Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: Sẵn sàng ứng phó thời điểm bão mạnh nhất lúc 17 giờ ngày 7/9

07/09/2024

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (tên quốc tế là YAGI), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác đã làm việc với Tổng cục Khí tượng thủy văn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và các cơ quan liên quan.

Thủ tướng chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão

Phó Thủ tướng đã có mặt tại Trung tâm Điều hành tác nghiệp khí tượng thủy văn kiểm tra công tác dự báo, cảnh báo bão số 3 khi bão đang tiến sát vùng ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng. Phó Thủ tướng đã điện thoại trực tiếp cho lực lượng quan trắc tại đảo Bạch Long Vỹ để nắm bắt tình hình bão và động viên cán bộ khí tượng thủy văn tại tâm bão. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp đến kiểm tra công tác ứng trực, dự báo bão số 3 tại Trung tâm Dự báo Khí tượng 

Thời điểm bão mạnh nhất lúc 17 giờ ngày 7/9

Đến kiểm tra khu vực dự báo bão, Phó Thủ tướng quan tâm đến cấp độ gió mạnh nhất và đặc biệt là vùng ảnh hưởng của gió bão. Theo dự báo, trung tâm bão sẽ đi qua khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình. Phó Thủ tướng chỉ đạo Cục Cứu hộ cứu nạn thông báo việc thành lập ngay Ban chỉ đạo chống bão tại các địa phương và họp để chỉ huy hành động.  

Thời điểm này, khu vực đảo Bạch Long Vỹ không có tín hiệu kết nối với Trung tâm Dự báo KTTV do thời tiết xấu. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn Doãn Thái Đức gọi điện ngay cho lực lượng quân đội trên đảo, đề nghị kết nối với trạm KTTV để nắm bắt tình hình.

Báo cáo với đoàn công tác và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về diễn biến bão số 3, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, sáng 7/9, bão đang ở trên khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, cách Quảng Ninh 120km về phía Đông, cường độ bão mạnh cấp 14, giật trên cấp 17, tiếp tục theo hướng Quảng Ninh-Hải Phòng. Thời điểm bão mạnh nhất sẽ vào khoảng 17 giờ ngày 7/9 trên địa phận tỉnh Quảng Ninh. 

Phạm vi gió mạnh rộng; vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 250km; vùng có gió mạnh trên cấp 10 khoảng 150km, vùng có gió mạnh trên cấp 12 khoảng 80km xung quanh tâm bão.

Khoảng trưa 7/9, bão di chuyển vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, vùng tâm bão đi qua địa phận các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng với cường độ cấp 12-13, giật cấp 14-15. 

Gió lớn kèm theo mưa ngay từ sáng 7/9 tại khu vực Bạch Long Vĩ. Ảnh: TTXVN

Vùng biển vịnh Bắc Bộ bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội; sóng cao 3-5m, vùng gần tâm bão đi qua 6-8m. Vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có sóng cao 2-4m, vùng gần tâm bão 3-5m.

Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình) cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ từ trưa 7/9 có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11; thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối 7/9.

Về mưa, từ ngày 7 đến sáng 8/9, tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, khu vực đồng bằng Bắc Bộ trong đó có Thủ đô Hà Nội và Thanh Hóa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Các nơi khác ở Đông Bắc Bộ phổ biến 100-150mm.

Từ chiều 7 đến sáng 9/9 khu vực phía Tây Bắc Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm. Riêng các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La 150-300mm, cục bộ có nơi trên 400mm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác làm việc với Tổng cục Khí tượng thủy văn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và các cơ quan liên quan.

Đảm bảo an toàn hồ chứa, đê xung yếu 

Về tình hình đảm bảo an toàn hồ chứa, hồ đập, đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, thực hiện chỉ đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các hồ Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đang được mở cửa xả đáy, cơ bản ở mực nước an toàn để phân lũ. 

Liên quan đến hồ thủy lợi vừa và nhỏ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ đạo đảm bảo an toàn loại hình hồ chứa này. Riêng các hồ: Núi Cốc, Đại Lải hiện đã có dung tích gần 100%, cần có biện pháp đảm bảo an toàn nếu lượng mưa quá lớn. 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Hoàng Hiệp, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã có những bản tin dự báo khá chính xác trước, trong bão từ hướng đi, cường độ, phạm vi…Do đó, các đơn vị đã có sự chủ động trong công tác ứng phó bão.  

Khu vực xã Thanh Lân, huyện đoả Cô Tô gió mạnh cấp 13, giật cấp 16. Ảnh cụp 11h ngày 7/9/2024. Ảnh Văn Đức/TTXVN

Theo Thứ trưởng Trần Hoàng Hiệp, bão sẽ cập sát vào bờ lúc 11 giờ, mạnh nhất lúc 17 giờ ngày 7/9, vùng bão mạnh nhất ở Quảng Ninh-Hải Phòng. Sau đó, bão sẽ di chuyển vòng qua Thái Nguyên, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam vào đêm 7/9. Ngay sau đó, mưa sau hoàn lưu sẽ xuất hiện dày, cường độ dài nhất trong gần 36 tiếng, lượng mưa lớn nhất khoảng 500mm. Do đó, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt tại các khu vực là rất cao.

