dựng cơ sở pháp lý quan trọng đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng Người chuyển giới ở Việt Nam. Để mang đến cái nhìn sâu sắc, đa chiều về dự án luật này, Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết “Chuyển đổi giới tính – Tên gọi đúng cho một dự án luật” của GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính.

GÓC NHÌN: KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV - VÌ QUỐC KẾ DÂN SINH, VÌ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC

TIẾP TỤC HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH, CÁC CHÍNH SÁCH TRONG DỰ ÁN LUẬT CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH

ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ: DỰ ÁN LUẬT CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH RẤT ĐẶC BIỆT VÀ ĐẶC THÙ

Vừa qua, tại kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XV đã bấm nút thông qua để cho phép đưa Dự án “Luật Chuyển đổi giới tính” ("Gender Affirmation Law") vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội và sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2024), rồi sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 9 (tháng 5 năm 2025). Có thể nói đây là một bước tiến hết sức cơ bản trong việc xây dựng cơ sở pháp lý quan trọng đảm bảo cho cộng đồng Người chuyển giới ở Việt Nam để họ sống đầy đủ tư cách pháp nhân trong xã hội.

Trên thực tế, thuật ngữ “Chuyển đổi giới tính” và các thuật ngữ liên quan với chuyển đổi giới tính là rất khó hiểu, dễ nhầm lẫn. Lý do là vì chuyển đổi giới tính, LGBT, bản dạng giới…là những vấn đề còn mới mẻ, khó và có sự chồng chéo ít nhiều về nghĩa ngữ, về diễn đạt, về giải thích, về hành động và cả về quy định có tính pháp lý ở mỗi quốc gia.

Tại kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thống nhất đưa Dự án “Luật Chuyển đổi giới tính” vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội và sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2024)

Trong quá trình tiến hành thực hiện dự án xây dựng luật Chuyển đổi giới tính, chúng tôi nhận ra rằng để có thể tiến hành được thì cần phải hiểu kỹ về chuyển đổi giới tính, mà trước hết là hiểu, không nhầm lẫn thuật ngữ “chuyển đổi giới tính” với các thuật ngữ có liên quan. Bởi vậy, chúng tôi xin mạnh dạn trình bày một số hiểu biết của mình trong bài viết này.

Xin được đề cập đến một số thuật ngữ có liên quan đến luật Chuyển đổi giới tính.

1. Bản dạng giới (Gender identity):

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì Bản dạng giới là một khái niệm đề cập đến trải nghiệm sâu sắc, bên trong và mang tính cá nhân của một người về giới tính, có thể tương thích hoặc không tương ứng với thể chất của người đó hoặc giới tính khi sinh.

Vậy, Bản dạng giới là cảm nhận tự thân bền vững của cá thể về giới tính của mình mà chỉ tự họ nhận ra trong quá trình sống, không phụ thuộc vào giới tính bên ngoài khi mới sinh ra của họ. Bản dạng giới có thể là nữ hoặc nam; hoặc gần như nam, hay gần như nữ; hoặc không phải nam không phải nữ - hay còn gọi là “phi nhị nguyên giới”.

2. Giới (Gender): Theo Luật Bình đẳng giới (2006) thì Giới là khái niệm chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội. Như vậy, "giới" là khái niệm mang tính xã hội, có thể thay đổi theo thời gian và theo chế độ xã hội (như vai trò, việc làm, học hành, trang phục…).

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật chủ trì Phiên họp thứ hai Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính.

3. Giới tính (sex): Cũng theo Luật Bình đẳng giới (2006) thì Giới tính chỉ các đặc điểm sinh học của nam, nữ.

4. Phi nhị nguyên giới (Non-binary): Là những người nhận định bản thân không thuộc về giới tính nam hay nữ mà là một giới tính khác. Đây là một khái niệm của bản dạng giới, mà không phải là khái niệm về xu hướng tình dục. Có nhiều dạng phi nhị nguyên giới:

- Vô giới (Agender): người không có bản dạng giới, không tuân theo chuẩn mực của giới tính nào.

- Song giới (Bigender): người có hai bản dạng giới, cả nam và nữ, tuân theo một số chuẩn mực của nam giới và một số chuẩn mực của nữ giới.

- Nửa giới (Demigender), bao gồm demi-man/demi-boy và demi-woman/demi-girl: người xác định một phần bản dạng giới của mình là nam hoặc nữ.

