Chất lượng đại biểu Quốc hội và một số vấn đề cần quan tâm

24/09/2024

Theo Th.S. Trần Văn Tám, nguyên Vụ trưởng, Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội, đại biểu Quốc hội có vai trò, vị trí rất quan trọng trong bộ máy nhà nước. Tổ chức, hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội nước ta có những nét đặc thù. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đã và đang được đẩy mạnh, đạt nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời, cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới cao hơn, trong đó có việc đổi mới mạnh mẽ tổ chức hoạt động Quốc hội, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, để đại biểu Quốc hội hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần vào kết quả hoạt động chung của Quốc hội.

Một số vấn đề của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

1. Vị trí vai trò của đại biểu biểu Quốc hội

Đại biểu Quốc hội có vai trò, vị trí rất quan trọng trong bộ máy nhà nước, là thành viên của Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nhân dân, do Nhân dân bầu ra, đại diện cho ý chí nguyện vọng của Nhân dân, thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội.

Tổ chức, hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội nước ta có những nét đặc thù. Các đại biểu phần lớn hoạt động kiêm nhiệm, được cơ cấu đại diện cho các tầng lớp Nhân dân, thành phần xã hội; công tác, hoạt động ở các ngành, lĩnh vực khác nhau, trình độ năng lực chuyên môn, thực tiễn khác nhau, từ đó chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đại biểu cũng khác nhau và có những hạn chế nhất định.  

Trên cơ sở chủ trương, quan điểm của Đảng về việc xây dựng, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước nói chung, đại biểu dân cử (đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân) nói riêng, có phẩm chất, năng lực trình độ, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế; việc quan tâm chất lượng đại biểu Quốc hội, phát huy vai trò đại diện quyền lực Nhân dân của Quốc hội, đại biểu Quốc hội là rất quan trọng, cần thiết. Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội chính là để nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của Quốc hội.  

Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, giữ vị trí hạt nhân trung tâm trong hoạt động của Quốc hội.

2. Yêu cầu nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội

Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đã và đang được đẩy mạnh, đạt nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời, cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới cao hơn, trong đó có việc đổi mới mạnh mẽ tổ chức hoạt động Quốc hội, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, để đại biểu Quốc hội hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần vào kết quả hoạt động chung của Quốc hội, phát huy vị trí, vai trò của Quốc hộị trong giai đoạn hiện nay.

Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, cần đáp ứng các yêu cầu sau đây:

Thứ nhất, Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội đặt trong tổng thể, thống nhất, và là yếu tố quan trọng cốt yếu để nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; phát huy vai trò cơ quan quyền lực cao nhất của Nhân dân, thực hiện tốt chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Thứ hai, Quốc hội, trong điều kiện đa số đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, thời gian thực hiện nhiệm vụ, kỹ năng, phương pháp hoạt động dân cử còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, thông tin đến với cử tri và Nhân dân ngày càng đầy đủ, kịp thời; việc theo dõi, giám sát hoạt động Quốc hội, đại biểu Quốc hội từ Nhân dân và cử tri ngày càng được quan tâm thường xuyên. Trong điều kiện đó, trước hết mỗi đại biểu phải tự mình học tập, nghiên cứu, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, các vấn đề liên quan khác để hoàn thiện, nâng cao trình độ, năng lực hoạt động có tính đặc thù của cơ quan dân cử.

Đại biểu Quốc hội phát huy vai trò của mình, thực hiện tốt chức năng đại diện, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội, góp phần vào thành công chung của Quốc hội.

Thứ ba, Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm, các cơ quan hữu quan từ trung ương đến địa phương, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan đến đại biểu Quốc hội, và nâng cao chất lượng đại biểu. Chú trọng tăng cường bộ máy tham mưu, giúp việc, các điều kiện bảo đảm khác cho đại biểu Quốc hội hoạt động, nhất là đối với các đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu, đại biểu kiêm nhiệm, đại biểu cơ sở.