“Nếu lượng mưa trên 500mm, chúng ta có thêm mối lo về vận hành hồ chứa. Khu vực ảnh hưởng của bão có gần 3.000 hồ chứa, trong đó có một số hồ thủy điện nhỏ cùng trên 800 hồ thủy lợi nhỏ hiện đã đạt gần 90% dung tích. Với 16 hồ có cửa van, nếu không vận hành đóng mở cửa van trước bão và để xảy ra kẹt sẽ gây sự cố nguy hiểm. Bên cạnh đó là nguy cơ lũ chồng lũ nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị vận hành”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý. 

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cũng nêu nguy cơ tràn đê tại một số khu vực ven biển khi sóng quá cao. 

Đảm bảo lực lượng ứng phó bão 

Báo cáo với Phó Thủ tướng, đại diện Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ cho biết, hiện trạm quan trắc Cô Tô ghi nhận gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Dự báo khu vực này chịu ảnh hưởng rất lớn, tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất và đời sống của người dân; nguy cơ lũ quét sạt lở đất tại một số địa phương vùng núi; nguy cơ ngập lụt đô thị tại Thủ đô Hà Nội. Một số trạm quan trắc đang gặp khó khăn do tình hình gió mạnh. Toàn bộ các trạm quan trắc đã huy động toàn bộ lực lượng ứng trực, trang bị đầy đủ thiết bị quan trắc. Các cán bộ khí tượng thủy văn làm việc với tinh thần cao nhất để cung cấp thông tin sát nhất, nhanh nhất tới người dân. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại hồ chứa nước Yên Lập ( Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Thanh Vân/TXVN

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Trung tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ Cứu nạn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia cho biết, ngay từ năm 2021, lực lượng quân đội đã kết hợp cùng Bộ Chỉ huy quân sự các địa phương tổ chức đợt diễn tập quân sự ứng phó siêu bão tại tỉnh Quảng Ninh; năm 2023, các đơn vị cũng triển khai diễn tập ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại Hải Phòng. Do đó, với bão số 3, lực lượng quân đội đã nêu cao tinh thần chủ động, ứng trực nghiêm túc, bám sát chỉ đạo của Chính phủ đối với bão. 

Hiện nay, các lực lượng quân đội đã được huy động trực 24/24h. Cụ thể, Quân khu 1 huy động hơn 44.600 người trong đó có hơn 11.000 bộ đội; 715 phương tiện; Quân khu 3 với hơn 45.000 người trong đó có hơn 3.000 bộ đội, 555 phương tiện, 376 tàu xuồng; Quân chủng Hải quân hơn 1.200 cán bộ, chiến sỹ, 169 phương tiện; Quân chủng Phòng không không quân hơn 3.500 cán bộ chiến sỹ, 44 phương tiện, trong đó có 8 máy bay trực thăng. Bộ đội Biên phòng hơn 3.500 cán bộ chiến sỹ, 259 phương tiện. Một số lực lượng khác cũng được huy động như: Cảnh sát biển, Binh đoàn 18…

Cảnh giác hoàn lưu bão số 3

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao công tác dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đối với bão số 3. Theo đó, Phó Thủ tướng nhận định, bão số 3 được dự báo nhanh, khá chính xác, đồng nhất với dự báo của một số đài quốc tế về phạm vi, hướng đi, cường độ, tính phức tạp…

Phó Thủ tướng yêu cầu cần Trung tâm tiếp tục đánh giá chính xác diễn biến bão, hướng đi, tác động trong bán kính 100-150km tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình.

Với thời điểm bão mạnh nhất lúc 17 giờ ngày 7/9, Phó Thủ tướng yêu cầu Trung tâm cung cấp cho người dân thời điểm bão vào đất liền chính xác nhất có thể; mức độ, quy luật và đặc thù khi bão vào đất liền. 

Bên cạnh đó, các bản tin dự báo, cảnh báo cần được cập nhật nhanh hơn, tần suất dày hơn, cần lưu ý thời gian nguy hiểm nhất khi bão vào đất liền. 

Với các huyện đảo, Phó Thủ tướng đề nghị cần tính toán phương án sóng biển cao để công tác bảo vệ an toàn đê điều vùng ven biển.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ảnh hưởng hoàn lưu bão rất rộng, trong đó, vùng núi trung du, miền núi, đồng bằng sông Hồng, các địa phương sâu trong đất liền có lượng mưa rất lớn, thời gian mưa dài, cần có phương án cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt đô thị.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các lực lượng cần đảm bảo thông tin liên lạc với các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, các khu vực có mật độ dân cư đông; đề nghị các Bộ ngành, cơ quan liên quan tăng cường tinh thần cảnh giác, tập trung cao độ, có biện pháp duy trì công tác điều hành thông suốt trong ứng phó bão số 3; tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, trước tình hình bão số 3 với cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta, Chính phủ đã thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng, chống bão. Ngay sau cuộc làm việc với Tổng cục Khí tượng thủy văn, đoàn công tác của Phó Thủ tướng sẽ đến Hải Phòng kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 và việc thành lập cơ quan này./.

(Theo TTXVN)