- Giới tính linh hoạt (Gender fluid): người có cảm nhận giới tính thường xuyên thay đổi. 

5. Giới tính sinh học (Biological sex): Theo Viện Sức khoẻ Quốc gia Hoa Kỳ thì Giới tính sinh học là cách phân loại sinh học dựa trên các đặc điểm về sinh sản, giải phẫu và di truyền, thường được xác định là nam, nữ, và liên giới tính.

6. Giới tính khi sinh (Gender designated at birth/Gender assigned at birth): Giới tính (nam, nữ, liên giới tính) được gán cho một đứa trẻ ở thời điểm được sinh ra, được ghi trong giấy chứng sinh do cơ sở y tế/người hỗ trợ sinh/cha mẹ tự quyết định.

7. Thể hiện giới (Gender expression): Thể hiện giới là cách một người thể hiện bản dạng giới của mình với những người xung quanh, thông qua hành vi, quần áo, kiểu tóc, giọng nói. Đó là những biểu hiện bên ngoài về bản dạng giới, thông qua những hành vi, dáng vẻ, tính cách, ngoại hình “nữ tính”, “nam tính” hay “trung tính.”

LGBT là một cụm từ để chỉ Cộng đồng của những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới. 

8. LGBT: là một cụm từ để chỉ Cộng đồng của những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới. Trong đó các chữ viết tắt L =  Lesbian (đồng tính luyến ái nữ), G = Gay (đồng tính luyến ái nam), B = Bisexual (song tính luyến ái) và T = Transgender (chuyển giới). Cụm từ LGBT này thường được sử dụng để chỉ những người có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác với số đông. Phần đông dân số có bản dạng giới là hợp giới (cảm nhận tự thân tương thích với đặc điểm sinh học về giới tính) và có xu hướng tính dục dị tính (yêu người có bản dạng giới khác với mình).

Cũng đã từng muốn để tách bạch xu hướng tính dục với chuyển đổi giới tính, nên ở Anh, cụm từ viết tắt LGBT đã được cách điệu thành LGB&T. Nhưng cho đến nay, cách viết và nói LGB&T này không phổ biến bằng LGBT do bởi bất tiện khi viết và khi nói.

- Cũng có khi được sử dụng cụm từ LGBT+, trong đó dấu cộng đại diện cho sự tồn tại đa dạng của các nhóm khác trong cộng đồng như: N là Non-binary (phi nhị nguyên giới), I là Intersex (liên giới tính), A là Asexual (vô tính luyến ái)...

- Hoặc LGBTQ+ trong đó chữ Q (Queer) thể hiện có xu hướng tính dục và bản dạng giới không thiên về một giới nào,  hoặc (Questioning) là đang trong giai đoạn tìm hiểu bản thân - để thể hiện sự đa dạng của con người dựa trên xu hướng tính dục (sexual orientation) và bản dạng giới (gender identity); thể hiện giới (gender expression) và thiên hướng tình dục (sexual attraction).

- Cũng có tài liệu sử dụng cụm từ LGBTQIAP trong đó các chữ cái viết tắt thêm là I (intersex) nghĩa là liên giới tính, A (asexual) nghĩa là vô tính luyến ái (không có hấp dẫn về tình dục với ai), và P (pansexual) nghĩa là toàn tính luyến ái (có thể có cảm xúc yêu và hấp dẫn về tình dục với người thuộc bất kỳ bản dạng giới nào).

Dùng các cụm từ viết tắt này là cho thấy rằng kể cả về xu hướng tình dục và cả bản dạng giới thì ở con người cũng đều rất đa dạng!

Cụ thể: Về xu hướng tính dục có các nhóm phổ biến: dị tính luyến ái (heterosexual), đồng tính luyến ái (homosexual), song tính luyến ái (bisexual), toàn tính luyến ái (pansexual), vô tính luyến ái (asexual),... Còn về bản dạng giới thì ngoài 2 giới tính chính là nam và nữ thì có thể có: phi nhị nguyên giới, linh hoạt giới, vô giới,... Những người có bản dạng giới khác với giới tính được xác định khi sinh (sex assigned at birth) là người chuyển giới, ngược lại người người có bản dạng giới phù hợp với giới tính khi sinh là người hợp giới (cisgender).