1. Chất lượng đại biểu và công tác bầu cử

Chất lượng đại biểu và công tác bầu cử là hai vấn đề có liên quan trực tiếp với nhau. Công tác bầu cử tốt, thì sẽ bầu được đại biểu có chất lượng tốt. Hoặc nói cách khác, chất lượng đại biểu phụ thuộc vào công tác bầu cử. Công tác bầu cử có ý nghĩa “gốc dễ” chi phối và quyết định phần lớn chất lượng đại biểu. Cuộc bầu cử được chuẩn bị tốt ở tất cả các khâu, các bước, dân chủ, đúng luật, đúng quy trình, thủ tục, lựa chọn giới thiệu và bầu được những người bảo đảm tiêu chuẩn, thì sẽ có chất lượng đại biểu tốt. Chất lượng đại biểu và công tác bầu cử, có hai vấn đề cần quan tâm:

Thứ nhất, vấn đề tiêu chuẩn và cơ cấu đại biểu 

Quốc hội nước ta gồm các đại biểu đại diện các tầng lớp Nhân dân, thành phần xã hội. Để Quốc hội gồm các đại biểu chất lượng, trước hết, tiêu chuẩn và cơ cấu đại biểu phải hài hòa, thống nhất và hợp lý. Trong đó, yêu cầu về tiêu chuẩn phải được coi trọng hàng đầu, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Trên cơ sở tiêu chuẩn để lựa chọn, bầu được người xứng đáng vào Quốc hội. Có như vậy, chất lượng, năng lực, phẩm chất đại biểu Quốc hội mới được nâng lên, đại biểu mới làm tốt được vai trò đại diện, hoàn thành hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đóng góp được nhiều cho hoạt động của Quốc hội.

Để bầu được đại biểu chất lượng, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, các cơ quan chức năng, các tổ chức phụ trách bầu cử từ trung ương đến địa phương, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức bầu cử, ngay từ các bước, các khâu đầu tiên, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm, trong đó đặc biệt chú trọng công tác nhân sự, xem xét, lựa chọn, hiệp thương giới thiệu, lập danh sách chính thức những người ứng cử đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp cơ cấu, để bầu được đại biểu xứng đáng.

Tranh cổ động về bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp.

Thứ hai, phát huy dân chủ, công khai, khách quan trong bầu cử

Dân chủ, công khai, khách quan trong quá trình tổ chức bầu cử, nhất là trong công tác nhân sự, hiệp thương, lựa chọn giới thiệu người ứng cử, là vấn đề rất quan trọng, là yếu tố bảo đảm chất lượng đại biểu. Việc phát huy dân chủ, công khai, khách quan, tránh áp đặt trong quá trình lựa chọn, bầu đúng người xứng đáng, phải được xác định là yêu cầu, mục đích cốt yếu của cuộc bầu cử.

Thực tế các cuộc bầu cử cho thấy, tình trạng nhiều trường hợp người ứng cử hội đủ các tiêu chuẩn quy định, nhưng qua các vòng hiệp thương, lại không được đưa vào danh sách giới thiệu ứng cử, hoặc không trúng cử. Trong khi đó, nhiều trường hợp kém về nhiều mặt, thì lại có tên trong danh sách ứng cử. Hoặc có nhiều đại biểu được bầu, nhưng uy tín thấp, trong con mắt của người dân chưa hẳn là người xứng đáng. Ở một số nơi, có trường hợp, người được cấp ủy giới thiệu nhưng không trúng cử, hoặc trúng cử số phiếu thấp. Vì vậy, trong suy nghĩ của một số người, cho rằng vẫn còn tình trạng "đảng cử dân bầu", dẫn đến hạn chế quyền ứng cử của công dân. Đây là một thực tế cần được nghiên cứu, xem xét trong qúa trình sửa đổi, hoàn thiện những quy định chưa thật sự phù hợp, cũng như rút kinh nghiệm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức bầu cử.