Xin được nêu lại những khái niệm:

* Đồng tính luyến ái nữ (Lesbian): Những người này có bản dạng giới là nữ (có thể là người chuyển giới nữ) và bị thu hút về mặt tình yêu lẫn tình dục (xu hướng tình dục) với những người cũng có bản dạng giới là nữ. Hiểu một cách đơn giản là những người là Les là nữ yêu nữ. 

* Đồng tính luyến ái nam (Gay): Là những người có bản dạng giới là  nam (bao gồm cả người chuyển giới nam) và bị thu hút về mặt tình yêu và tình dục với những người cũng có bản dạng giới là nam. Hiểu một cách đơn giản thì "gay" là nam yêu nam.

* Song tính luyến ái (Bisexual): Là những người có bản dạng giới nam hoặc nữ bình thường và bị thu hút, hấp dẫn bởi cả hai giới (cùng hoặc khác giới với họ). Hiểu một cách đơn giản, bất kể họ là nam hay nữ thì họ đều có thể yêu và quan hệ tình dục với cả nam và nữ.

* Liên giới tính (Intersex):  Là thuật ngữ chung để chỉ những người được sinh ra hoặc phát triển trong giai đoạn dậy thì các đặc điểm giới tính sinh học không đặc trưng cho nam hoặc nữ .

* Vô tính luyến ái (Asexuality): Là sự không bị hấp dẫn tình dục, hoặc không hay ít quan tâm đến các hoạt động tình dục. Đây là một trong những xu hướng tính dục.

* Toàn tính luyến ái (Pansexuality/Omnisexuality): Là chỉ sự hấp dẫn tình dục và/hoặc tình cảm với bất kể giới nào. Những người toàn tính có thể xem bản thân họ như là người mù giới, khẳng định rằng giới và giới tính không phải là yếu tố quyết định sự hấp dẫn tình cảm và tình dục của họ đối với những người khác. Toàn tính là một xu hướng tính dục độc lập hoặc là một nhánh của song tính.

9. Chuyển đổi giới tính (transgender): Trong tiếng Anh còn có thể sử dụng “Gender reassigment" hoặc "Sex reassigment" … tùy từng ngữ cảnh, vì "gender" là giới - một khái niệm mang tính xã hội (nam, nữ), còn "sex" là khái niệm mang tính sinh học. "Gender reassigment" là chuyển đổi giới tính mà không nhất thiết đòi hỏi can thiệp về "sex" - các đặc điểm sinh học. Còn "Sex reassigment" thì thường phải có thay đổi về sinh học - như phẫu thuật và sử dụng hoc-môn. Còn bản thân từ "transgender" là thể hiện sự thừa nhận về mặt xã hội của bản dạng giới (trans-gender).

Chuyển đổi giới tính - tiếng Anh còn được viết “Gender Transition”: Theo Viện Sức khoẻ Quốc gia Hoa Kỳ là quá trình tương tác mà trong đó một người được xã hội chấp nhận và ủng hộ bản dạng giới và thể hiện giới của họ. Quá trình này có thể nhưng không nhất thiết phải bao gồm can thiệp y học.

Còn “Chuyển đổi giới tính” về mặt luật pháp trong tiếng Anh hay được sử dụng cụm từ “Gender Affirmation” để nhấn mạnh sự xác nhận, sự phê chuẩn về bản dạng giới và thể hiện giới của một công dân trong xã hội. Bởi vậy “Luật chuyển đổi giới tính” mà chúng ta đang xây dựng đây, chúng tôi xin được dùng tiếng Anh là "Gender Affirmation Law".

Nội dung của thuật ngữ chuyển đổi giới tính (transgender) trong luật này sẽ còn được phân tích những khía cạnh đặc thù hơn ở phần III dưới đây.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính.

10. Người chuyển giới nam (Transgender man/trans man/female-to-male (FTM) transgender person): Người có giới tính khi sinh là nữ nhưng bản dạng giới là nam.

11. Người chuyển giới nữ (Transgender woman/ Trans woman/ male-to-female (MTF) transgender person): Người có giới tính khi sinh là nam nhưng bản dạng giới là nữ.

12. Can thiệp định giới (Gender reassignment/ Gender-affirming interventions): Các biện pháp y khoa, có thể nhưng không nhất thiết phải bao gồm tất cả các biện pháp trị liệu về tâm lý, nội tiết và ngoại khoa nhằm tạo ra sự tương thích giữa hình thể và bản dạng giới của một người.

Các can thiệp này có thể bao gồm: trị liệu tâm lý, điều trị hóc-môn, phẫu thuật định giới (ví dụ như phẫu thuật khuôn mặt, ngực/vú, các phẫu thuật khác nhau ở bộ phận sinh dục, hoặc cắt tử cung), triệt sản (dẫn tới vô sinh), triệt lông, luyện giọng nói. Không phải tất cả mọi người chuyển giới đều mong muốn hoặc có thể thực hiện toàn bộ hoặc bất kỳ can thiệp nào trong số này.

Luật được Quốc hội khóa XV đồng ý cho xây dựng hiện nay được mang tên là “Luật Chuyển đổi giới tính” ("Gender Affirmation Law").

Về thuật ngữ, trong dự án luật này, Chuyển đổi giới tính được hiểu ngắn gọn là sự chuyển đổi từ giới tính này sang giới tính khác, cụ thể là từ nam sang nữ hoặc từ nữ sang nam. Chuyển đổi giới tính, cũng trong luật này, là đề cập đến một cộng đồng những người họ tự cảm nhận được giới tính thật của mình, mà giới tính đó khác với giới tính mà họ đang có. Như vậy Chuyển đổi giới tính ở đây là một phản ánh về bản dạng giới. Và cộng đồng người Chuyển đổi giới tính (transgender community) đó bao gồm cả những người đã can thiệp y khoa để chuyển giới; hoặc chưa can thiệp y khoa để chuyển giới do có thể chưa đủ điều kiện về sức khỏe, kinh tế, tâm lý…

Lưu ý là trong Luật CĐGT này không đề cập đến nội dung đồng giới (bao gồm quan hệ tình dục đồng giới và cả hôn nhân đồng giới), vì vậy cụm từ LGBT không nên dùng để thay thế cho cụm từ “Chuyển đổi giới tính” trong dự luật này.

Như vậy, việc Quốc hội quyết định tên luật CĐGT là hết sức đúng đắn, rất rõ để xác định:

1. Các chính sách khi xây dựng Luật này, đó là:

- Về điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính;

- Thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân;

- Quy định công nhận các trường hợp đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực;

- Thẩm quyền và thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính.

Theo chương trình, Dự án “Luật Chuyển đổi giới tính” ("Gender Affirmation Law") sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2024) và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 9 (tháng 5 năm 2025).

2. Phạm vi điều chỉnh: Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính, người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; quy trình, thủ tục đối với người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; công nhận giới tính nữ hoặc nam đối với người chuyển đổi giới tính; quản lý nhà nước về chuyển đổi giới tính.

3. Đối tượng áp dụng Luật CĐGT này, là:

-  Người đề nghị thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

- Người đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam hoặc từ nam sang nữ trước khi luật này có hiệu lực.

- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện can thiệp y học cho người chuyển đổi giới tính.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chuyển đổi giới tính.

Để rồi đây luật ra đời có thể đi được vào cuộc sống thì ngay trong quá trình xây dựng cần xem xét Chuyển đổi giới tính trong một chuỗi các hoạt động từ khám xét để đánh giá về tình trạng tâm thần là hoàn toàn khỏe mạnh trên một người có chính kiến về bản dạng giới rõ ràng, bền vững; rồi tư vấn tâm lý thật kỹ để đảm bảo đó là một cảm nhận sâu sắc và một quyết tâm chuyển giới cháy bỏng; tiếp là can thiệp y khoa để chuyển giới và cuối cùng là thực hiện việc thay đổi các giấy tờ pháp lý sang giới tính mới.

Toàn bộ hoạt động trên là rất khó khăn mà chỉ có thể làm được khi hiểu đúng về “Chuyển đổi giới tính” và các thật ngữ có liên quan với chuyển đổi giới tính.

- Chuyển đổi giới tính (Transgender) là một phạm trù rất mới, đan xen giữa sinh học tự nhiên với khoa học xã hội. Và các thuật ngữ về Chuyển đổi giới tính và liên quan với Chuyển đổi giới tính là rất phong phú, chồng lấn, khó và phức tạp.

- Việc Quốc hội Việt Nam quyết định tên dự án luật là “Luật Chuyển đổi giới tính” (Gender Affirmation Law) là rất đúng đắn, khá dễ hiểu và rất rõ để xác định phạm vi, đối tượng và cả nội dung của dự án Luật này./.

               

GS.TS. Nguyễn Anh Trí - ĐBQH Tp.Hà Nội

Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật Chuyển đổi giới tính