2. Bổ sung, hoàn thiện quy định của luật bầu cử

2.1. Về tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu Quốc hội

Về tiêu chuẩn: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân hiện hành quy định 05 tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, đó là quy định chung nhất mà đại biểu cần phải có, thực tế khi áp dụng, vận dụng cụ thể, có những khó khăn nhất định. Đề nghị nghiên cứu cụ thể hóa rõ hơn tiêu chuẩn đại biểu theo tiêu chí cần thiết, để việc lựa chọn, nhận xét, đối chiếu, so sánh giữa những người được giới thiệu ứng cử được thuận lợi, chính xác, đảm bảo khách quan,  công bằng hơn.

Về cơ cấu: Để đảm bảo tính đại diện rộng rãi của cơ quan dân cử thời kỳ đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, khi mà có nhiều thay đổi lớn về cơ cấu lao động xã hội, cần nghiên cứu có quy định phù hợp hơn về cơ cấu đại diện cho các lĩnh vực, ngành nghề, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội... Quan tâm quy định cơ cấu tự ứng cử để “có chỗ” cho người đủ tiêu chuẩn, xứng đáng được ứng cử, trúng cử, và các cơ cấu xã hội cần thiết khác, như công dân Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài muốn đóng góp xây dựng đất nước, được tham gia ứng cử...     

Quy định cụ thể hợp lý về việc đại biểu “gánh” thêm cơ cấu, để hạn chế tình trạng một đại biểu “gánh” đến ba, bốn cơ cấu, nhất là đối với cơ cấu nữ, trẻ tuổi, dẫn đến sự  không phù hợp và nặng tính hình thức trong cơ cấu; quy định cụ thể những trường hợp đại biểu Quốc hội kiêm chức trong các cơ quan của bộ máy nhà nước, hạn chế tình trạng nhiều đại biểu dân cử phải đảm nhiệm (kiêm) nhiều chức vụ, nhiều công việc, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động đại biểu.      

Cơ cấu ĐBQH trúng cử Quốc hội khóa XV. (nguồn: TTXVN)     

2.2. Về quyền ứng cử, hiệp thương giới thiệu người ứng cử

Pháp luật bầu cử quy định quyền ứng cử của công dân được đảm bảo thông qua hai hình thức là, cơ quan, tổ chức, đơn vị đề cử, giới thiệu người ứng cử; hoặc công dân tự mình ra ứng cử.

Thực tế các cuộc bầu cử, người ứng cử hầu hết được thông qua đề cử, giới thiệu của cấp ủy Đảng cơ quan, đơn vị; số người tự ra ứng cử không nhiều. Tất cả những người được đề cử và tự ứng cử đều phải qua các vòng hiệp thương, do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện, để lựa chọn, lập danh sách chính thức người ứng cử.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc hiệp thương, giới thiệu, lấy ý kiến của cử tri về người ứng cử, cách thức tổ chức thực hiện có những vấn đề cần nghiên cứu để quy định phù hợp hơn. Như, quy định thống nhất số lượng tổ chức các cuộc hội nghị cử tri; quy định thống nhất việc biểu quyết tín nhiệm về người ứng cử chỉ nên quy định rõ một trong hai hình thức là giơ tay, hoặc bỏ phiếu kín, thay cho quy định hiện hành là “có thể bằng hình thức giơ tay hoặc hình thức bỏ phiếu kín”; để tránh sự tùy tiện, áp dụng không thống nhất, tâm lý muốn thực hiện biểu quyết giơ tay cho nhanh, gọn; hoặc trong biểu quyết giơ tay thường có tình trạng e ngại khi thể hiện chính kiến của mình, dẫn đến kết quả biểu quyết có thể sẽ không phản ánh chính xác, khách quan.

    

Th.S. Trần Văn Tám

Nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội